TPHCM công bố gói hỗ trợ hơn 7.300 tỷ, 7,3 triệu dân khó khăn sẽ nhận mỗi người 1 triệu đồng

(ĐTTCO) - Mỗi người dân khó khăn sẽ được nhận 1 triệu đồng, không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú. Tổng quy mô gói hỗ trợ là hơn 7.300 tỷ đồng, triển khai ngay trong tuần này. 
Trong đợt hỗ trợ lần 3, mỗi người dân khó khăn tại TPHCM sẽ nhận 1 triệu đồng không phân biệt đối tượng.
Trong đợt hỗ trợ lần 3, mỗi người dân khó khăn tại TPHCM sẽ nhận 1 triệu đồng không phân biệt đối tượng.

Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 và kế hoạch triển khai gói hỗ trợ lần 3 cho người dân thành phố chiều 20-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh… đều gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp ngừng sản xuất, số khác hoạt động cầm chừng, đại bộ phận người lao động thất nghiệp.

Do giãn cách xã hội kéo dài, người dân đã khó nay lại tiếp tục khó khăn. Chính quyền TPHCM nhận thấy người lao động là bộ phận quan trọng đóng góp cho sự phát triển tăng trưởng của TPHCM, bất kể tạm trú hay thường trú.

"Trong lúc khó khăn, không có lý do gì thành phố không chăm lo cho đời sống người dân. Đó là nghĩa cử và trách nhiệm với bà con", ông Võ Văn Hoan bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đã thực hiện 2 gói hỗ trợ vào tháng 7, tháng 8 vừa qua, và đang chuẩn bị cho gói hỗ trợ số 3. Trên cơ sở danh sách gói 1, gói 2 và cập nhật bổ sung các hộ khó khăn, hình thành danh sách của gói hỗ trợ số 3.

Thành phố đảm bảo, những người khó khăn - cả người khó khăn cũ và người khó khăn mới bổ sung - đều được chăm lo. Nguyên tắc hỗ trợ là chi đúng, chi đủ, lập danh sách không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú và đặc biệt là không được để lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

“Điều quan trọng của gói hỗ trợ lần 3 là không phân biệt thường trú, tạm trú, hay lưu trú, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Về đối tượng hỗ trợ, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, có 4 nhóm được hỗ trợ.

Theo đó, nhóm 1 gồm thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn. 

“Sự khác biệt là trước đây hỗ trợ hộ nghèo thì giờ hỗ trợ theo thành viên hộ nghèo”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.  

Nhóm 2 là người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý, phải là những người đang thực tế có mặt trên địa bàn TPHCM và bao gồm cả trường hợp người lao động đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…

TPHCM chính thức công bố gói hỗ trợ lần 3 đối với hơn 7,3 triệu dân ảnh 2Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao đổi về gói hỗ trợ lần 3 của TPHCM.

Nhóm 3 là người phụ thuộc của nhóm 2 gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm cả trường hợp người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).

Nhóm 4 là người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Ông Võ Văn Hoan nêu rõ, gói hỗ trợ lần 3 không hỗ trợ đối với người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội và được người sử dụng lao động trả lương của tháng 8-2021.

Gói hỗ trợ quy mô lớn cho hơn 7,3 triệu người với mức hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng. Tổng quy mô kinh phí hỗ trợ là 7.347 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách TPHCM.

“Cả gói 1, gói 2 có kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng thì riêng gói thứ ba đã là hơn 7.300 tỷ đồng”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan thông báo.

Ông Võ Văn Hoan lý giải, đối tượng của gói hỗ trợ lần 3 giống như gói hỗ trợ lần 2 và lần 1 nhưng được chi tiết hóa, tính theo số lượng thành viên hộ - tính theo người - chứ không tính theo hộ như trước.

“Tiến trình thực hiện của các gói có sự điều chỉnh, mục tiêu là càng làm càng sâu sát, cụ thể, thiết thực, để tránh mất công bằng trong tổ chức hỗ trợ. Làm sao để nhiều người được hưởng chính sách này”, ông Võ Văn Hoan nói và thẳng thắn cho biết, quá trình thực hiện hỗ trợ cũng có nhiều việc phát sinh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, quan điểm của TPHCM là bao phủ, hỗ trợ hết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng quá trình thực hiện có thể còn bỏ sót một số người. Vì thế, thành phố chỉ đạo, nếu sau khi rà soát danh sách rồi mà còn phát sinh thêm người có hoàn cảnh khó khăn thì vẫn cập nhật vào danh sách để hỗ trợ.

Còn trường hợp không khó khăn thực sự, không đúng đối tượng hỗ trợ thì mạnh dạn nói thẳng để người dân biết. Ngoài gói hỗ trợ này thì thành phố cũng vận động các nguồn khác để lo cho người dân.

Về việc giám sát để tránh xảy ra trục lợi chính sách, ông Võ Văn Hoan nói ở cấp phường sẽ thành lập hội đồng xét duyệt danh sách hỗ trợ gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, cán bộ phụ trách lao động, công an... Ở các khu phố có tổ công tác để kiểm tra danh sách trên địa bàn. Trên cơ sở đó, danh sách sẽ trình cho UBND quận, huyện và TP Thủ Đức duyệt, chi hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan đánh giá, cơ chế tập thể là cơ sở để hạn chế thấp nhất cá nhân cán bộ, công chức có thể sai sót, vô tình ảnh hưởng đến triển khai chính sách hỗ trợ của TPHCM.

Thành phố cũng sử dụng dữ liệu của ngành bảo hiểm xã hội để lọc những người đang tham gia bảo hiểm xã hội, có hưởng lương trong tháng 8-2021 để không chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.

Vì sao TPHCM vẫn hỗ trợ theo cách “cổ điển” – tiền mặt

Về phương thức hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM vẫn áp dụng cách hỗ trợ truyền thống là trao tiền mặt tới tận tay người dân. Thành phố cũng muốn hỗ trợ người dân qua tài khoản nhưng chỉ một số người dân có, còn số đông vẫn chưa. Hơn nữa, nếu thực hiện hỗ trợ qua tài khoản, thì người dân vẫn phải ra trụ ATM rút tiền.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc tập trung ở ATM để rút tiền cũng sẽ tạo ra khó khăn. Vì thế, các phường, xã, thị trấn sẽ có tổ công tác chi trả tiền mặt tận tay cho người dân.

Trao đổi về việc nếu người dân chưa nhận được hỗ trợ thì có thể phản ánh tới người nào? bộ phận nào?, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị người dân liên lạc với tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, hoặc Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn – nơi trực tiếp nhất, gần gũi nhất với người dân và có trách nhiệm trong việc chi hỗ trợ cho người dân.

Các tin khác