Tính minh bạch là “khẩu vị” rủi ro của trái phiếu

(ĐTTCO) - Tại hội thảo về “Bước ngoặt thị trường TPDN sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP” (NĐ65) do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, một số chuyên gia cho rằng vẫn là tính minh bạch thông tin để nhà đầu tư (NĐT) tự lựa chọn khẩu vị rủi ro, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong việc phát hành ra công chúng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tự chịu trách nhiệm về minh bạch thông tin
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, rủi ro trên thị trường TPDN có nhiều khẩu vị cao thấp khác nhau, NĐT chấp nhận đầu tư phải chấp nhận rủi ro trên cơ sở minh bạch thông tin. Và NĐ65 đã có quy định rõ ràng để các thành phần tham gia thị trường có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin và chịu trách nhiệm việc tham gia thị trường.
Cũng theo ông Quỳnh, NĐ65 đã đưa phát hành riêng lẻ về đúng bản chất, đặc biệt tăng tính chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm của các thành phần tham gia thị trường.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, với NĐ65 khu vực phát hành TPDN riêng lẻ sẽ ngày càng thu hẹp lại và cần hướng chuyển sang khu vực phát hành ra công chúng - nơi xếp hạng tín nhiệm phát huy được hiệu lực. Khi xếp hạng tín nhiệm phát huy được vai trò của mình mới có tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp. Bởi nếu trái phiếu chỉ phát triển phía phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp, thì không phải là công cụ huy động vốn dài hạn tốt.
Do đó, yêu cầu đối với NĐT trong khu vực này là càng chặt chẽ càng tốt. Phát hành riêng lẻ, xét về cấu trúc rủi ro cao hơn nhiều so với phát hành ra công chúng, và chỉ những ai có khả năng chịu đựng rủi ro cao thì mới đầu tư. 

Chờ duyệt hồ sơ phát hành ra công chúng… không còn cơ hội
Theo ông Quỳnh, trong nền kinh tế không phải DN nào cũng xếp hạng được AAA. Thí dụ các công ty startup hay các công ty đang giai đoạn tăng trưởng, luôn luôn có DN mới hình thành và có độ rủi ro cao hơn. Trong khi ở bất cứ giai đoạn nào DN cũng cần huy động vốn. Tương tự ở bên cầu, NĐT cũng có khẩu vị rủi ro khác nhau.
Chẳng hạn công ty quản lý quỹ có khẩu vị rủi ro rất cao, sẵn sàng đầu tư công ty startup hay công ty đang giai đoạn tăng trưởng, nhưng công ty quản lý quỹ khác lại có khẩu vị đầu tư vào DN đang trong giai đoạn tăng trưởng cẩn trọng, xếp hạng tín nhiệm 3A trở lên. Thế nên, đừng chỉ “cổ vũ” phát hành ra công chúng, vì có phải DN nào cũng có đủ khả năng phát hành ra công chúng.
Do vậy, nếu không đủ điều kiện  đạt được chuẩn để phát hành ra công chúng phải cho phát hành riêng lẻ, và quan trọng nhất là tính minh bạch, tính chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm của tất cả các thành phần tham gia.
Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Có một điều tôi suy nghĩ mãi, là không hiểu vì sao ở Việt Nam, một thị trường trái phiếu tăng trưởng khá nhanh, mà trong thời gian qua tất cả các công ty tốt nhất ở Việt Nam đều không phát hành TPDN ra công chúng mà chỉ phát hành riêng lẻ?”. Do vậy với NĐ65 siết chặt lại hoạt động phát hành riêng lẻ, nhưng nếu không đẩy nhanh việc xử lý hồ sơ cho phát hành ra công chúng nhanh thì thị trường sẽ bị ảnh hưởng.
“Tôi đã phỏng vấn Vụ Quản lý phát hành chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là xử lý một bộ hồ sơ phát hành ra công chúng mất bao lâu? Họ trả lời có quá nhiều hồ sơ, không thể xử lý nổi, nhanh nhất là nửa năm và chậm nhất phải 1 năm”- ông Nghĩa dẫn chứng và kết luận: Như vậy nộp hồ sơ phát hành ra công chúng ở Việt Nam sẽ mất toàn bộ cơ hội kinh doanh. 
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết thực tế hiện nay đúng là có việc cơ quan thẩm định phát hành quan ngại về trách nhiệm. Bởi họ đưa ra quyết định chủ yếu dựa trên các báo cáo tài chính, trên các số liệu do DN cung cấp. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh có muôn hình vạn trạng, có thể DN đang hoạt động tốt nhưng vì điều kiện thị trường 5-6 tháng sau xấu đi thì làm sao cơ quan thẩm định lường trước được.
Để khắc phục, hiện nay lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát sửa đổi Luật Chứng khoán, trong đó sẽ quy định rất rõ trách nhiệm đến đâu của cán bộ thẩm định, cơ quan thẩm định…
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, song song với NĐ65 thì phải sửa quy định về quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư được phép mua các TPDN riêng lẻ. Vừa qua đúng là mảng công ty quản lý quỹ kém phát triển nhất. Hiện nay tổng quy mô các quỹ tại Việt Nam khoảng 7% GDP - rất thấp so với khu vực. Do đó phải mở ra kênh đầu tư mới để NĐT có nhu cầu tiếp cận các sản phẩm phù hợp hơn. Trong đó có quy định cho phép các công ty quản lý quỹ hình thành các quỹ đầu tư vào thị trường TPDN phát hành theo hình thức riêng lẻ. 
Ông Dương cho biết Bộ Tài chính sẽ thay đổi các phương thức quản lý giám sát dựa vào các công nghệ, cách thức quản lý giám sát phù hợp; tiếp tục kiểm tra với các tổ chức cung cấp dịch vụ; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng để có những giải pháp giám sát liên thông, xử lý và chấn chỉnh vi phạm. 
 Với NĐ65 siết chặt lại hoạt động phát hành riêng lẻ, nhưng nếu không đẩy nhanh việc xử lý hồ sơ cho phát hành ra công chúng nhanh thì thị trường sẽ bị ảnh hưởng. Vì không thể chờ duyệt hồ sơ từ nửa năm trở lên sẽ mất cơ hội kinh doanh.

Các tin khác