Tìm "thuốc" đặc trị chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công

(ĐTTCO)-Việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công cần được chú trọng, tuy nhiên, không phải giải ngân bằng mọi giá, điều quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư công.
Tìm "thuốc" đặc trị chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2021, tổng kế hoạch vốn được bố trí đầu tư là hơn 578.500 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2021 là 74.100 tỷ đồng; kế hoạch vốn giao trong năm 2021 là 510.300 tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư từ đầu năm đến hết 30/6 đạt 153,4 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 26,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (33,04%), trong đó, vốn trong nước đạt 27,84%, vốn nước ngoài đạt 12,04% (cùng kỳ năm 2020 đạt 10,48%).

Đáng chú ý, đến thời điểm này, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 37/50 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Những "nút thắt" cần tháo gỡ

Theo lý giải của Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân hàng đầu làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công suốt 6 tháng đầu năm là do dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là một lý do bởi trong nhiều năm trở lại đây, tiến độ giải ngân của nước ta luôn đạt tỷ lệ khá thấp do nguyên nhân khách quan như: chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bất cập trong công tác đấu thầu.

Riêng đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài thì việc chậm trễ giải ngân còn do một số nguyên nhân khác như: vướng mắc trong khâu giao kế hoạch và phân bổ chi tiết; vướng mắc về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, hiệp định vay; sự chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án, xác nhận khối lượng hoàn thành, hoàn thiện thủ tục thanh toán...

Phân tích về lý do khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm không đạt kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Do một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung.

Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm, trong đó nổi cộm là công tác giải phóng mặt bằng, nhà thầu, tư vấn, giám sát...

Một nguyên nhân nữa dẫn đến giải ngân đầu tư công chậm, theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, là do lựa chọn dự án chưa bám sát các quy hoạch, yêu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển và khả năng cân đối. Một số nơi thì còn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, chạy theo phong trào, chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư để đề xuất dự án.

Phải tính đến yếu tố hiệu quả đầu tiên

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thời gian qua, đầu tư công tuy được đẩy nhanh nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện hiệu quả, chưa có công trình, dự án đầu tư công lớn nào được triển khai.

“Đầu tư công, bao năm nay bị đánh giá là dàn trải, kém hiệu quả thì nay khi chọn đầu tư, phải tính đến yếu tố hiệu quả đầu tiên. Thay vì có vài chục dự án, 10 năm mới xong thì nên gom lại, làm 2-3 dự án hiệu quả trước, sẽ tạo ra tác động lớn thay vì kéo dài, chậm tiến độ, đội vốn... Đồng thời cũng phải ưu tiên những nơi có tiềm lực, động lực kinh tế để phát triển trước. Chỗ nào tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn thì hãy đầu tư. Còn phát triển bao trùm là chiến lược dài hạn, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, phải dành cho chỗ nào có khả năng sinh lợi, tạo ra nhiều nguồn lực hơn”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.

Nguyên Viện trưởng CIEM lưu ý, một trong những yếu tố quyết định tiến độ và hiệu quả của đầu tư công là tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.

TS. Nguyễn Đình Cung nêu thực tế: Cùng một thể chế, cùng một chính sách như nhau, nhưng có những địa phương, có những ngành đã vượt qua được rào cản và khắc phục được những nguyên nhân về thể chế, khách quan, chủ quan… để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Từ đó, chuyên gia này cho rằng, cần rút ra bài học từ những địa phương, từ những ngành đã giải ngân tốt và đưa những kinh nghiệm đó, chuyển ngay những kinh nghiệm đó cho các địa phương khác.

"Ở đâu có vốn thì ở đấy phải triển khai thật nhanh, thật đúng tiến độ và giải ngân hết bởi vì mỗi một đồng vốn đầu tư công vào là tạo ra lợi ích rất nhiều cho nền kinh tế và chính lợi ích của địa phương, của ngành đó", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Tiền đề quan trọng để vực dậy kinh tế

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đầu tư công rất quan trọng trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục vực dậy kinh tế trong đại dịch. Do đó, cần phải tạo mọi điều kiện để nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh phân tích: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, cần triển khai một loạt các giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư công có liên quan đến đất đai. Bởi nếu như giá đất của Nhà nước chênh lệch quá lớn với giá thị trường thì sẽ tạo ra thách thức trong giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các dự án đầu tư công theo đúng tiến độ. Đặc biệt, thiếu khung khổ pháp lý cũng sẽ dẫn đến việc chúng ta khó thu hút được những nhà đầu tư có chất lượng tham gia vào các dự án đầu tư công.

"Cần sớm hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đất đai, nhằm khắc phục những rủi ro cho các dự án đầu tư công liên quan đến đất đai. Ngoài ra, cần xem xét, bổ sung hoàn chỉnh Luật Đầu tư công cho phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với sự gia tăng của kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Tất cả điều đó đòi hỏi khung pháp luật về đầu tư công cũng cần có sự tiến bộ rõ rệt, rõ ràng, đồng bộ để thu hút nhà đầu tư tham gia", TS. Lê Đăng Doanh nêu rõ.

Quyết liệt xử lý sai phạm

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công phải được chú trọng, tuy nhiên, không phải giải ngân bằng mọi giá, điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư công. Để chấm dứt được tình trạng dàn trải, lãng phí trong đầu tư công thì bên cạnh hoàn thiện khung pháp luật, Chính phủ cần có những hành động quyết đoán hơn nữa trong thực hiện các dự án đầu tư công. Cụ thể, cần nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch trong đấu thầu và triển khai các dự án, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể để quyết liệt xử lý những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.

"Chính phủ cần nâng cao hiệu lực giám sát của các tổ chức quần chúng, xã hội dân sự, báo chí trong thực hiện dự án đầu tư công. Vì như đã biết, đầu tư công là nơi mà lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân rất dễ lạm dụng, nên càng công khai, minh bạch thì càng hạn chế được lạm dụng, thất thoát, lãng phí vốn của Nhà nước. Đặc biệt, đầu tư công là lĩnh vực đòi hỏi trình độ hiểu biết về chuyên môn rất cao, nếu không đủ trình độ chuyên môn để giám sát thì có khi nhìn vào cũng không phát hiện ra những sai phạm của dự án”, TS. Lê Đăng Doanh thẳng thắn nêu quan điểm.

Vì vậy, bên bên cạnh việc đẩy mạnh giám sát của người dân, báo chí, TS. Doanh cho rằng, cần phát huy sự giám sát của các tổ chức xã hội, hiệp hội chuyên ngành, có trình độ chuyên môn về lĩnh vực này. Để làm được điều này, Nhà nước cần thành lập một hội đồng chuyên ngành, chuyên môn, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài về để giám sát dự án, tránh tình trạng lãng phí do lạm dụng của các tổ chức, cá nhân tạo ra trong các dự án đầu tư công.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.

Các mục tiêu cụ thể: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 32-34% GDP, tỉ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tỷ trọng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 28%, phấn đấu khoảng 29% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong đầu tư công;

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt hơn 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Các tin khác