Tìm lời giải cho bài toán cân đối thu chi ngân sách

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính, nhận định cân đối thu – chi ngân sách nhà nước trong năm 2021 và năm sau đang là một bài toán khó, nhất là đặt trong bối cảnh bội chi tăng cao do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, điều này đòi hỏi cần phải tìm những giải pháp có tính tổng thể chứ không thể giải quyết từng sự việc đơn lẻ. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Dự toán ngân sách chưa sát thực tế
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vừa qua theo người đứng đầu Bộ Tài chính hiện nay nguồn ngân sách dự phòng Trung ương đã chi hết. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay khi mà rất nhiều khoản chi thường xuyên cần thực hiện ngay?
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: - Khoản chi ngân sách cho phòng chống dịch Covid-19 không nằm trong bất cứ khoản nào trong dự toán chi ngân sách, nên chỉ có thể bố trí lấy ra ở khoản chi dự phòng.
Tuy nhiên, trong ngân sách chi dự phòng của năm 2021 lại có một điểm đặc biệt là thấp hơn so với chi dự phòng của năm 2020: 34.500 tỷ đồng trong khi năm 2020 lên tới 37.000 tỷ đồng.
Điều này cho thấy dự tính ngân sách cũng như dự báo về triển vọng kinh tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 của chúng ta cho năm 2021 chưa sát thực tế. Bởi lẽ năm 2020 khi xây dựng dự toán ngân sách dự phòng cho năm 2021 dịch Covid-19 chưa bùng phát mạnh như năm nay. 
Trong cơ cấu ngân sách dự phòng năm 2021 bao gồm có 2 khoản: ngân sách dự phòng Trung ương 17.500 tỷ đồng và ngân sách dự phòng địa phương 17.000 tỷ đồng.
Trong phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính mới đây mới chỉ nói đến khoản chi dự phòng cho ngân sách Trung ương - tức khoản 17.500 tỷ đồng đã chi hết, trong đó có những khoản chi cấp thiết mà không có trong dự toán ngân sách do thời gian này dịch bùng phát mạnh.
Hiện chưa thấy đại diện Bộ Tài chính nói đến phần chi của ngân sách dự phòng địa phương là 17.000 tỷ đồng, khoản này đã chi chưa, chi ra sao cũng cần nói tới.
- Như ông vừa nói chúng ta khi xây dựng dự toán ngân sách dự phòng cho năm 2021 chưa sát với thực tế?
- Chúng ta dự tính về tình hình dịch Covid-19 từ năm 2020 có phần lạc quan, không hề có một dự báo năm 2021 có thể diễn biến phức tạp và căng thẳng, do đó không có một khoản ngân sách nào bố trí cho chi phòng và chống dịch.
Mặt khác, vì ngân sách dự phòng chủ yếu trông chờ vào ngân sách dự phòng của Trung ương, nên đến tháng 8-2021 thì toàn bộ khoản ngân sách dự phòng đã phải chi hết, chưa kể các khoản chi khác.
Tìm lời giải cho bài toán cân đối thu chi ngân sách ảnh 1
Thực tế, các khoản chi theo dự toán ngân sách tăng cao do tình hình dịch Covid-19, trong khi đó phần thu ngân sách lại không đảm bảo. Theo như báo cáo của Bộ Tài chính, có những khoản thu đã bị giảm chỉ còn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này ảnh hưởng đến nguồn thanh toán cho các khoản chi, cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư. Vấn đề bây giờ là sẽ lấy nguồn nào để trang trải trong khi thu không đủ chi. 
Trong điều hành ngân sách nhà nước, thông thường vẫn có chuyện thu tiền về quỹ ngân sách nhà nước không đạt tiến độ của chi, nên chúng ta thường có công cụ khác để bù đắp là Kho bạc Nhà nước phát hành công cụ tín phiếu.
Nên nhớ, khi chúng ta hỗ trợ chống dịch bằng cách miễn, giảm, giãn, hoãn các loại thuế mà con số này theo tính toán của Bộ Tài chính có thể lên đến vài chục ngàn tỷ đồng.
- Quan điểm của ông ra sao khi có ý kiến cho rằng nên chuyển một phần ngân sách dành cho chi đầu tư công sang chi cho chống dịch?
- Theo tôi không nên thực hiện giải pháp này. Vì hiện nay cứu cánh cho nền kinh tế chính là đầu tư công. Do đó, không những không nên chuyển ngân sách từ đầu tư công sang cho chi thường xuyên mà cần phải bổ sung thêm vốn cho đầu tư công, nhất là trong bối cảnh đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước hiện nay đang có xu hướng sụt giảm rất nghiêm trọng. 
Cũng cần nói thêm, sau năm 2020 kinh tế Việt Nam dần phục hồi thì Ngân hàng Thế giới đã có khuyến nghị đối với Việt Nam, trong đó có 2 giải pháp rất đáng chú ý đều tập trung vào chính sách tài khóa: đó là tăng ngân sách chi cho đầu tư công và tăng chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội, cho các nhóm đối tượng bị tác động và thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.
Tóm lại đều tăng chi ngân sách. Nếu chúng ta thực hiện theo giải pháp này rõ ràng không thể gặp khó khăn như hiện nay. Đây là bài toán khó và chúng ta sẽ phải tìm lời giải tổng thể chứ không phải là từng sự việc đơn lẻ. 

Giải pháp cân đối thu chi
- Theo ông, xử lý mất cân đối ngân sách hiện nay cần có những giải pháp gì? Và việc lập dự toán cho ngân sách dự phòng năm 2021 sẽ là bài học cho các năm sau?
Liên quan đến vấn đề Bộ Tài chính vừa rồi có đề xuất đến việc thiếu nguồn từ ngân sách Trung ương và đề xuất chuyển phần ngân sách tiết kiệm chi 14.600 tỷ đồng sang chi cho chống dịch, thay cho nguồn dự phòng ngân sách Trung ương đã cạn, tôi cho rằng là việc làm cần thiết. Điều này cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua.
- Đối với xử lý mất cân đối tạm thời của ngân sách nhà nước hiện nay, cần phân rõ 2 vấn đề: thiếu hụt ngân sách cho chi phòng chống dịch Covid-19 và cân đối ngân sách nói chung. 
Đối với khoản ngân sách dành cho chống dịch Covid-19, tôi cho rằng vẫn còn một dấu hỏi về ngân sách dự phòng của địa phương, đó là hiện nay số ngân sách này đã xử lý thế nào. Đã đến lúc cần tính toán đến khoản ngân sách dự phòng địa phương là 17.000 tỷ đồng, vì khoản này còn lớn hơn cả khoản chi tiết kiệm thường xuyên chỉ có 14.600 tỷ đồng và có thể bù đắp cho những thiếu hụt cho chi thường xuyên chống dịch lúc này.
Về vấn đề chúng ta xử lý tình trạng mất cân đối tạm thời của ngân sách nhà nước hiện nay như thế nào khi mà nguồn thu giảm, cần phải tính đến công cụ giải pháp rõ ràng. Nếu xác định mất cân đối ngân sách chỉ là tạm thời cần sử dụng công cụ để xử lý mất cân đối ngân sách tạm thời.
Còn nếu buộc phải đánh giá lại vấn đề mất cân đối ngân sách nhà nước, trong đó có việc xem xét tỷ lệ thâm hụt, để từ đó sử dụng công cụ đi vay để bù đắp vào, có thể tăng nợ công chứ không thể lấy từ ngân sách dùng cho chi đầu tư công chuyển sang. 
Rõ ràng chúng ta phải lấy câu chuyện xây dựng dự toán ngân sách năm 2021 này để làm bài học cho xây dựng dự toán ngân sách năm 2022 và các năm sau nữa. Báo cáo thực hiện ngân sách năm 2020, lần đầu tiên trong rất nhiều năm chúng ta đã thu không đạt dự toán ngân sách đề ra, trong khi chi đã vượt dự toán.
Câu chuyện bài toán thu – chi ngân sách của năm 2020 đặt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 về mức độ vẫn còn nhẹ hơn năm 2021. Điều này cho thấy tác động của dịch Covid-19 năm nay sẽ rất nhiều so với năm 2020. Nên xây dựng dự toán và điều hành ngân sách như thế nào cho phù hợp và sát với thực tế năm 2022 là vấn đề đặt ra lúc này, vì năm 2021 đến nay đã 3 quý trôi qua rồi. 
- Ông đánh giá và dự báo như thế nào khi áp lực năm nay về ngân sách chi dự phòng có thể dồn lên năm sau?
- Thứ nhất, đó là áp lực về cân đối thu và chi. Nếu so sánh về cơ sở thu và khả năng thu từ các hoạt động kinh tế, thì hiện nay đang xuất hiện 2 mâu thuẫn cơ bản: (1) Năm 2020 mặc dù tác động của dịch Covid-19 có nhẹ hơn so với năm 2021, nhưng tăng trưởng GDP tính chung cho cả năm 2020 chỉ là 2,93%.
(2) Trong khi đó, năm nay tính đến thời điểm này các dự báo kinh tế đưa ra đều dự báo tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt từ 3,5-4%, thậm chí còn có những dự báo lạc quan khác khi cho rằng GDP năm 2021 có thể đạt đến 4,8%.
Đây là mâu thuẫn rất lớn cần phải được lý giải rõ ràng, vì không có lý gì mà năm nay dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế hơn năm 2020 mà lại có thể tăng trưởng kinh tế cao hơn được. Điều này rất quan trọng vì đây sẽ là nền tảng cơ sở để đánh giá và xây dựng các chỉ tiêu về ngân sách. 
Thứ hai, áp lực về đảm bảo nguồn thu ngân sách. Năm 2020, dịch Covid-19 đã bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế song vẫn nhẹ hơn so với năm nay, vậy mà thu ngân sách năm 2020 đã không đạt được như dự toán.
Vậy năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quy mô rộng, tác động nặng nề đến mọi mặt nền kinh tế, thì thu ngân sách ở đây sẽ là khả năng thu được bao nhiêu chứ không phải là câu chuyện đạt dự toán nữa.
Với nguồn thu như vậy, liên quan đến chênh lệch thu-chi ngân sách, chúng ta sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi ngân sách, có thể sẽ không được như dự toán nữa. Đồng thời, sẽ phải cân đối lại chi để làm sao giảm áp lực cho thu – đó là cân đối tổng thể.
Thêm vào đó, quan trọng nhất là cân đối trong điều hành ngân sách, nhất là trong bối cảnh tiến độ thu và tiến độ giãn, hoãn nguồn thu để hỗ trợ chống dịch Covid-19 (chủ yếu từ thuế, phí) sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chi, trong khi đó các khoản chi thường xuyên đòi hỏi phải luôn luôn kịp thời.
Thí dụ vừa rồi là do dịch Covid-19 tác động đến chi ngân sách nhà nước và đã tác động đến chi cho tiền lương, cải cách tiền lương năm 2022 đã buộc phải hoãn lại. Do đó, năm 2022, áp lực ngân sách sẽ là rất lớn.
- Xin cảm ơn ông.
 Báo cáo thực hiện ngân sách năm 2020, lần đầu tiên trong rất nhiều năm chúng ta đã thu không đạt dự toán ngân sách đề ra, trong khi chi đã vượt dự toán. Trong khi bài toán thu-chi ngân sách của năm 2020 đặt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nhẹ hơn năm 2021. Như vậy, cho thấy nên xây dựng dự toán và điều hành ngân sách như thế nào cho phù hợp và sát với thực tế cho năm 2022 là vấn đề đặt ra lúc này. 

Các tin khác