Thủ tướng họp với các doanh nghiệp, tìm giải pháp gỡ khó sau đại dịch Covid-19

(ĐTTCO) - Từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 sáng nay, 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.

Thủ tướng cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã đồng hành với nhân dân, chính quyền chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng họp với các doanh nghiệp, tìm giải pháp gỡ khó sau đại dịch Covid-19 ảnh 1 Từ đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, lắng nghe ý kiến, chia sẻ khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời .Ảnh: TT
"Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ. Chúng ta bằng hành động cụ thể để thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với doanh nghiệp và của doanh nghiệp Nhà nước, Nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.

Vì những khó khăn chung do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới, Thủ tướng khẳng định quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro. Không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ. Lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết sau một thời gian phòng chống dịch quyết liệt, quyết tâm, đại dịch đang từng bước kiểm soát, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Thời gian qua, các cấp chính quyền, địa phương cũng đã nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân. Như Nghị quyết số 63 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Hay Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch; Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Ngoài ra còn một loạt các nghị quyết về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện, nước…  Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

“Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực. Ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các đại biểu, doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh. Mục tiêu là vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định sớm nhất phải đến quý II-2022, các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, khi đó doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đến hết tháng 6-2022, đồng thời giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các loại hình dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… từ 30% lên 50%, để tạo cú hích giúp doanh nghiệp hồi phục mạnh hơn, nhất là với các ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề.

VCCI cũng đề nghị bổ sung dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí về phòng chống dịch bệnh cho những doanh nghiệp nào cố gắng cao nhất, bằng cách được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế TNDN 30%, là các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 300 tỷ đồng, thay vì mức không quá 200 tỷ đồng như đang đề xuất tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết theo kết quả khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng, trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Các tin khác