Thủ tướng: Chính phủ đang và sẽ làm hết sức có thể, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế

(ĐTTCO) - Thủ tướng nhấn mạnh để phòng chống dịch bệnh, chúng ta phải chấp nhận hy sinh, mất mát, quyết tâm thực hiện việc giãn cách xã hội, tránh lây nhiễm giữa người với người. Khi cơ thể có bệnh thì phải chấp nhận đau đớn để mổ xẻ, để đổi lại sự khỏe mạnh và bình yên. 
Thủ tướng: Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: VGP
Thủ tướng: Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: VGP
Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp
Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp ngày 8-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự chung sức, đồng lòng giữa lúc khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống dịch. Các doanh nghiệp đóng góp rất quan trọng, hiệu quả và kịp thời, góp phần vào kết quả chung của cả nước. 

Trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch bệnh, Thủ tướng đánh giá cao các các địa phương đã kiểm soát tốt dịch, và những nơi tâm dịch vẫn đang cố gắng, nỗ lực phấn đấu hết mình để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, doanh nhân. Chính phủ đang nỗ lực hết sức có thể trong điều kiện của đất nước, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Giữa đại dịch, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt 5,64%, là mức cao so với các nước trong khu vực trên thế giới. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, thấp nhất trong 6 năm vừa qua. 
Thu ngân sách 7 tháng đạt 67,9% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu từ đầu năm đến nay tăng 30,2% so với cùng kỳ.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan tiếp thu tất cả ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, để thực hiện theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội trong những ngày tới. Hai Nghị quyết này cố gắng đáp ứng những gì cao nhất có thể trong điều kiện có thể của nền kinh tế đất nước trong thẩm quyền của Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, tình hình trước mắt cũng như lâu dài có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, nhưng phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ. Trên cơ sở đó xác định tư tưởng này sẽ đưa ra những nhiệm vụ giải pháp phù hợp để biến thách thức thành thuận lợi.
Mục tiêu vẫn là đưa đất nước trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất có thể
Thủ tướng nêu rõ trước hết, mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Trong lúc này, ưu tiên số 1 là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Những nơi an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất.
Và để phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng khẳng định chúng ta phải chấp nhận chịu hy sinh, mất mát, quyết tâm thực hiện việc giãn cách xã hội, tránh lây nhiễm giữa người với người.
Thủ tướng: Chính phủ đang và sẽ làm hết sức có thể, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế ảnh 1 Giữa dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, giữ ổn định nền kinh tế và đóng góp rất lớn sức người sức của trực tiếp để chống dịch. Ảnh: VGP
"Khi cơ thể có bệnh thì phải chấp nhận đau đớn để mổ xẻ, để đổi lại sự khỏe mạnh và bình yên. Các biện pháp phải được thực hiện quyết liệt, thống nhất, chặt chẽ với sự giám sát, quản lý của Nhà nước và ý thức, trách nhiệm của người dân", Thủ tướng chia sẻ.
Các giải pháp như vậy để đạt mục tiêu cao nhất là không xảy ra khủng hoảng y tế, lấy sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Chính phủ kiên quyết không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất đưa đất nước trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất có thể.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất thấu hiểu và chia sẻ trước những khó khăn 'tứ phương, bốn hướng' với cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Nhưng chúng ta phải có niềm tin, bản lĩnh để vượt qua. Thẩm quyền của Chính phủ tới đâu thì Chính phủ tận dụng tối đa tới đó. Cái gì vướng thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ cố gắng giải quyết.

Về các biện pháp tài khóa và tiền tệ, Chính phủ đang làm và sẽ làm hết sức có thể trong điều kiện có thể, trên tinh hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh. Không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế, “không để làm chỗ này hổng chỗ kia", mà phải hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.

Ông cũng chia sẻ công tác chống dịch hiện nay là chưa có tiền lệ, ban đầu có những lúng túng, bị động nhất định. Nếu chúng ta bình tĩnh, kiên định, sáng suốt thì sẽ tìm được giải pháp, như “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”..., vừa tham khảo kinh nghiệm các nước, vừa tổng kết từ các mô hình hay tại các địa phương, điều chỉnh, hoàn thiện dần.

Thực tế, nhiều địa phương đã có giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đạt tăng trưởng khá trong nửa đầu năm như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam tăng, Bắc Giang...

Thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Nội dung lớn được thống nhất tại Hội nghị là đẩy mạnh chiến lược vaccine. Trước hết, nhập khẩu vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Đồng thời, thực hiện chiến dịch tiêm chủng miễn phí cho người dân với địa bàn ưu tiên phù hợp với thực tế. Mục tiêu cuối cùng là hiệu quả, sớm phủ được vaccine như chiến lược đề ra.

Thủ tướng: Chính phủ đang và sẽ làm hết sức có thể, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế ảnh 2 Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện doanh nghiệp tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt này, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng những giải pháp kịp thời, cấp bách.

Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Đồng thời điều chỉnh quy trình phòng chống dịch để các địa phương, doanh nghiệp tùy điều kiện thực tế áp dụng, sớm ổn định lại sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới linh hoạt.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính triển khai khẩn trương các giải pháp miễn, giảm thuế, để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời đưa ra các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán để thúc đẩy nguồn vốn trung và dài hạn, giảm phụ thuộc vào vốn ngân hàng, tránh rủi ro cho nền kinh tế.

"Tinh thần chung của Chính phủ là đẩy mạnh hợp tác công tư, chính sách tiền tệ, tài khóa phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước", Thủ tướng yêu cầu.

Bộ GTVT sẽ xây dựng các giải pháp để hàng hóa được lưu thông, vận chuyển trong nước và quốc tế thuận lợi. Bộ LĐTB&XH hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, có thể mở rộng đối tượng, quy mô trong điều kiện cho phép.

Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai kết nối tiêu thụ hàng hóa. Bộ NN&PTNT bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch và xây dựng khu nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất khu kinh tế...

Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tính toán giảm lãi suất và điều chỉnh chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới phù hợp với tình hình.

Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để ứng dụng trong phòng chống dịch...

Các địa phương đẩy nhanh chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện phòng, chống dịch linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời phối hợp cùng các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong thời dịch.

Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, hiệp hội phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giúp cộng đồng doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn.

“Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả. Không phô trương hình thức, phải xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ”, Thủ tướng yêu cầu.

Các tin khác