Thu ngân sách phải hài hòa người đóng thuế

(ĐTTCO) - Giá cả của hầu hết mặt hàng đang không ngừng leo thang, song quy định về mức giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế TNCN vẫn giữ nguyên từ tháng 7-2020. Nên có những thay đổi như thế nào cho phù hợp. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với LS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV thuộc Hiệp hội DN TPHCM. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
PHÓNG VIÊN: - Quan điểm của ông thế nào về mức giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế TNCN đã không còn phù hợp trong bối cảnh “bão giá” như hiện nay? 
LS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA: - Từ tháng 7-2020, theo Luật Thuế TNCN mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng (trước đó 9 triệu đồng/tháng) và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng (trước đó 3,6 triệu đồng/tháng).
Theo đánh giá của tôi, quy định về mức giảm trừ gia cảnh này ngay tại thời điểm tháng 7-2020 đã không phù hợp. Khi đó chúng tôi kiến nghị mức giảm trừ cho người nộp thuế 14 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc phải cao hơn. Cụ thể bằng khoảng 70% mức giảm trừ của người lao động, chứ mức 30% theo luật là quá ít. 
Theo mức sống hiện nay có thể thấy 11 triệu đồng không đủ chi phí khi sống ở các TP lớn như TPHCM hay Hà Nội. Chưa hết, với người phụ thuộc như học sinh, các khoản chi phí ăn, học cũng cao hơn mức 4,4 triệu đồng/tháng. Tương tự với người già chi phí sinh hoạt, thuốc men cũng không hề thấp. Như vậy, mức giảm trừ cho người phụ thuộc đã không còn phù hợp.
Lại nói thêm, sau dịch cùng với đó là nhiều biến động của tình hình thế giới như đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột giữa Nga-Ukraine… đã đẩy giá hàng hóa không ngừng leo thang. Vì thế quy định về mức giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế TNCN cần phải được tính toán lại. 
Vậy tính toán như thế nào cho phù hợp và không phải chỉnh sửa nhiều? Có ý kiến cho rằng nên nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên mức 17 triệu đồng/tháng. Theo tôi thời điểm này không nên đưa ra con số tuyệt đối, mà đã đến lúc chúng ta phải dựa vào căn cứ hợp lý để tính mức giảm trừ gia cảnh, là áp theo lương tối thiểu vùng. Như vậy sẽ có cơ sở pháp lý chắc chắn và không cần thay đổi sau mỗi năm.
Ngoài ra luật cũng nên giảm trừ các chi phí liên quan đến tái tạo sức lao động, không chỉ dừng lại ở việc trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đóng góp từ thiện… như hiện nay. Sau khi trừ hết các khoản này mới tính thuế TNCN. 
Nói đi cũng phải nói lại, người lao động mong giảm trừ nhiều nhưng Nhà nước lại kỳ vọng có thể thu thuế tốt hơn. Chính vì thế một giải pháp hài hòa trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng. 
- Trước lập luận rằng nếu giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công, đối tượng hưởng lợi chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập cao. Ông nghĩ gì về lập luận này? Liệu chúng ta có thể học hỏi cách tăng thuế TNCN của những người có thu nhập cao (tăng thuế người giàu) như Singapore đang thực hiện? 
- Thực tế mọi quy định của pháp luật đều hướng tới mục tiêu công bằng. Nếu cho rằng giảm thuế TNCN mà đối tượng hưởng lợi là người có thu nhập cao cũng chưa chính xác. Bởi hiện chúng ta cũng chưa xác định rõ như thế nào là thu nhập cao.
Tuy nhiên, có thể nhìn thấy vài bất cập như việc có tới 7 bậc tính thuế TNCN theo luật hiện hành là hơi nhiều, khoảng cách giữa một số bậc quá dày làm tăng số thuế phải nộp. Vì thế, nếu được nên giảm bậc thuế (nhiều ý kiến đồng tình giảm từ 7 xuống 5 bậc) và tăng khoảng cách giữa các bậc này nhiều hơn. 
Còn về câu chuyện của Singapore, theo thông tin tôi được biết, quốc gia này tăng thuế TNCN lên 23% đối với người có thu nhập từ 500.000 đôla Singapore (SGD) đến 1 triệu SGD, 24% đối với người có thu nhập hơn 1 triệu SGD, so với mức 22% hiện nay. Thuế bất động sản cũng sẽ tăng lên 36% vào năm 2024 từ mức 20% đối với bất động sản không có chủ sở hữu, và lên đến 32% đối với bất động sản có chủ sở hữu từ mức 16%…
Đây là một cách hay khi người giàu có đóng góp nhiều hơn cho xã hội, chia sẻ cho những người khó khăn hơn. 
Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn học hỏi cũng cần xác định lại mức thu nhập của những người được cho là có thu nhập cao, hoặc được đánh giá là người giàu. Hiện nay theo bậc 7 của Luật Thuế TNCN, trên 80 triệu đồng chúng ta thu 35% thuế mức này được xem khá cao. Chưa kể trên 80 triệu đồng cũng khó xác định là giàu.
Liệu chúng ta có thể nâng mức cụ thể lên mức thu nhập 200 triệu đồng/tháng, rồi từ đó có thể áp mức thuế cao. Tất cả những câu hỏi này đều phải được tính toán cẩn trọng trước khi tìm ra đáp án. 
- Sau dịch không chỉ doanh nghiệp mà người lao động cũng hết sức khó khăn, nhưng dường như mới có doanh nghiệp được nhận các chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế, lãi suất… còn người lao động lại chưa. Vậy có nên miễn giảm Thuế TNCN cho người lao động trong 6 tháng cuối năm, thưa ông? 
- Đúng là sau dịch nhiều chính sách của Chính phủ đã được đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, như giảm Thuế TNDN, tiền thuê đất và gần đây nhất là chính sách hỗ trợ lãi vay 2%... Còn với người lao động sau dịch chủ yếu là các chính sách an sinh xã hội. Người thất nghiệp và hộ kinh doanh có được hỗ trợ nhưng cũng chỉ là ngắn hạn.
Nhìn bức tranh chung người lao động vẫn khá thiệt thòi và họ đang rất mong mỏi nhận được hỗ trợ liên quan đến thuế TNCN. Vì thế, nếu có thể giảm 6 tháng thậm chí nhiều hơn sẽ mang đến nhiều niềm vui cho người lao động, giúp họ bước qua giai đoạn đầy khó khăn khi giá cả hàng hóa leo thang. 
Nhìn lại 6 tháng đầu năm số thu Thuế TNCN cả nước đạt 88.084 tỷ đồng. Riêng tại TPHCM, số thu Thuế TNCN 6 tháng đầu năm nay cũng tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này khá đối lập với nhiều khó khăn người lao động đang phải gánh vác. Tính toán hài hòa, cân đối là điều Bộ Tài chính cần quan tâm lúc này. 
- Xin cảm ơn ông.
 Mức giảm trừ gia cảnh không nên đưa ra con số tuyệt đối, mà áp theo lương tối thiểu vùng sẽ có cơ sở pháp lý chắc chắn và không cần thay đổi sau mỗi năm. 

Các tin khác