Thiếu 'nhạc trưởng', khó kết nối vùng

(ĐTTCO)-Thúc tiến độ các dự án hạ tầng tại địa phương đã khó, đẩy các công trình bắc qua nhiều tỉnh lại càng khó hơn.
Xa lộ Hà Nội, trục giao thông kết nối TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ
Xa lộ Hà Nội, trục giao thông kết nối TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ

Hơn một thập niên chưa thể hoàn thành

Điển hình phải kể đến dự án Vành đai 3 của TP.HCM. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 28.9.2011, tuyến đường huyết mạch đi qua Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM dự kiến được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỷ lệ 17,92%).

Sau rất nhiều trở ngại về cơ chế dẫn đến chậm tiến độ, cuối năm 2020, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) cho biết 2 dự án thành phần 1 là 1A và 1B thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch đã xác định được nguồn vốn, phương thức đầu tư để có thể sớm triển khai ngay trong quý 1 năm nay.

Tuy nhiên sau đó, chủ đầu tư thông tin phải lùi lại tới quý 3 mới có thể khởi công do tỉnh Đồng Nai dự kiến đến tháng 6 mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong khi phần mặt bằng phía TP.HCM còn vướng mắc. Đội vốn, thiếu ngân sách cho giải phóng mặt bằng, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu xem xét phần vốn tăng thêm này sẽ do T.Ư đảm nhận.

Thế nhưng Bộ GTVT nêu quan điểm chi phí giải phóng mặt bằng đoạn qua Đồng Nai do tỉnh này đảm nhận, TP.HCM cần cân đối bố trí vốn giải phóng mặt bằng để đảm bảo tính công bằng. Theo thông tin mới nhất, các thủ tục đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để khởi công dự án trong quý 1 năm sau.

Tương tự, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và QL1A (dài khoảng 15,7 km) - từ chân cầu Sài Gòn phía TP.Thủ Đức đến ngã ba Tân Vạn (TX.Dĩ An, Bình Dương) cũng vì vướng mặt bằng khu vực TP.Thủ Đức mà chật vật suốt gần 1 thập niên chưa thể hoàn thành.

Nằm sát nhau, nhưng chính sách bồi thường cho các hộ dân phía Bình Dương chênh khá nhiều so với phía TP.HCM, dẫn đến người dân chưa đồng thuận giao mặt bằng.

Cũng chính vì thế, dự án đã đưa vào hoạt động 9 năm nhưng chủ đầu tư đến 1.4 vừa qua mới được thu phí và vấp phải khá nhiều phản ứng từ phía người dân khi cho rằng dự án chưa hoàn thành, chưa được thu phí.

Nên có Ủy ban điều phối liên kết vùng

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, để các dự án có thể chạy nhanh hơn, cần nghiên cứu kỹ các giải pháp về trước mắt và lâu dài.

Trước mắt, phải phát huy tinh thần chủ động của các địa phương. Trong đó, TP.HCM đóng vai trò đầu tàu nên cần phải chủ động đề xuất và thúc đẩy các sáng kiến hợp tác một cách thiết thực và mạnh mẽ. Song song, các địa phương cần chủ động ngồi lại bàn bạc với nhau, phân công rõ ràng trách nhiệm và chuẩn bị tốt phần việc của mình.

Về dài hạn, phải có một Ủy ban điều phối liên kết vùng thuộc Chính phủ, có thể do trực tiếp 1 phó thủ tướng phụ trách. Ủy ban này phải gồm 6 tiểu ban tương ứng 6 vùng trọng điểm kinh tế. Bộ KH-ĐT là cơ quan đầu mối, kết nối các bộ ngành như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương… và các tỉnh/thành trong vùng.

Từ đó, thiết chế ngân sách vùng từ 2 nguồn: Một phần hỗ trợ từ thuế ngoại thương của ngân sách T.Ư (các khoản thuế liên quan xuất nhập khẩu của địa phương) và một phần do các địa phương đóng góp theo tỷ trọng GDP.

Đặc biệt, phải có cơ chế bỏ phiếu theo nguyên tắc đối nhân, thành viên gồm đại diện các tỉnh/thành trong vùng, các bộ ngành và đại diện khu vực doanh nghiệp, người dân.

Việc bỏ phiếu khách quan, đa phiếu sẽ quyết định những dự án nào cấp thiết hơn, cần đẩy nhanh đầu tư trước.

“Cần có 1 nhạc trưởng đủ mạnh, đủ quyền lực thực tế thì mới có thể triển khai nhanh chóng, hiệu quả các dự án liên vùng”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn kiến nghị.

Các tin khác