Thiết kế gói kích thích quy mô đủ lớn

(ĐTTCO) - Thiệt hại kinh tế từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này rất lớn, vì vậy cần phải có gói kích thích kinh tế và quy mô đủ lớn mới đem lại tác động hiệu quả. Tuy nhiên, cũng phải hết sức chú ý đến khả năng gánh chịu của ngân sách nhằm không làm tình hình ngân sách rơi vào trạng thái rủi ro quá mức.

Gói kích thích kinh tế đủ lớn nhưng phải phân bổ đúng trọng điểm.
Gói kích thích kinh tế đủ lớn nhưng phải phân bổ đúng trọng điểm.
Xác định quy mô của gói hỗ trợ kinh tế
Gói hỗ trợ kinh tế trong đại dịch của các quốc gia trên thế giới có thể chia thành 2 nhóm chính: (1) Các hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu thông qua việc cắt giảm thuế, tăng chi và các chương trình hỗ trợ việc làm; (2) Các hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp (DN) thông qua các chương trình cho vay, bảo lãnh.
Theo thống kê của IMF, gói hỗ trợ kinh tế của các quốc gia phát triển như Nhật, Italia, Anh, Đức chiếm từ 30-40% GDP trong năm 2020 và một số khoản chi tiếp tục thực hiện trong năm 2021. Trong khi đó, quy mô gói hỗ trợ kinh tế của các quốc gia đang phát triển thì thấp hơn (xem bảng). 
Ảnh hưởng của làn sóng dịch lần thứ tư này có tác động rất lớn đến nền kinh tế của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng, nên quy mô hỗ trợ cần đủ lớn mới đem lại tác động hiệu quả. Nói cách khác, phải bơm tiền thực để tái khởi động nền kinh tế. Theo chúng tôi, gói hỗ trợ kinh tế lần này ở mức 4% GDP (3% đối với các khoản chi bổ sung và 1% đối với các khoản hỗ trợ cho vay và bảo lãnh), tương đương 251.000 tỷ đồng (GDP ước tính năm 2020 hơn 6,29 triệu tỷ đồng), con số này là phù hợp với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam. 
Với gói kích thích như vậy, các hỗ trợ tín dụng lần này cần tập trung vào các DN nhỏ và vừa (DNNVV), hộ gia đình, và cá nhân vay tiêu dùng. Đây là những đối tượng bị tổn thương lớn vì Covid-19 và khả năng chịu đựng tổn thương kém hơn nhiều lần so với các DN lớn. Đây cũng là nhóm khó tiếp cận ngân hàng (NH) thông thường và càng khó khăn hơn khi tiếp cận các gói hỗ trợ.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần thực hiện việc dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía mình bởi vì khi sự không chắc chắn cao các NH sẽ hạn chế cho vay. Do đó, để khơi thông dòng vốn đến được các đối tượng này, Chính phủ có thể cần phải chấp nhận hấp thụ rủi ro này. Việc thực hiện chương trình bảo lãnh tín dụng của nhà nước ở đây sẽ đóng vai trò tương tự như đảm bảo tiền gửi và người cho vay cuối cùng. Chính sách này, xét trên tổng thể sẽ giúp gia tăng phúc lợi xã hội trong các tình huống rủi ro không thể đa dạng hóa như đại dịch Covid-19. 
Thiết kế gói kích thích quy mô đủ lớn ảnh 1
Đồng thời, cần nhanh chóng giải ngân đầu tư công trong các tháng còn lại trong năm 2021. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt 29,02% so với kế hoạch, do đó cần phải thúc đẩy nhanh chóng đầu tư công trong các tháng còn lại cuối năm 2021 để nâng đỡ nền kinh tế. Trong trường hợp không thể giải ngân theo tiến độ và kế hoạch, Chính phủ có thể tái phân bổ các khoản đầu tư công này cho hoạt động cứu trợ nền kinh tế.
Để chuẩn bị cho nền kinh tế hậu đại dịch, Chính phủ cần bố trí một gói kích thích số, đầu tư vào công nghệ số và cơ sở hạ tầng đóng vai trò hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ cần kết hợp đầu tư công, tài trợ của nhà nước và cải cách đối với đầu tư tư nhân để hỗ trợ 3 nền tảng hồi phục kinh tế hậu đại dịch chính: tăng cường kết nối, củng cố cơ sở hạ tầng dữ liệu cốt lõi và tăng tốc đổi mới và số hóa nền kinh tế. 

Phân bổ nguồn lực đúng trọng điểm
Các chính sách hỗ trợ các DNNVV sẽ tập trung vào 2 loại hỗ trợ. Thứ nhất, hỗ trợ thanh khoản, hoãn các khoản thuế, phí và đóng góp của DNNVV; hỗ trợ tài chính; duy trì việc làm, trợ cấp tiền lương. Thứ hai, hỗ trợ mang tính cấu trúc nhằm giúp các DNNVV thích ứng với môi trường kinh doanh đã thay đổi và xây dựng khả năng phục hồi. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhanh chóng với thủ tục đơn giản hóa việc miễn, giảm, hoãn thanh toán thuế, phí và các khoản đóng góp của các DN đang còn hoạt động trong năm 2021.
Hỗ trợ DN tái khởi động hoạt động kinh doanh ngay sau khi kết thúc làn sóng dịch lần thứ 4 này có thể gắn với chính sách an sinh xã hội. Chính phủ có thể hỗ trợ chi trả một phần lương trực tiếp cho người lao động đối với các DN đang hoạt động với cam kết không giảm lao động đặc biệt là các DN sử dụng nhiều lao động.
Vì nguồn lực hỗ trợ là giới hạn nên cần phân loại DN có thể hoạt động liên tục để hỗ trợ. Chẳng hạn, đối với các DN bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng có khả năng tiếp tục hoạt động cần được ưu tiên hỗ trợ nhanh chóng theo các hình thức đã đề xuất như hoãn đóng tiền bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, lãi vay, hoãn chi trả thuế. Đối với các DN này có thể cung cấp thêm bảo lãnh tín dụng thông qua các NHTM. 
Việc lựa chọn các DN trong từng ngành để hỗ trợ nên có một thứ tự ưu tiên nhất định, dựa trên 2 yếu tố: (i) Tốc độ hồi phục và (ii) Mức độ ổn định của đầu ra của sản phẩm. Những DN hồi phục nhanh sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế và từ đó tác động lan tỏa để các DN khác phục hồi. Như vậy, chính sách cần có sự tập trung theo nhóm ngành DN chứ không nên dàn trải, thiếu tập trung. Cuối cùng, quan trọng hơn, cần tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi để giúp DN nhanh chóng hồi phục sau dịch.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình hỗ trợ DN ứng phó với dịch bệnh. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, các DN có kinh nghiệm ứng phó với các sự kiện thiên tai, dịch bệnh sẽ có khả năng hồi phục lao động và sản lượng đầu ra nhanh hơn so với các DN không có kinh nghiệm.
Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng các chương trình hỗ trợ cho DN các thông tin và kiến thức trong việc chuẩn bị các ứng khó với các sự kiện thiên tai, dịch bệnh là cần thiết để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong việc phòng bị và ứng phó với các sự kiện dịch bệnh trong tương lai.
Các DNNVV cần các tổ chức hỗ trợ kinh doanh sau làn sóng dịch này hơn bao giờ hết. Chính phủ cần xây dựng một hệ sinh thái có khả năng cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho các DNNVV như hỗ trợ các DN kết nối với các tổ chức xúc tiến thương mại từ khắp nơi trên thế giới để chia sẻ các kinh nghiệm và nguồn lực như thông tin thị trường và kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau. Trong quá trình chuyển đổi từ hỗ trợ khẩn cấp sang hỗ trợ phục hồi, Chính phủ cần xem xét chú trọng hơn đến các chính sách thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo bên cạnh các hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp. 

Các tin khác