Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công: Quá nhiều điểm nghẽn!

(ĐTTCO)- Tính đến 30/9/2021, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Quảng Nam mới đạt hơn 52%, không thể đạt 60% như yêu cầu của Chính phủ. Dù địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp để có thể giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021 trong 3 tháng còn lại nhưng đây dường như là điều bất khả thi.
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công: Quá nhiều điểm nghẽn!

Năm nay, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam được phân bổ hơn 300 tỷ đồng vốn đầu tư công, đến nay, đã giải ngân được hơn 228 tỷ đồng, đạt hơn 75% kế hoạch. Đây là địa phương xếp thứ 2 ở tỉnh Quảng Nam có tiến độ giải ngân đạt yêu cầu.

Dự án hồ chứa nước Hố Do, triển khai trên địa bàn 2 xã Bình Quế và Bình Tú huyện Thăng Bình, được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt có diện tích gần 50 héc ta. Công trình với tổng vốn đầu tư 110 tỷ đồng, từ ngân sách tỉnh Quảng Nam. Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho biết, nhờ sớm tháo gỡ những nút thắt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên ngay sau khi bàn giao đủ mặt bằng, đơn vị thi công đã hoàn thành các hạng mục như đập phụ, cống lấy nước, tràn xả lũ… đến mùa lũ năm 2022 sẽ tích nước.

“Chúng tôi thành lập 3 tổ công tác thúc đẩy triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Chúng tôi không chỉ giải ngân mà còn thúc đẩy đầu tư. Các tổ công tác này định kỳ là làm việc với các chủ đầu tư. Những chủ đầu tư nào tỉ lệ giải ngân năm nay thấp thì sang năm chúng tôi sẽ không giao thêm công trình cho chủ đầu tư đó” - ông Võ Văn Hùng nói.

Huyện Thăng Bình là một trong số ít những địa phương tại Quảng Nam đạt tiến độ giải ngân theo yêu cầu. Hiện vẫn còn 7 huyện, thị xã có tỷ lệ giải ngân dưới 60%. Thông tin từ Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho biết, hiện có 57 dự án do các ngành cấp tỉnh làm chủ đầu tư giải ngân dưới 60%, trong đó có đến 15 dự án giải ngân 0%; 61 dự án sử dụng kế hoạch vốn năm 2021 giải ngân dưới 60%.

Cuối tháng 8/2021, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị 15 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sát trong lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc nên việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Ngoài ra, vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ kéo dài, giá nguyên vật liệu thiếu nguồn cung và tăng đột biến... cũng là những nguyên nhân làm cho tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Nam thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung cả nước. Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, hiện nay còn quá nhiều “điểm nghẽn” khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khó đẩy nhanh theo tiến độ đề ra.

“Để tập trung cho việc giải ngân trong thời gian đến, việc đầu tiên và tập trung nhất là thành phố tập trung cả hệ thống chính trị, tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây là điểm nghẽn rất lớn nên chúng tôi phải tháo gỡ cho được. Tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Hiện nay tỉnh cũng đã phân cấp cho thành phố Tam Kỳ phê duyệt các dự toán thiết kế; quy trách nhiệm cho chủ đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố” - ông Bùi Ngọc Ảnh nói.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện vẫn còn nhiều dự án chưa ký hợp đồng thi công. Một số dự án chưa có chủ trương đầu tư thì không thể giải ngân trong những tháng còn lại của năm nay. Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chủ động điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn; các dự án trước ngày 30/10 chưa đấu thầu sẽ bị cắt vốn.

“Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 15 về tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn, trong đó xác định những tháng còn lại, ngoài công tác phòng, chống dịch, phòng chống thiên tai thì giải ngân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Thủ trưởng các đơn vị, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ trong vấn đề này” - ông Nguyễn Hồng Quang nói.

Các tin khác