Tăng tiêu dùng nội địa để thị trường phục hồi và phát triển

(ĐTTCO)- Trong bối cảnh nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu, chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường nội địa với quy mô gần 100 triệu dân, được xem là “mảnh đất” tiềm năng để doanh nghiệp khai thác vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh song không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, tại các siêu thị, người dân rất yên tâm mua sắm.
Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh song không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, tại các siêu thị, người dân rất yên tâm mua sắm.
Ba chân kiềng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được xác định là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Thực tế, dịch COVID-19, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mà còn gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa thương mại. Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa với quy mô gần 100 triệu dân, được xem là “mảnh đất” tiềm năng để doanh nghiệp khai thác vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Dịch COVID-19 đã khiến người dân có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm. Các mặt hàng không thiết yếu và dịch vụ giải trí bị ảnh hưởng nặng nề. 9 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước giảm 3,38% so với cùng kỳ.

COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, buộc doanh nghiệp phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới. Theo đó, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Liên Hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, thời điểm này, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh song không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, tại các siêu thị, người dân rất yên tâm mua sắm. Việc triển khai liên kết đã tạo được thị trường ổn định, doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý.

Theo ông Lê Trường Sơn: "Đến thời điểm hiện nay, các cửa hàng bán lẻ trực thuộc Saigon Co.op về cơ bản đã chuẩn bị đầy đủ các loại hàng thiết yếu, hàng bình ổn cho nhiều tháng, đồng thời tiếp tục nỗ lực thực hiện giảm và giữ giá bán hàng hóa ổn định trong thời gian tới, không chỉ tại TP.HCM mà còn các địa phương khác, hàng hóa đảm bảo đầy đủ".

Sau thời gian dài bị tác động của đại dịch COVID-19, sức mua của thị trường nội địa giảm sút chưa từng thấy, người tiêu dùng đã giảm quy mô giỏ hàng về số lượng hàng hóa ở mỗi lượt mua sắm. Giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng, doanh nghiệp cũng phải có ý thức sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, chất lượng và uy tín chính là “giấy thông hành” để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường. "Thị trường nội địa là cứu cánh cho tất cả các doanh nghiệp, doanh nghiệp phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Như vậy, có thời gian chuẩn bị để quay trở lại thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp sẽ củng cố lại sản phẩm của mình".

Đồng tình với giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch. Muốn kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

"Trước mắt phải thiết lập nhiều chuỗi phân phối sản xuất, phân chia lợi nhuận, quản lý chất lượng và thành lập các hệ thống dự trữ chiến lược về hàng hóa thiết yếu. Một vấn đề nữa, tăng cường quản lý chất lượng trong chuỗi giá trị, xây dựng các kho dự trữ chiến lược giảm các chi phí logistic vận chuyển. Chúng ta phải làm công tác kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tổ chức tốt hệ thống phân phối làm cho siêu thị phát triển văn minh, làm ăn tử tế, tạo sự liên kết trong chuỗi giá trị, hợp lý công bằng mang tính chia sẻ, nhân văn..." - ông Phú nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, kết nối chuỗi sản xuất phân phối, kết nối cung cầu, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh triển khai. Như tại Hà Nội, Thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và khôi phục tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch phục vụ Tết trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội và phù hợp với cấp độ dịch, tập trung đẩy mạnh các chương trình kích cầu, xúc tiến thương mại để thúc đẩy tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội, tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để theo dõi sát diễn biến dịch, ứng phó của các quốc gia để có biện pháp thích hợp tìm kiếm đầu ra cho xuất khẩu hàng hóa và đẩy mạnh thương mại điện tử phục vụ nhu cầu của nhân dân".

Không ngoài cuộc, các doanh nghiệp thương mại điện tử đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tiếp cận sâu hơn với công nghệ để thúc đẩy mua sắm những tháng cuối năm. Báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam chỉ ra, bán hàng đa kênh kết hợp giữa online và offline sẽ là xu thế nổi bật, điều này đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải hành động đối ứng với sự thay đổi về xu hướng hành vi tiêu dùng của đại bộ phận khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhìn nhận, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc hỗ trợ, đưa các doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia vào các sàn thương mại điện tử. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động và gây khó khăn cho doanh nghiệp, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo bà Huyền: "Việc kết hợp giữa hai phương thức phân phối hiện đại và phương thức phân phối truyền thống đã được khẳng định vai trò, đây là một xu thế tất yếu và căn cơ trong tình hình mới, phải kết hợp giữa hai phương thức phân phối cũng như đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử.

Thứ hai, với doanh nghiệp thì cần phải xây dựng chiến lược và ứng dụng thương mại điện tử, chiến lược chuyển đổi số và chiến lược lưu thông hàng hóa. Và thứ ba là cần phải tham gia các chương trình để có thể đi được dài hơi cũng như tận dụng được những lợi thế của thương mại điện tử mang lại".

Theo các chuyên gia, thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn, phải chú ý đến việc thay đổi hành vi tiêu dùng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước. Bộ Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ: "Dự kiến năm 2021 này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3 - 4% so với năm 2020. Từ nay đến cuối năm, ngành công thương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn, nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua khi bị dịch bệnh.

Thứ hai là theo dõi sát diễn biến, cung cầu giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, đặc biệt là ổn định, cung cầu giá cả và lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước".

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với nâng cao chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản trong việc xây dựng thương hiệu để giữ vững thị trường, đây cũng là dịp để hàng Việt khẳng định được vị thế, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước.

Với dân số gần 100 triệu dân, thời điểm này rất cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tận dụng cơ hội bình thường mới giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Các tin khác