“Sóng gió” ngành thép

(ĐTTCO) - Năm 2020 được dự báo là năm sóng gió với các doanh nghiệp thép trong nước khi các khó khăn sẽ cộng hưởng với nhau, nhất là việc Mỹ sẽ áp thuế lên đến 456% đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam.
Liên tục bị kiện 
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội và thép chống gỉ của Việt Nam sử dụng nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan. Kết luận cuối cùng giữ nguyên như kết luận sơ bộ đã được cơ quan này ban hành vào tháng 7-2019. Theo đó, DOC xác định các mặt hàng thép trên của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan, không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Mỹ nên bị coi là lẩn tránh thuế. 
 Tăng trưởng ngành thép đang chậm lại khi sản phẩm thép dẹt chỉ tăng khoảng 6%, thép xây dựng tăng trưởng không đáng kể. Cùng với việc Mỹ sẽ áp thuế đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam, dự báo 2020 sẽ là năm khó khăn đối với ngành thép. 
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam
Căn cứ vào đó, cơ quan Hải quan Mỹ tiếp tục thu thuế đối với các mặt hàng thép của Việt Nam và những lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng bị áp mức thuế lên đến 456% (ngang với mức thuế đang áp dụng với thép Trung Quốc trước đó).
Nếu doanh nghiệp chứng minh nguyên liệu cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan, lô hàng sẽ bị áp thuế tùy theo xuất xứ (nếu nguyên liệu xuất xứ từ Hàn Quốc thép thành phẩm sẽ bị áp thuế 29,4% với thép chống gỉ và 24,2% với thép cán nguội; nếu có nguyên liệu xuất xứ từ Đài Loan thép cán nguội sẽ bị áp thuế 10,34%).
Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp thép Việt Nam đối mặt với những vụ việc nói trên. Gần đây nhất, đầu tháng 11-2019, Canada đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) từ Việt Nam và một số nước. Tính chung từ trước đến nay, ngành thép đã phải đối diện với 47 cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, chiếm 1/3 tổng số vụ điều tra chống bán phá giá với hàng hóa Việt Nam.
Hiện tại, thị trường Mỹ chỉ chiếm hơn 6% tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam, nên trong ngắn hạn việc áp thuế chưa ảnh hưởng đến thép xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng về trung hạn, đây có thể được xem là tiền lệ để các thị trường khác cũng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.
Thực tế, trong thời gian gần đây, những rào cản thương mại đang được dựng lên tại thị trường một số nước ASEAN, nơi chiếm đến hơn 65% thị phần thép xuất khẩu của Việt Nam. Như tại Thái Lan, có lúc thép xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sụt giảm đến 38,8% về lượng và 47,13% về kim ngạch do bị áp thuế chống bán phá giá. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, dự báo khoảng 45% lượng thép xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi PVTM trong thời gian tới.
“Sóng gió” ngành thép ảnh 1 Ảnh minh họa: LONG THANH
Trong khi thị trường xuất khẩu đang ngày càng co hẹp, thị trường nội địa cũng không mấy sáng sủa khi doanh nghiệp thép phải đối mặt với nhiều diễn biến bất lợi. Đó là việc tăng trưởng giá trị xây dựng giảm 7,9% trong năm 2019, đã kéo theo nhu cầu thép xây dựng giảm mạnh, thậm chí ống thép còn tăng trưởng thấp hơn phân khúc thép xây dựng. Phân khúc tôn lạnh rất bết bát khi tăng trưởng -5% do ảnh hưởng từ sự sụt giảm 19% trong xuất khẩu. 
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), đối với ngành thép trong ngắn hạn, nhu cầu về thép xây dựng chưa thể khởi sắc khi thị trường bất động sản và hoạt động giải ngân hạ tầng chưa có dấu hiệu tiến triển. Bên cạnh đó, công suất thép xây dựng và tôn mạ đều đang dư thừa trong ngắn hạn. 

Khó tái cấu trúc 
Theo Bộ Công Thương, giải pháp lúc này là doanh nghiệp thép trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Đồng thời, để tránh các vụ kiện PVTM, doanh nghiệp ngành thép cần thường xuyên nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, tránh xuất khẩu tập trung vào một thị trường dẫn tới kim ngạch xuất khẩu có sự gia tăng đột biến, tạo cớ cho thị trường nhập khẩu khởi kiện.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp thép trong nước buộc phải chuyển đổi cơ cấu, điều chỉnh cấu trúc, mô hình sản xuất. Tuy nhiên, đây là điều rất khó khăn cho doanh nghiệp thép trong thời điểm hiện tại. 
Thực tế hiện nay ngành thép Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nguyên liệu nước ngoài, hầu hết nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm thép phải nhập khẩu với số lượng rất lớn (khoảng 90% quặng sắt, 100% than mỡ, 70% thép phế, 100% điện cực graphit…).
Đây chính là điểm yếu của doanh nghiệp thép khi tham gia các hiệp định thương mại tự do với điều khoản ngặt nghèo về quy định truy suất nguồn gốc xuất xứ. Thêm vào đó, trong 2 năm qua giá nguyên liệu đầu vào diễn biến bất thường, giá quặng sắt tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đã gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành thép (giá quặng sắt đã tăng gần gấp đôi khi lên mức đỉnh 125USD/tấn trong năm nay, cao nhất trong 5 năm qua). 
Các báo cáo tài chính quý III-2019 đều cho thấy nhiều doanh nghiệp thép đã thua lỗ nặng. Đơn cử, thép Pomina ghi nhận khoản lỗ gần 119 tỷ đồng khi doanh thu thuần giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. CTCP Thép Việt Ý lỗ hơn 75 tỷ đồng và là quý thứ 6 liên tiếp báo lỗ. Hai ông lớn khác là CTCP Thép Hòa Phát và CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng không ngoại lệ.
Hiện tại, những biến động giá thép cán nóng trên thị trường đang gây áp lực lớn đối Hoa Sen, đẩy doanh nghiệp này vào thế rủi ro khi khó đạt được lợi nhuận theo kế hoạch. Với Hòa Phát, kể từ nửa cuối năm 2019 tiếp tục chịu tác động của giá quặng sắt tăng cao, khiến biên gộp dự báo giảm về 20%, trong khi biên lợi nhuận ròng có thể chạm mức đáy do chi phí lãi vay cao hơn. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Hòa Phát kỳ vọng ở mức 8.612 tỷ đồng ( tương đương năm ngoái). 

Các tin khác