Siêu thị than cứ 3 ngày mất gần 1 tỷ chi phí xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên

(ĐTTCO) - Hệ thống Lotte Mart có khoảng 3.000 nhân viên. Cứ 3 ngày phải xét nghiệm Covid-19 một lần, với kinh phí xét nghiệm hết 900 triệu đồng.
Siêu thị đang chịu áp lực cùng lúc với chi phí đầu vào tăng, nhân viên luôn trong cảnh đối mặt với dịch bệnh. Ảnh: H. Minh
Siêu thị đang chịu áp lực cùng lúc với chi phí đầu vào tăng, nhân viên luôn trong cảnh đối mặt với dịch bệnh. Ảnh: H. Minh

Áp lực bủa vay siêu thị

Chợ đầu mối, chợ tạm và hàng loạt chợ truyền thống tại TPHCM tạm dừng hoạt động hơn nửa tháng nay vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Áp lực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cung cấp cho 10 triệu người dân gần như dồn hoàn toàn lên hệ thống bán lẻ hiện đại là siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán thực phẩm.

Tại cuộc gặp mặt tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đang làm việc tại TPHCM ngày 22-7, đại diện hệ thống Saigon Co.op, MM Mega Market, VinMart, Aeon, Lotte Mart cùng cho biết đang gặp nhiều vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại TPHCM.

Theo các siêu thị, thời gian qua, doanh nghiệp phải chịu thêm rất nhiều chi phí phát sinh vì dịch. Cụ thể là chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly nhân viên, chi phí vệ sinh, khử trùng…, mà căng thẳng nhất là chi phí xét nghiệm Covid-19 cứ vài ngày lại phải thực hiện theo quy định.

Đại diện hệ thống Lotte Mart cho hay doanh nghiệp có khoảng 3.000 nhân viên, cứ 3 ngày phải xét nghiệm 1 lần, kinh phí xét nghiệm hết 900 triệu đồng.

Ngoài ra, các hệ thống cũng đang gặp khó về kho dự trữ hàng. Bởi trường hợp có lao động tại kho mắc Covid-19, kho dự trữ phải đóng cửa nên cần có phương án về kho dự trữ thay thế.

Trong lúc nhu cầu thực phẩm tăng cao như thời gian qua, một số nhà cung cấp mặt hàng rau quả, trứng gà chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng của siêu thị. Nhà cung cấp cũng đề nghị tăng giá bán trong bối cảnh dịch bệnh, khiến chi phí phát sinh càng tăng cao.

Cùng với đó, các siêu thị còn đối mặt tình trạng thiếu lao động từ lái xe, nhân viên kho hàng, đóng gói, sơ chế, bán hàng… do nhân viên mắc hoặc liên quan các ca nghi mắc Covid-19.

Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết hệ thống có gần 2.000 điểm bán trên 24 tỉnh phía Nam với 20.000 nhân viên, riêng TPHCM có 560 cửa hàng. Từ mức 1.300 - 1.500 tấn/ngày, gồm thực phẩm tươi sống và những hàng hóa thiết yếu khác, gần đây, lượng hàng tại Bách Hóa Xanh tăng lên gấp đôi, từ 2.000-3.000 tấn/ngày.

Siêu thị than cứ 3 ngày mất gần 1 tỷ chi phí xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên ảnh 1 Ngoài bán hàng trực tiếp, bán online, các nhân viên siêu thị còn đi chợ giúp khách hàng qua hình thức đặt trực tiếp qua điện thoại. Ảnh: H.Minh 
Ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc Bách Hóa Xanh, cho biết sức mua tăng trong khi nhân lực có hạn nên khối lượng công việc thời gian qua tại mỗi cửa hàng cũng như nhân viên rất lớn. Về phía doanh nghiệp, chi phí nhân công tăng  mạnh do tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng, chi phí xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày các nhân viên.

Gỡ vướng cho siêu thị cách nào

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã ghi nhận những khó khăn này và cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có hướng dẫn cụ thể, khi áp dụng siết chặt Chỉ thị 16, để tạo điều kiện cho các hệ thống phân phối.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần có phương án để các địa phương, Bộ ngành liên quan chủ động xây dựng kịch bản ứng phó cho phù hợp. Cùng hỗ trợ doanh nghiệp phân phối tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực, chi phí xét nghiệm cho nhân viên.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần có chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các quy định của Bộ GTVT và Bộ Y tế, để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa thiết yếu.

Liên quan lưu thông hàng hóa, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương và Bộ GTVT cho biết đã nhất trí lập đường dây nóng của hai Bộ, để cùng phối hợp, xử lý các vướng mặc trong lưu thông, phân phối hàng hoá.

Trên cơ sở đề xuất của tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, Bộ GTVT đã đồng ý để doanh nghiệp được tự mua kit test nhanh Covid-19 (được Bộ Y tế cho phép). Bộ cũng vận động doanh nghiệp vận tải hỗ trợ các địa phương chuyên chở và tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch, tham gia vào các mô hình bán hàng thiết yếu lưu động mùa dịch.

Theo tổ công tác, ghi nhận đến nay cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đã lưu thông thuận lợi hơn.

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa đã được dán nhãn là hàng mau hỏng (nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 nên không cần đăng ký, không cần dán thẻ nhận diện phương tiện (có mã QRCode) trên xe. 

Thay vào đó các xe chỉ cần dán logo nhận diện phương tiện vận chuyển các hàng thiết yếu, đồng thời tài xế vẫn phải tuân thủ theo quy định Bộ Y tế về giấy xét nghiệm.

Sở Công Thương TPHCM cũng đã chuyển Sở GTVT cấp phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 (có mã QR Code) cho 529 đầu mối doanh nghiệp với 16.076 đầu xe, trong đó có 519 doanh nghiệp vận chuyển hàng thiết yếu với 16.066 xe vận tải các loại.

Các tin khác