Sau Covid-19, doanh nghiệp dược phẩm vẫn giữ đà tăng trưởng tốt

(ĐTTCO) - Theo khảo sát của Vietnam Report triển khai trong tháng 10 và 11-2022, gần 90% số doanh nghiệp sản xuất, phân phối và kinh doanh dược phẩm cho biết doanh thu tăng lên và gần 80% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. 
Sau khi chứng kiến mức giảm liên tục trong 9 tháng cuối năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành thuốc, hóa dược và dược liệu đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong quý I-2022, khởi sắc vào quý 2 với mức tăng trưởng 24,6% - gần đạt mức tăng trưởng so với cùng thời điểm năm 2020 khi đại dịch chưa bùng phát tại Việt Nam. Lũy kế 9 tháng đầu năm, chỉ số này đạt tăng trưởng 18,3%.
Theo nhận định của phần lớn các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã tạo ra chuyển dịch nhanh hơn trong cơ cấu doanh thu ngành dược phẩm theo nhiều cách khác nhau. 
Dịch bệnh bùng phát đã khiến người dân hạn chế đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, đồng thời họ cũng chuyển sang mua thuốc điều trị triệu chứng Covid-19 và thực phẩm bổ sung hồi phục sức khỏe giai đoạn hậu Covid-19 tại kênh nhà thuốc. Sự gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng để tăng cường hệ miễn dịch, củng cố sức khỏe trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”. 
Sau Covid-19, doanh nghiệp dược phẩm vẫn giữ đà tăng trưởng tốt ảnh 1 Sau Covid-19, doanh nghiệp dược phẩm vẫn giữ đà tăng trưởng tốt
Thêm vào đó, nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống, khi Chính phủ dần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm (kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử). Kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc. 
Tất cả những nhân tố trên đã khiến tốc độ doanh thu TTM (trailing 12 months) của kênh ETC (từ bệnh viện) bị suy giảm kể từ đầu năm 2021, mặc dù đã có tín hiệu cải thiện vào quý I-2022. Ngược lại, doanh thu TTM của kênh OTC (từ nhà thuốc) duy trì ổn định ở mức 10% trong năm 2021 và vẫn tiếp tục cải thiện đến hết quý I-2022. 
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp dược phẩm trong nước, theo đánh giá của Vietnam Report, đó là phụ thuộc vào nguồn dược liệu nhập khẩu từ nước ngoài với tỷ lệ khá cao, lên tới 80%-90%. Trong đó, số nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên tới 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu.
Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cũng khiến ngành dược chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, nguồn hàng cung cấp. Thêm vào đó, chi phí nhập khẩu khiến giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc và Ấn Độ. 
Theo số liệu thống kê từ giữa năm 2018, giá nhiều nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh từ 15% đến 80%, điều này khiến cho lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp giảm sâu. Bên cạnh đó, phụ thuộc quá lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài dễ gây ra những rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các tin khác