Ông ​Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM: Nhanh chóng bắt nhịp xu thế mới của thế giới

(ĐTTCO)-Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2019 (HEF 2019), với chủ đề “Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế”, do UBND TPHCM tổ chức, với sự tham dự của hơn 800 đại biểu, gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao, Ngân hàng Thế giới, các định chế tài chính quốc tế lớn (như IMF, IFC, ADB), đại diện các TTTC trên thế giới, các chuyên gia tài chính và doanh nghiệp, cùng sự có mặt của hơn 30 diễn giả uy tín trong nước và quốc tế. Nhân sự kiện này, Báo ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN THÀNH PHONG (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. 
Ông ​Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM: Nhanh chóng bắt nhịp xu thế mới của thế giới ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa Chủ tịch, mục đích cơ bản của HEF 2019 là gì?
Ông NGUYỄN THÀNH PHONG: - HEF 2019 do UBND TPHCM tổ chức nhằm mục tiêu tiếp nhận ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của TP, đặc biệt lĩnh hội những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành Trung ương trong định hướng, xây dựng Đề án phát triển TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, HEF cũng mong muốn thu hút sự quan tâm của các tập đoàn kinh tế, tài chính lớn trong nước và thế giới. 
Chủ đề của HEF 2019 là “Phát triển TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế”, do đó mục đích của HEF 2019 là tạo diễn đàn trao đổi giữa lãnh đạo TP với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tổ chức tài chính, đầu tư trong nước và quốc tế nhằm thảo luận, đánh giá thực trạng và triển vọng, cơ hội và thách thức. Từ đó xác định tầm nhìn và đưa ra thông điệp của TP về định hướng xây dựng, phát triển TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế. 
Kết quả của diễn đàn sẽ góp phần quan trọng cho định hướng, xây dựng Đề án TTTC cũng như công tác chuẩn bị các nguồn lực, chính sách, quy hoạch và lộ trình triển khai thực hiện.
Diễn đàn cũng nhằm thu hút, kêu gọi sự quan tâm, đồng hành từ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính cùng tham gia với chính quyền TP, góp phần thu hút đầu tư để thực hiện mục tiêu phát triển TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế. 
Để đạt được mục tiêu này, trước hết TPHCM phải trở thành TTTC của Việt Nam. Theo đó, TP phải đảm bảo các nguồn lực và các điều kiện tiền đề quan trọng như chính sách quốc gia phù hợp, tư duy, tầm nhìn và chiến lược để đưa TP trở thành trung tâm phát triển dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính.  
HEF 2019 xoay quanh 4 chủ đề chính gồm: (1) TPHCM hướng tới TTTC khu vực và quốc tế: Hiện trạng - mục tiêu và lộ trình thực hiện. (2) Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số TTTC quốc tế. (3) Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một TTTC quốc tế. (4) Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền TP để phát triển TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế.
Ông ​Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM: Nhanh chóng bắt nhịp xu thế mới của thế giới ảnh 2 Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM (thứ 2 từ trái qua) và ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM (trái) trao đổi với các chuyên gia bên lề Hội thảo khoa học "Xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" vào tháng 7-2019. Ảnh: VIỆT DŨNG
- Như vậy, việc phát triển TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế có tầm quan trọng như thế nào, thưa ông?
 TPHCM đang triển khai Đề án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh. Đây cũng là điều kiện quan trọng để TP trở thành TTTC khu vực và quốc tế. 
- TPHCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại và tài chính, cửa ngõ giao lưu quốc tế của Việt Nam. Khát vọng của TP không chỉ duy trì vị trí dẫn đầu cả nước mà còn thu hẹp khoảng cách, tiến tới bắt kịp các TP thành công trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, để duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước, bắt kịp các TP thông minh, sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, đòi hỏi TPHCM cần nhanh chóng bắt nhịp với xu thế mới của thế giới. 
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường tài chính, từng bước đưa thị trường tài chính trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào vốn vay ngân hàng. Đối với TPHCM, ngay từ đầu năm 2001, tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP.
Và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã được thành lập, là một trong những tiền đề quan trọng để thị trường tài chính tăng trưởng ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế TP. 
Hiện nay, ngành tài chính TP tăng trưởng bình quân 8,8%/năm, chiếm tỷ trọng 10% trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của TP. Ngành tài chính cũng đã giúp TP huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù đạt được những kết quả khá tích cực, nhưng nhìn chung mức độ phát triển và quy mô giao dịch của thị trường tài chính TP vẫn còn nhỏ và nhiều khó khăn, chưa thực sự hấp dẫn các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. TP đang từng bước trở thành một siêu đô thị và luôn khát khao hướng đến sự phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. 
Tuy nhiên, để thực hiện thành công là cả quá trình phức tạp, lâu dài, nhiều gian nan, thử thách. Do đó, TP mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.
Việc phát triển TPHCM trở thành TTTC của khu vực và thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng để đưa TP phát triển đột phá trong giai đoạn tới. Mục tiêu của Trung tâm tài chính trước hết là phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của TP nói riêng và cả nước nói chung. Thu hút nguồn lực tài chính các nước về Việt Nam, về lâu dài sẽ cạnh tranh với các trung tâm tài chính trên thế giới.
- Để chuẩn bị cho việc trở thành TTTC khu vực và quốc tế, sắp tới TP sẽ có sự chuẩn bị như thế nào thưa ông?
 Việc phát triển TPHCM trở thành TTTC của khu vực và thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng để đưa TP phát triển đột phá trong giai đoạn tới.
- Đầu tiên phải xác lập tầm nhìn về vị thế của TTTC TPHCM sẽ trở thành TTTC khu vực, định hướng quốc tế. Cùng với đó, phát triển nguồn vốn con người; trong đó đảm bảo nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan, đặc biệt là chuyên gia quốc tế.
Đồng thời, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, cải thiện các chính sách liên quan đến thuế quan, điều tiết thị trường theo hướng minh bạch, độ tin cậy cao.
Mặt khác, có chính sách quy hoạch đô thị, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng công nghệ.  
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, phát triển TTTC TPHCM phải gắn liền với đặc thù của một nền kinh tế đang chuyển đổi là kinh tế số, chính quyền số và tiến tới xã hội số; cũng như đặt trong chiến lược phát triển tổng thể lĩnh vực tài chính của Việt Nam.
Đặc biệt, cần tập trung phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, phát triển đa dạng và đồng bộ với các thị trường như: thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu; phát triển công nghệ quản lý tài sản; tăng cường mạng lưới toàn cầu của công nghệ tài chính; hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định tài chính… 
Hiện nay, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp hơn 45% GDP, 42% thu ngân sách, dịch vụ có giá trị gia tăng chiếm 46%, xuất khẩu chiếm 40%; đầu tư nước ngoài về tổng dự án chiếm 56%, giá trị đầu tư 45%; kiều hối chiếm 65%; giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán ở TPHCM chiếm 93,5% cả nước; 50% doanh nghiệp cả nước nằm ở TPHCM và nếu tính của cả vùng là 65%.
Ngoài ra, TP còn là trung tâm đào tạo lớn của cả nước với nhiều cơ sở đào tạo có chất lượng, sẽ thuận lợi cho việc hình thành chương trình đào tạo hỗ trợ cho dịch vụ tài chính và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về tài chính. 
Vừa qua chúng tôi có tổ chức 2 đoàn công tác đi trao đổi kinh nghiệm việc xây dựng phát triển tại một số TTTC lớn (ở châu Âu và châu Á), cho thấy để xây dựng thành công TTTC quốc tế cần có sự ủng hộ tối đa của Chính phủ; chính sách pháp luật rõ ràng và các chính sách để thu hút được nhà đầu tư quốc tế; thu hút nhân tài đến làm việc. 
Hiện nay, TPHCM đang triển khai Đề án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh. Đây cũng là điều kiện quan trọng để TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế. Do đó, diễn đàn lần này sẽ giúp TP có thêm nhiều dữ liệu và kinh nghiệm quý báu để xây dựng đề án này phù hợp với tình hình của TPHCM. 
- Xin cảm ơn Chủ tịch.

Các tin khác