Nới lỏng tài khóa, tăng chi ngân sách an sinh

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng đây là thời điểm Chính phủ cần có những gói hỗ trợ bổ sung đặc biệt mới đủ sức giữ chân người lao động (NLĐ) ở lại với doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gẫy. TS. Lê Đăng Doanh phân tích:

Công an Đồng Nai dẫn đoàn người lao động về quê ngày 5-10.
Công an Đồng Nai dẫn đoàn người lao động về quê ngày 5-10.
Thực ra đây là bài toán kinh tế vĩ mô không chỉ riêng của TPHCM hay khu vực Đông Nam bộ, dù những ngày qua khu vực này đang chứng kiến sự rời đi của nhiều lao động.
Để giải quyết đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương, Chính phủ để hỗ trợ TPHCM, không thể để mình TP gánh vác. Thực tế TPHCM hay các DN cũng không thể giải quyết được vấn đề này.
Người Việt có câu “có thực mới vực được đạo”, nghĩa là có ăn mới làm được. Rộng hơn, ở đây là nhu cầu tối thiểu của NLĐ như ăn ở, đi lại, chi phí sinh hoạt phải đảm bảo họ mới yên tâm làm việc. Những ngày qua, chúng ta chứng kiến cảnh NLĐ khắp các địa phương rời TPHCM và các tỉnh thành Đông Nam bộ để về quê.
Ở đây có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó là cú sốc về tâm lý khi dịch Covid-19 diễn ra quá khốc liệt cùng các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo kéo dài trong nhiều tháng. Thứ hai, dịch bệnh đã dẫn đến kinh tế đình đốn, sản xuất ngưng trệ, NLĐ mất việc làm, mất thu nhập, nên họ buộc phải về quê.
Để kéo NLĐ trở lại cần phải có gói hỗ trợ về an sinh trực tiếp cho họ lớn hơn nữa. Gói hỗ trợ này phải bảo đảm sao cho NLĐ ở các vùng kinh tế trọng điểm có thể đủ mức sống, sinh hoạt để từ đó có thể tái sản xuất sức lao động.
Cụ thể, hỗ trợ họ phần nào đó về chi phí nhà ở, đi lại, y tế… để họ bớt đi gánh nặng. Gói hỗ trợ này có thể là trực tiếp đến NLĐ, hoặc Nhà nước hỗ trợ gián tiếp thông qua DN. Khi đó, DN nào thu hút được NLĐ quay trở lại và tái hoạt động sản xuất nên được hưởng những ưu đãi về tín dụng vay, hỗ trợ về thuế…
Về phía DN cần có chính sách ngắn hạn lẫn dài hạn để hỗ trợ NLĐ quay lại làm việc như túi an sinh, hỗ trợ một phần tiền trọ, tranh thủ các chính sách hỗ trợ của địa phương đầu tư, nâng cao môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn, an toàn cho NLĐ.
Nới lỏng tài khóa, tăng chi ngân sách an sinh ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thiết kế gói hỗ trợ mới để giữ chân NLĐ liệu có khả thi lúc này khi ngân sách đang khó khăn?
TS. LÊ ĐĂNG DOANH: -  Cần phải có những chính sách chưa có tiền lệ, những chương trình đặc biệt. Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa 13 đang họp, tôi tin sẽ có những quyết định tương xứng, những nỗ lực để chúng ta có thể nhanh chóng phục hồi kinh tế. Trong khuyến nghị giải pháp phục hồi kinh tế cho Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong năm nay, có 2 khuyến nghị chính cần chú ý.
Một là, Chính phủ cần tăng cường chi cho đầu tư công, để từ đó tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hai là, Chính phủ cần tăng chi ngân sách cho an sinh xã hội, các nhóm đối tượng bị tác động và thiệt hại do dịch Covid-19, trong đó bao gồm cả NLĐ bị mất việc làm hay ảnh hưởng thu nhập. 
Cả 2 nhóm giải pháp này đã tính đến cả chuyện đảm bảo được bài toán lao động sản xuất không bị thiếu hụt sau khi dịch qua đi. Cả 2 khuyến nghị đều tập trung vào chính sách tài khóa, nghĩa là đều đòi hỏi Chính phủ tăng chi ngân sách.
Do đó, đây là vấn đề Trung ương cần phải xem xét,  từ đó có những quyết định, những chính sách chưa có tiền lệ sao cho phù hợp với thực tế tình hình mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải tính đến việc tiết kiệm chi tiêu ở những lĩnh vực khác xét thấy chưa thực sự cần thiết để đảm bảo nguồn chi cho an sinh xã hội.
- Còn đối với lao động đã trở về quê, cần có những chính sách hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
Để thiết kế những gói hỗ trợ mạnh nhằm giữ chân NLĐ, cần tính đến chính sách tài khóa nới lỏng, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn bình thường.
- Các tỉnh thành có NLĐ làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam trở về cần sớm có những chính sách hỗ trợ họ kịp thời. Thứ nhất, chủ động chăm lo và có chính sách hỗ trợ NLĐ của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc, thay vì chỉ lên phương án đón họ về quê, dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh khu vực phía Nam kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo đó, cần có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, giảm tiền điện, tiền nước, hỗ trợ mức tối thiểu sinh hoạt hàng ngày, ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ vừa trở về để họ có thể nhanh chóng đi làm trở lại.
Thứ hai, địa phương cần sớm có rà soát, khảo sát để nắm được dữ liệu NLĐ trở về, từ đó cung cấp thông tin việc làm ở ngay địa phương để có thể tận dụng ngay nguồn lực này phát triển kinh tế địa phương, khi họ có nguyện vọng làm việc tại quê.
Việc thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung - cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ vào thời điểm này là rất quan trọng.
- Việc thiếu lao động cục bộ hiện nay ở các tỉnh phía Nam sẽ là bài học cho các địa phương khác trong ứng phó với dịch Covid-19 sau này, thưa ông?
- Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Đây là bài học chung cho tất cả địa phương và Chính phủ trong điều hành chính sách. Chúng ta nên nghiêm túc rút kinh nghiệm về cách phòng chống dịch thời gian qua, như biện pháp phong tỏa quá dài và với quy mô quá rộng, quá cứng nhắc.
Thí dụ, chỉ một số ca F0 xuất hiện phong tỏa cả công xưởng của DN, hay cả một phường, quận, thậm chí toàn TP… Thực tế đã cho thấy biện pháp này chưa cần thiết.
Điều này khiến hoạt động sản xuất đình đốn, giao thương bị ngưng trệ, đời sống sinh hoạt người dân gặp khó khăn, nhiều DN đóng cửa vì biện pháp quá mạnh này. Đây là điều chúng ta cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh sao cho phù hợp.
Về phía các DN, việc thiếu hụt lao động này cũng cho thấy DN cần nhanh chóng hơn nữa thay đổi tư duy, cách tiếp cận, vận hành sản xuất với trọng tâm là kinh tế số.
Những ứng dụng công nghệ thông tin, bán hàng qua mạng, nâng cao chất lượng NLĐ lên trình độ cao hơn là đòi hỏi cấp thiết cho mọi DN.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác