Nơi lén lút, chỗ công khai, hàng quán TPHCM sốt ruột phục vụ ăn uống tại chỗ

(ĐTTCO) - Có nơi lén lút, có nơi công khai phục vụ ăn uống tại chỗ khi TPHCM vẫn mới chỉ cho bán mag đi, nhưng tâm lý chung là người bán nóng lòng sớm được buôn bán bình thường trở lại khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội.
 Nơi lén lút, chỗ công khai 

Sáng 21-10, rảo qua một số tuyến đường thuộc quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, chúng tôi ghi nhận nhiều hàng quán, cà phê đã phục vụ khách tại chỗ. Đa số các quán này đều nằm trong các con hẻm nhỏ, khu dân cư nên ít bị lực lượng chức năng chú ý. Dọc theo tuyến đường số 8, Thống Nhất, Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp) có rất nhiều hàng quán ăn uống nhận phục vụ khách tại chỗ. Có quán phục vụ hết công suất, khách ra vào tấp nập.

Một chủ quán bún bò trên đường số 8 (quận Gò Vấp) thổ lộ: “Bán lén thôi, chứ chưa có ai cho phép bán cho khách ngồi ăn uống tại chỗ. Nhiều khách hàng có mong muốn được ăn tại chỗ nên quán mới phục vụ, đa số là khách quen”.

Quán cà phê V.T.M. nằm trên đường số 14 (quận Gò Vấp) đông nghẹt khách uống tại chỗ

Quán cà phê V.T.M. nằm trên đường số 14 (quận Gò Vấp) đông nghẹt khách uống tại chỗ

Trong khi đó, nhiều quán nhậu đã mở cửa phục vụ tại chỗ một cách công khai. Ghi nhận tối 20-10, tại một quán nhậu trên đường Hoàng Sa (dưới chân cầu Bùi Hữu Nghĩa, phường Đa Kao, quận 1), thực khách tụ tập tại chỗ ăn uống, không đeo khẩu trang. Còn quán nhậu R. nằm trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) bố trí 2 bàn bên trong nhà sát nhau, khách liên tục cụng ly, chuyện trò rôm rả.

Quán bia C.B. nằm trên đường Phạm Văn Đồng (phường 11, quận Bình Thạnh) cũng bày biện bàn ghế ra phía trước, tập trung hơn 10 nam, nữ thanh niên ăn nhậu… 

Bên cạnh đó, một số quán nhậu phục vụ ăn uống tại chỗ nhưng kín đáo hơn, vì sợ lực lượng chức năng xử phạt.

Chẳng hạn như quán L. BBQ nằm trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) có gần 20 chiếc xe máy đậu phía trước, bên trong bố trí 3 bàn với hơn 15 người ngồi nhậu nhưng chỉ mở hé cửa, cho nhân viên canh chừng bên ngoài.

Gần đó, quán nhậu O.K. 79 để biển thông báo “bán mang về” nhưng phía trước vẫn có 7 chiếc xe máy, hàng rào được kéo khép lại, dùng bàn ghế để che chắn bàn nhậu đang ăn uống phía trong… 

Nóng lòng buôn bán trở lại 

Bên cạnh một số hàng quán ăn uống cố tình vi phạm phục vụ tại chỗ thì phần đông vẫn chấp hành quy định. Nhiều hàng quán trên địa bàn quận Gò Vấp, Tân Bình, quận 10, quận 3 vẫn chưa mở cửa hoạt động, hoặc chỉ bán mang đi.

Anh Huy Hùng, quản lý một quán nhậu trên đường Lê Lợi (quận Gò Vấp), cho biết: “Khi TPHCM cho mở bán mang đi, quán mở cửa 3 ngày, nhưng số lượng khách không nhiều nên tiếp tục đóng cửa. Thực ra chúng tôi rất nóng lòng bán phục vụ khách tại chỗ nhưng chưa biết chính xác khi nào”.

Cũng chộn rộn muốn bán phục vụ khách tại chỗ trở lại nhưng chủ một quán cà phê trên đường Lê Quang Định (phường 1, quận Gò Vấp) ngán ngại: “Mấy hôm nay thấy nhiều quán bán phục vụ tại chỗ rồi, tôi cũng định mở bán nhưng lo lực lượng chức năng xử phạt, cũng sợ là dịch bệnh còn nguy hiểm. Không buôn bán, chúng tôi vẫn phải trả tiền mặt bằng nên rất mong chính quyền sớm công bố cho phép bán phục vụ tại chỗ trở lại”.

Tương tự, anh Trần Văn Hoàng, chủ một quán phở trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) băn khoăn: “Người dân vẫn rất ngại đến quán nên mở ra sợ không đủ chi phí mặt bằng, tiền công nhân viên. Chúng tôi đang thăm dò xem tình hình các nơi mua bán thế nào, rồi mới dám đầu tư sửa sang quán, chứ mấy tháng không bán nhiều đồ đạc hư hỏng, mặt bằng xuống cấp”.

Nhiều chủ quán cũng có tâm lý như anh Hoàng, là chờ chỉ thị của thành phố cho phép bán phục vụ tại chỗ trở lại, và hiện đã quét dọn mặt bằng, lau chùi bàn ghế, chuẩn bị bếp núc để sẵn sàng mở cửa. 

Liên quan đến việc cho phép hàng quán ăn uống phục vụ tại chỗ, Sở Công thương TPHCM vừa có Công văn 4649 gửi UBND TPHCM, về việc tổ chức hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo đó, Sở Công thương kiến nghị UBND TPHCM cho cơ sở dịch vụ ăn uống được bán bằng cả 2 hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ loại hình kinh doanh bia, rượu.

Điều kiện để các cơ sở này được hoạt động là đáp ứng các yêu cầu an toàn phòng chống dịch của ngành y tế, và bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Các hàng quán sẽ hoạt động đến trước 21 giờ, công suất phục vụ tối đa 50%. Mật độ phục vụ không quá 2 người mỗi bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2m.

Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, sau 15 ngày TPHCM nới lỏng giãn cách, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động còn chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Việc cho phép phục vụ khách ngồi tại chỗ là từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế thông qua phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ trên nguyên tắc “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó”. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của người dân và hỗ trợ từng bước khôi phục hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn.

Các tin khác