Ngành xi măng tiêu hao điện quá lớn

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC, ông TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho biết ngành xi măng đang là một trong những ngành tiêu thụ điện nhiều nhất hiện nay. Trong khi đó, tăng trưởng và hiệu quả kinh tế của ngành không tương xứng, dẫn đến việc thiếu hụt điện để sản xuất trong tương lai gần, nếu không có những chính sách phù hợp.
Cùng với sản xuất thép, xi măng đang là ngành tiêu tốn nhiều điện nhất. Ảnh: VIẾT CHUNG
Cùng với sản xuất thép, xi măng đang là ngành tiêu tốn nhiều điện nhất. Ảnh: VIẾT CHUNG
PHÓNG VIÊN: - Có ý kiến cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần có chính sách siết chặt đối với một số ngành công nghiệp nặng đang tiêu tốn nhiều điện năng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Đơn cử như xi măng là ngành có đặc thù sử dụng nhiều điện cho sản xuất. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông TRẦN VIẾT NGÃI: - Hiện nay, cùng với sản xuất thép, xi măng đang là ngành sử dụng tiêu tốn nhiều điện nhất (chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng số các ngành công nghiệp chính ở Việt Nam).
Tính trung bình, với mức tiêu thụ 100kWh điện/tấn xi măng, với sản lượng 86 triệu tấn xi măng hiện nay, tổng mức tiêu thụ điện năng cho sản xuất xi măng ước khoảng 8,6 tỷ kWh điện.
Với nhà máy quy mô trung bình 2 triệu tấn xi măng/năm và sử dụng khoảng 2 triệu tấn đá vôi, cũng có nghĩa sẽ tiêu tốn 200.000 tấn than, tiêu thụ khoảng 170 triệu kWh điện, thải ra khoảng 2,2 triệu tấn CO2 từ việc đốt nhiên liệu nung và từ các phản ứng hóa học khi nung. 
Điều đáng nói, dù đang là một trong những ngành tiêu thụ điện nhiều nhất hiện nay, nhưng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế của ngành xi măng lại không tương xứng. Do sự đầu tư ồ ạt trong 10 năm qua, ngành xi măng Việt Nam mất cân đối cung cầu, công suất thiết kế gần gấp đôi nhu cầu nội địa, dẫn đến việc tăng xuất khẩu đột biến.
Xuất khẩu clinker và xi măng có thể là giải pháp ngắn hạn, nhưng căn cơ nhất vẫn phải cân đối cung cầu nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trước mắt, vấn đề thiếu hụt điện để sản xuất là thách thức lớn đối với ngành này nếu không có những chính sách phù hợp.
- Ông nhận xét thế nào về ý kiến cho rằng người dân đang phải bù chéo giá điện cho các ngành công nghiệp nặng như xi măng, tức trả giá cao hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nhiều điện và đây là điều bất hợp lý?
 Để giải bài toán về thiếu hụt điện năng cho sản xuất, ngành xi măng phải tái cơ cấu lại, trong đó trọng tâm là đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí sử dụng điện năng.
- Trong số các ngành tiêu thụ điện năng rất lớn như thép, xi măng, hóa chất, chính giá bán điện thấp đã không tạo ra sức ép buộc các nhà sản xuất thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiết kiệm điện, hiệu suất cao.
Điều này dẫn đến việc chỉ số sử dụng điện hiệu quả ở Việt Nam rất thấp (1kWh của Việt Nam chỉ làm ra 1,27USD, chưa bằng một nửa so với mức trung bình của thế giới). Hơn nữa, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào loại trung bình thấp của thế giới, giá điện sinh hoạt phải bù chéo cho sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, giảm sức mua. Điều này cần phải được xem xét lại.
Đối với ngành xi măng, theo tôi cần tính toán và công khai liệu việc này có giảm được chi phí bao nhiêu, tương ứng mức giá nào. Không nên để người dân phải bù tiền điện cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Cần xây dựng mức giá bán lẻ điện cho khối sản xuất xi măng bằng mức giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Bởi chính cuộc cạnh tranh khốc liệt này sẽ loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn yếu kém, kinh doanh thua lỗ, những nhà máy xi măng sử dụng công nghệ cũ lạc hậu, buộc các doanh nghiệp phải tiết giảm và tiết kiệm chi phí sản xuất, đặc biệt thúc đẩy chương trình tận dụng nhiệt thừa để phát điện trong ngành xi măng phát triển.
- Nếu ứng dụng công nghệ nhiệt khí thải phát điện để tận dụng nhiệt tự vận hành lò đốt được đưa vào nội dung quy hoạch. Điều này có giúp giảm áp lực thiếu điện cho sản xuất xi măng?
- Sản xuất xi măng gắn liền với tiêu thụ năng lượng than và điện. Khi vận hành lò nung sẽ phát sinh lượng khí thải và bụi khá lớn ở nhiệt độ cao (khoảng 300oC), chủ yếu tại tầng tháp sấy sơ bộ PH và ghi làm nguội clinker. Quá trình này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí năng lượng.
Theo tính toán, 1 tấn nhiệt khí thải có thể sản xuất ra 3-5 kWh điện. Nếu tất cả nhà máy sản xuất xi măng tận dụng nhiệt thải từ các lò nung clinker để phát điện, mỗi năm sẽ tận dụng được khoảng 1,5 tỷ kWh. Đây là con số khá lớn đối với một ngành công nghiệp có suất tiêu hao năng lượng lớn như xi măng. 
Việc tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện không còn mới lạ đối với các quốc gia có ngành công nghiệp xi măng phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... Công nghệ trên đã được ứng dụng và có quy định bắt buộc nên đa số nhà máy xi măng ở các nước này đều lắp hệ thống phát điện từ nhiệt khí thải.
Ở Việt Nam, công nghệ này được Tổng công ty Công nghiệp Xi măng tìm hiểu từ những năm 1997, sau đó Tổ chức Phát triển nguồn năng lượng mới (NEDO) của Nhật Bản tài trợ cho Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2 trạm phát điện nhiệt khí thải công suất 2.950kW. 
Nhưng tính đến thời điểm hiện nay, cả nước mới có 10/74 nhà máy sản xuất xi măng đầu tư hệ thống này do nhiều lý do như đầu tư tốn kém, chi phí cao, chưa có kế hoạch rõ ràng.
Ngoài ra, thực tế ngay cả khi đi vào hoàn thiện, nguồn điện sinh ra từ ứng dụng công nghệ nhiệt khí thải phát điện cũng rất hạn chế, lượng bù đắp không đáng kể so với lượng điện năng ngành xi măng đang tiêu tốn để dành cho sản xuất hiện nay. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác