Ngành Tài chính đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục chính sách thuế, hải quan

(ĐTTCO)- Sáng 22/11, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục chính sách thuế, hải quan năm 2022.
Ngành Tài chính đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục chính sách thuế, hải quan

Hỗ trợ khoảng 233.000 tỷ đồng tiền thuế, phí trong năm 2022

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233.000 tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98.000 tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách TTHC, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các DN, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung là hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho DN.

Cụ thể, năm 2022 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính xếp trong nhóm 3 bộ đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index). Tính chung, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Cải cách mạnh mẽ, đồng hành cùng DN

Đại diện cho cộng đồng DN, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đánh giá cao sự tích cực đồng hành, tháo gỡ, chia sẻ khó khăn cùng cộng đồng DN của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã mang lại những kết quả quan trọng và tác động lớn đến môi trường hoạt động kinh doanh, sản xuất của cộng đồng DN.

Theo Chủ tịch VCCI, vào thời điểm chương trình đối thoại với DN được thực hiện cách đây 16 năm (năm 2006), theo đánh giá của Ngân hàng thế giới về Việt Nam, một trong những chỉ số xếp đội sổ trong khu vực, sau cả Lào và Campuchia là chỉ số nộp thuế. Tuy nhiên, đến nay, với quyết tâm cải cách và quyết liệt thực hiện quy trình cải tiến thủ tục hành chính thuế, hải quan; bền bỉ thường xuyên, Bộ Tài chính và VCCI tổ chức các buổi đối thoại bằng các hình thức khác nhau nhằm lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN, nhờ vậy, thứ hạng của ngành Tài chính trong xếp hạng quốc tế từng bước được nâng cao.

“Kết quả này không chỉ mang lại những cải tiến tích cực cho cộng đồng DN trong các quy trình thủ tục, chính sách mà còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ công, tự động hóa một số quy trình thủ tục của cơ quan Thuế, Hải quan giúp cho các cơ quan này hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại giảm bớt sự chồng chéo trong giải quyết quy trình, thủ tục...”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Vũ Quang Tùng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần may Sông Hồng cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, DN, nhiều chính sách giảm, giãn, gia hạn thuế, phí… đã hướng tới mục đích hỗ trợ thêm nguồn lực tài chính, giảm giá thành đầu vào và đầu ra cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó, giúp hạ giá bán, người tiêu dùng được hưởng lợi, trên cơ sở đó động viên, thúc đẩy cộng đồng DN phát triển ổn định, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

Lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị đã đưa ra các câu hỏi thảo luận nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thủ tục hành chính. Qua đối thoại, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã tiếp thu các phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp; ghi nhận những đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan của Việt Nam. 

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời, tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước.

Từ đó, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.

“Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, từ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, đến việc tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính”, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.

Các tin khác