Muốn IFC phải mở nhiều cửa

(ĐTTCO)-GS. Trần Ngọc Thơ cho rằng các quốc gia phát triển ngày nay luôn sở hữu các trung tâm tài chính quốc tế (IFC) đẳng cấp hàng đầu, và luôn tạo mọi điều kiện bằng cơ chế chính sách thông thoáng để thu hút vốn từ các nhà đầu tư lớn, thậm chí phải thích ứng thời đại công nghệ 4.0. 
Muốn IFC phải mở nhiều cửa
Bởi lẽ IFC chẳng những phục vụ dịch vụ tài chính cho các cư dân trong nước, mà còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Do vậy, IFC yêu cầu trước hết là hệ thống pháp lý rõ ràng, minh bạch, sau đó là hệ thống cơ sở hạ tầng vô cùng tinh vi và phức tạp như hệ thống công nghệ thông tin, vận chuyển hàng không, dịch vụ tài chính kế toán, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác... Trong khi đó tất cả các điểm này Việt Nam đều thiếu và yếu. 
Lấy đơn cử như cấu phần của một thị trường tài chính gồm có 2 thị trường là thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Để thị trường tiền tệ  lưu thông phải có cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tạo lập các công ty kinh doanh về ngoại hối và không cần giám sát họ, họ có thể kinh doanh trên thế giới, mua đồng yen, bán đồng USD…
Đối với thị trường vốn, yếu tố quan trọng là VNĐ phải chuyển đổi được. Ngay cả Trung Quốc hiện nay vẫn chưa chuyển đổi được đồng NDT, nên các nhà nghiên cứu của Mỹ nói Trung Quốc khó biến Thượng Hải thành một IFC. Bởi một đồng tiền không chuyển đổi được sẽ rất nguy hiểm cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào IFC.
Ở Việt Nam hiện nay chỉ mới chuyển đổi được một nửa. Đó là Pháp lệnh Ngoại hối và các Nghị định, quyết định của Chính phủ đã xác lập trên lãnh thổ Việt Nam, “các giao dịch vãng lai được tự do hóa, chứ chưa nói các giao dịch vốn được tự do hóa”. Và khi các giao dịch vãng lai được tự do hóa, có nghĩa VNĐ chỉ được chuyển đổi 50%, nếu tự do các giao dịch vốn thì đồng tiền sẽ chuyển đổi 100%.
Hay sự phát triển của fintech theo xu hướng 4.0 cũng khiến các công ty tài chính khi hoạt động trong IFC buộc phải đầu tư rất nhiều vào công nghệ thông tin. Theo dự báo của Công ty dữ liệu quốc tế IDC (2018), các doanh nghiệp dịch vụ tài chính trên toàn thế giới sẽ chi tiêu khoảng 500 tỷ USD vào năm 2021 cho công nghệ thông tin (IT), so với mức 440 tỷ USD năm 2018. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay tính pháp lý cho lĩnh vực finech vẫn còn… nghiên cứu.  
Tóm lại, IFC như là nơi “đất lành chim đậu”, và đồng thời cũng là nơi “buôn có bạn, bán có phường”. Bởi các tổ chức, công ty tài chính có tính liên kết cao, quan hệ tương tác nhiều, do đó sẽ có xu hướng hội tụ về nơi khu vực hoạt động, dịch vụ tài chính phát triển. IFC như là một thiên đường để tất cả các bên liên quan trên toàn thế giới tập họp trao đổi các ý tưởng huy động được các khoản nguồn tài chính khổng lồ toàn cầu để đáp ứng các nhu cầu vốn lớn, chẳng những cho nước chủ nhà mà còn ở quy mô quốc tế. Vai trò của các IFC đối với tăng trưởng kinh tế hầu như đã được khẳng định.
Nói như vậy không phải TPHCM đừng kỳ vọng thành một IFC xứng tầm khu vực và quốc tế, bởi chúng ta vẫn có nhiều “cửa” đề hình thành một IFC Việt Nam, nhưng muốn có phải chấp nhận “mở nhiều cửa”. Những lợi thế như vị thế đang lên của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, cùng với đó là sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế sang các quốc gia có mức độ ổn định kinh tế chính trị trong bối cảnh bất định của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, càng là thời điểm thuận lợi để hình thành IFC. 
Với vị trí địa lý và tầm quan trọng đặc biệt, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có quyền kỳ vọng rồi đây IFC chẳng những sẽ góp phần tạo sự thịnh vượng cho dân tộc Việt, cho toàn khu vực, mà còn đem lại hòa bình cho thế giới. Tuy nhiên, để có một IFC phải có tính vượt trội. Và không có sự vượt trội nào, hay nói rộng ra không có một cái “được” nào mà không trải qua cái “mất”. Như vậy điểm vượt trội hơn của Việt Nam hay TPHCM đó là vấn đề thể chế.

Các tin khác