Mong manh thương hiệu gạo Việt

(ĐTTCO) - Tiếng kêu của Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ gạo ngon nhất thế giới năm 2019 ST-25, trong cuộc gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan với các “vua nông sản Việt” mới đây, đã gây chú ý. 
“Hoa hậu gạo thế giới” ST-25 bị làm giả tràn lan trong và ngoài nước.
“Hoa hậu gạo thế giới” ST-25 bị làm giả tràn lan trong và ngoài nước.

“Hoa hậu gạo thế giới” ST-25 cách đây 3 năm trước cận cảnh mất cơ hội tham dự cuộc thi danh giá “World’s Best Rice”. Nhưng xem ra mong manh thương hiệu Việt không phải là chuyện cũ cần tìm lời giải mới.

Từ “nàng lúa” đến “hoa hậu gạo”
Cách đây 3 năm, gạo ST-25 do nhóm nhà khoa học của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua được giải “Gạo ngon nhất thế giới 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo quốc tế tổ chức ở Manila, Philippines, đã làm nức lòng nhiều người.
Năm 2020, “nàng hậu” lại đi thi và về nhì, gây nhiều tranh cãi. Còn năm nay đang đứng trước cận cảnh phải “ở nhà” và thương hiệu này đang chịu nhiều xâm hại bản quyền. 
Đại diện đơn vị tổ chức cuộc thi gạo ngon thế giới cảnh báo, vì tình trạng mạo danh hiệu loại gạo ngon này xảy ra nhiều, nếu không có giải pháp thích hợp, họ sẽ cân nhắc khả năng truất quyền tham gia cuộc thi. Cũng dễ hiểu, tình trạng “gạo ngon nhất thế giới” vẫn mạnh ai nấy xài không phải lần đầu tiên xảy ra.
Ngay khi tên “hoa hậu gạo ST-25” được xướng năm 2019, trong nước đã xuất nhiện nhiều bao bì, nhãn mác của loại gạo này trên thị trường mà chủ nhân của nó không thể biết từ đâu. 
Nhìn lại tổng thể ngành lúa gạo và sự quan tâm thương hiệu gạo Việt cho thấy bước tiến đáng ghi nhận. Hạt gạo Việt đã tạo ra kỳ tích hơn 35 năm đổi mới.
Từ nước thiếu đói, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu gạo, năng suất, sản lượng lúa gạo liên tục tăng trưởng nhanh, không chỉ góp phần quan trọng ổn định xã hội, phát triển nông thôn, còn “cứu nguy” kinh tế đất nước ở những giai đoạn khó khăn. 
Nhưng kỳ tích đã qua không đảm bảo chắc chắn cho thành công trong tương lai. Hàng năm, chúng ta sản xuất khoảng 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 triệu tấn gạo, trong đó xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn, chỉ chiếm hơn 27%, còn lại 16 triệu tấn tiêu dùng trong nước, chiếm gần 2,7 lần gạo xuất.
Thị trường gạo nội địa với 97 triệu người dùng đang đòi hỏi thương hiệu, có sự đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dùng gạo cần được đáp ứng đúng nhu cầu, phải có công cụ truy xuất nguồn gốc, bảo vệ các thương hiệu gạo uy tín, chất lượng.
Vì vậy, việc định ra các phân khúc thị trường tiêu thụ bao gồm xuất khẩu và nội địa tương ứng với từng chủng loại gạo gắn với thương hiệu rất quan trọng. Không chỉ với thương hiệu gạo ST-25 mà nhiều thương hiệu gạo, nông sản khác cần được xây dựng và bảo vệ uy tín trên thương trường.
Danh hiệu gạo ngon tại các cuộc thi quốc tế không phải là bắt buộc, nhưng đối với những tổ chức có nhiều kinh nghiệm, uy tín, danh xưng gạo ngon nhất, nhì thế giới chính là sự bảo chứng cho một thương hiệu gạo trước người tiêu dùng trong ngoài nước. Cơn sốt gạo ST-25 cách đây 3 năm và mức tiêu thụ nội địa, xuất khẩu của thương hiệu gạo này là minh chứng.
Cần “chiếc áo pháp lý” 
Thương hiệu hay nhãn hiệu được hiểu là biểu tượng, thông điệp về giá trị cốt lõi, sản phẩm, dịch vụ gắn với doanh nghiệp, địa phương, vùng miền hay quốc gia. Thương hiệu mang trong nó nhiều yếu tố tổng hợp từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến truyền thống, lịch sử và hiện tại, được chuyển tải đến người tiêu dùng, đại chúng bằng thông tin, truyền thông, thương mại, du lịch và được khách hàng ưa chuộng bằng niềm tin giá trị.
Niềm tin càng lớn, giá trị của thương hiệu càng lớn. Song, niềm tin không phải tự dưng mà có, cũng như không phải là bất biến. Nó cần được xây dựng và phát triển để giữ vững được giá trị niềm tin của khách hàng.
Ngày nay, cùng với giá trị văn hóa cốt lỗi, yếu tố công nghệ, đặc biệt là yếu tố pháp lý càng được chú ý hơn, nên nhiều thương hiệu luôn quan tâm đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu.
Trong khi Luật Thương mại và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành chỉ định nghĩa về nhãn hiệu và hoạt động thương mại, không nêu rõ khái niệm thương hiệu. Mỗi sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức, điều quan trọng là doanh nghiệp cần lựa chọn cách thức để bảo hộ hiệu quả nhất, tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm, thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình.
Như vậy trách nhiệm bảo vệ thương hiệu - tài sản vô hình - trước tiên thuộc về doanh nghiệp, nhưng cũng không thể để họ tự bơi trong điều kiện thiếu kiến thức pháp lý và năng lực tiếp cận thị trường nước ngoài hạn chế. Theo đó, cần hỗ trợ thông tin, trợ giúp pháp lý khi doanh nghiệp rơi vào trường hợp tranh tụng bằng các phương thức phù hợp, giúp nâng cao năng lực tự bảo vệ mình của chủ thương hiệu.
Nhưng điều quan trọng là tạo ra sân chơi bình đẳng, có đủ chế tài luật pháp, để có thể “rút thẻ” xử phạt và phòng ngừa vi phạm, ăn cắp, giả mạo. Có như vậy, thương hiệu gạo mới thoát khỏi cảnh mong manh.
Bản thân các hương hiệu, nhãn hiệu tự thân nó không thể giải bài toán kinh tế của ngành, mà rất cần trợ lực bằng tư duy hoạch định chính sách nông nghiệp, sự phối hợp đa ngành, hỗ trợ đắc lực khi doanh nghiệp đang chông chênh trong các cuộc chiến pháp lý ở thị trường ngoại.
Sự trợ lực phải mạnh mẽ hơn để tăng cường ý thức và sức mạnh trong việc bảo vệ tài sản thương hiệu, nhãn hiệu của mình, mới mong gạo Việt chiếm lĩnh lại thị trường trong và ngoài nước đang bị nhiễu loạn về nguồn gốc và định danh sản phẩm. 
Nhìn ở góc độ kinh tế và thị trường, về lâu dài cần hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ và ứng phó các cuộc chiến thương hiệu, nhãn hiệu tương tự. Cần hỗ trợ xây dựng các thương hiệu quốc gia, vùng miền, địa phương và doanh nghiệp đủ mạnh.
Theo đó, ưu tiên các nhóm giải pháp, gồm (1) Chính sách - pháp lý, quy hoạch-đầu tư; (2) Khoa học - công nghệ và pháp lý; (3) Thị trường và tăng cường liên kết; (4) Nguồn nhân lực. 
Cuộc chiến thương hiệu trong bối cảnh hội nhập rộng mở và cạnh tranh quyết liệt vẫn đang là thách thức cho doanh nghiệp nội, hàng nội, không riêng gì gạo ST-25. Các doanh nghiệp Việt, nhất là các thương hiệu nông sản nổi tiếng quốc gia, rất cần được trợ lực từ các cơ quan quản lý, hiệp hội và cộng đồng, bằng các công cụ pháp lý đúng luật chơi thị trường Việt Nam đã cam kết trong WTO, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nhà nước không thể làm thay hay hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, nhưng cũng không thể để doanh nghiệp chông chênh trong cuộc chiến gay go này.  

Các tin khác