Mỗi năm Việt Nam phải dành khoảng 20% ngân sách để trả nợ công

(ĐTTCO) – Tốc độ tăng nợ công đang cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong vòng khoảng hơn 10 năm (2010-2021), tổng số nợ công của Việt Nam đã tăng gấp 3,2 lần và mỗi năm Chính phủ đang phải dành 1/5 ngân sách thu được để trả nợ.

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển 2022 với chủ đề “Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu-Covid” Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) do phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức sáng nay (24-11) tại Hà Nội.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tại diễn đàn, PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS cho biết, trong giai đoạn 2010-2021, nợ công của Việt Nam đã tăng 3,2 lần (từ 1,144 triệu tỷ đồng lên 3,655 triệu tỷ đồng). Tốc độ nợ công tăng cao và nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế khi trung bình 11,3%/năm.

Mỗi năm Việt Nam phải dành khoảng 20% ngân sách để trả nợ công ảnh 1 xBáo cáo của VESS cũng nhấn mạnh, gánh nặng nợ công có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Việt Nam trong thập niên tới
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, về hình thức thì tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm, tuy nhiên tỷ lệ nợ công/thu NSNN lại tăng. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên số Ngân sách Nhà nước (NSNN) thu được cũng theo đó mà tăng nhanh.

So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam là khá cao so với ASEAN-5. “Về hình thức, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có vẻ vẫn thấp và trong tầm kiểm soát, tuy nhiên đó là do Việt Nam tính lại GDP và thực hiện cách tính ‘không giống ai’ này bắt đầu từ năm 2021, còn về bản chất con số nợ công thì vẫn không thay đổi, vẫn rất cao”, ông Anh nói.

Báo cáo của VESS cũng nhấn mạnh, gánh nặng nợ công có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Việt Nam trong thập niên tới.

Do đó, mục tiêu cao nhất của chính sách tài khóa vẫn phải là đảm bảo tính bền vững của nợ công với các biện pháp đi kèm như ổn định quy mô nợ công theo khả năng thu thuế, kiểm soát nghĩa vụ nợ/thu ngân sách, cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển, thu NSNN cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí – lệ phí mới. Thêm vào đó, chính sách tài khóa nên theo hướng nghịch chu kỳ, tạo đệm tài khóa trong thời kỳ khó khăn.

Các tin khác