Mở cửa du lịch, chờ tiếng nói chung

(ĐTTCO) - Những ngày này, ngành du lịch TPHCM và nhiều tỉnh/thành trên cả nước đang nhộn nhịp tái khởi động. Bên cạnh các tour nội tỉnh thì các tour liên tỉnh đang từng bước được kết nối. Thế nhưng sau đợt dịch lần thứ 4 ngành du lịch đang phải đối mặt với nhiều khó khăn mới mà để giải quyết cần sự chung tay của các bộ, ngành và địa phương. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn
Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt dịch lần thứ 4, nhưng ngay sau khi TPHCM áp dụng Chỉ thị 18 ngành du lịch cũng từng bước nỗ lực phục hồi. Bắt đầu từ những tour tri ân đội ngũ tuyến đầu tại các điểm du lịch vùng xanh là Củ Chi, Cần Giờ.
Tiếp đến các doanh nghiệp lữ hành lớn như Vietravel hay Saigontourist đã mở rộng bán các tour này cho du khách TPHCM. Không chỉ dừng lại ở tour nội vùng, TPHCM còn liên kết với các địa phương để mở lại du lịch liên tỉnh.
Cụ thể, ngày 18-10, tour du lịch ngoại tỉnh đầu tiên của TPHCM về Tây Ninh đã được khởi hành với gần 100 du khách. Đây là tour theo chương trình liên kết du lịch của 2 địa phương trong giai đoạn thí điểm. TPHCM cũng đang đẩy mạnh chương trình liên kết với các địa phương khác như Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… 
UBND TPHCM vừa có kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19 đến năm 2022.
Theo đó xác định lộ trình với 3 giai đoạn: (1) Từ nay đến 31-10, TP mở lại hoạt động du lịch nội vùng tại vùng xanh, theo tiến trình kiểm soát dịch của các địa phương.
(2) Từ 1-11 đến 31-12, TP mở các hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương, chủ yếu tại vùng xanh.
(3) Năm 2022, TP sẽ mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương và các quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết cùng với việc đưa khách từ TP đi các tỉnh, khách du lịch cả nước cũng có thể tới TPHCM bởi TP đã là điểm đến an toàn khi tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine ở mức rất cao. 
Tại chương trình triển khai kế hoạch phục hồi du lịch TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của TP, có tỷ lệ đóng góp vào GRDP của TP từ 10-12% trong giai đoạn trước dịch bệnh.
Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác.
Dẫn chứng sự phục hồi du lịch ở Thái Lan, bà Thắng cho hay tổng thu từ du lịch tính riêng trong tháng 7 năm nay tại Phuket là 828 triệu baht (gần 600 tỷ đồng), nhưng chi tiêu của khách đã giúp tạo ra đến 1,92 tỷ baht (gần 1.300 tỷ đồng) cho nền kinh tế địa phương cả trong và ngoài ngành du lịch.
Do đó, việc xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch TP là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với sự năng nổ của TPHCM trong việc phục hồi du lịch nội vùng và liên tỉnh, thì hầu hết các tỉnh/thành trên cả nước đều đang tái khởi động du lịch. Như Đà Nẵng có phương án đón khách nội địa trong giai đoạn đầu với nguồn du khách tại chỗ, từ ngày 20-10.
Từ tháng 11, TP Đà Nẵng triển khai mô hình "bong bóng du lịch", liên kết với một số tỉnh, thành khác. Tiếp đó, sẽ là giai đoạn "bình thường mới". Mở cửa sớm hơn Đà Nẵng, Lâm Đồng đã đón khách nội tỉnh từ tháng 9 và chính thức mở cửa với khách ngoại tỉnh từ 15-10, kèm theo các yêu cầu về kiểm soát dịch với du khách và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch… 
Các địa phương mở cửa, du khách cũng đang háo hức được đi du lịch sau thời gian dài phải ở nhà vì dịch.
Một khảo sát gần đây của Vietravel, cho thấy nhu cầu du lịch sau dịch của người dân là rất lớn. 80% người tham gia khảo sát cho biết rất muốn đi du lịch với điều kiện tiên quyết là an toàn, thậm chí khách còn chấp nhận du lịch với chất lượng dịch vụ chưa hoàn thiện.
Dường như các doanh nghiệp du lịch đang có cơ hội lớn để hồi sinh sau đợt dịch thứ 4. Song thực tế với các doanh nghiệp mọi chuyện vốn không đơn giản như vậy. 

Cần lắm tiếng nói chung
Khởi động lại hoạt động sau đợt dịch lần thứ 4 này, các doanh nghiệp đối mặt với không ít thách thức. Trong đó cái khó nhất chính là sự thiếu thống nhất về tiêu chí an toàn chung giữa các địa phương.
Hiện nay mỗi địa phương đều tự mình đưa ra các phương án an toàn riêng trong đón khách du lịch, cũng như điều kiện dành cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi chung của toàn ngành. Ai làm du lịch cũng hiểu việc mở cửa cho nội vùng, nội tỉnh chỉ là bước đầu, còn để du lịch thực sự trở lại thì cần điều kiện liên kết. Do đó, các địa phương cần sớm mở cửa liên vùng và thống nhất các tiêu chí an toàn. 
Thực tế lãnh đạo một số địa phương cũng nhìn thấy bất cập này. Tại tọa đàm phục hồi và phát triển du lịch mới đây, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: “Việc kết nối địa phương là hết sức quan trọng. Chính phủ đã có Nghị quyết 128 để địa phương thống nhất với nhau điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng thì không thể thực hiện mở cửa, phát triển du lịch được”.
Cũng theo ông Giang, sự phối hợp mở tour, tuyến của các tỉnh thành là cần thiết làm ngay trong thời điểm này. Vì nếu để khách đi tự phát sẽ không an toàn và không tạo được hiệu ứng phục hồi, trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, chia sẻ với 18 chi nhánh ở các địa phương mà công ty phải cập nhật thông tin mỗi ngày vì mỗi địa phương có những chính sách khác nhau. Điều này sẽ đặt các doanh nghiệp vào thế khó khi bán tour đại trà cũng như hình thành các sản phẩm mới theo yêu cầu đang thay đổi của du khách.
Nhiều doanh nghiệp cũng chung nhận định dịch đã khiến ngành du lịch đứt gãy chuỗi cung ứng nghiêm trọng, nay với việc mỗi địa phương một quy định thì khả năng kết nối chuỗi trở lại sẽ rất khó khăn. 
Vào ngày 18-10, Bộ VHTTDL ban hành Hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, thống nhất việc xét nghiệm y tế chỉ trong những trường hợp nhất định cho doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch, tổ chức/cá nhân quản lý khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch… Hướng dẫn này sẽ trở thành cơ sở để thống nhất quy định giữa các địa phương. 
Thế nhưng, các doanh nghiệp cũng chưa quá vui mừng, vì thực tế cho thấy hướng dẫn từ bộ như vậy nhưng việc thực thi ở từng địa phương không phải lúc nào cũng như kỳ vọng, vì nhiều nơi vẫn đặt tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống dịch lên hàng đầu.
Giai đoạn này được xem là bước đệm để chuẩn bị cho mùa cao điểm của du lịch nội địa cuối năm, nếu vẫn thiếu đi cái bắt tay, tiếng nói chung giữa các địa phương e rằng ngành du lịch sẽ khó phục hồi như mong muốn. 

Các tin khác