Minh bạch trong sản xuất, kinh doanh điện

(ĐTTCO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa báo lỗ hơn 16.500 tỷ đồng trong nửa năm 2022, đồng thời đề xuất được tăng giá điện. Nguyên nhân lỗ mà EVN đưa ra là giá nhiên liệu để sản xuất điện (than, dầu, khí...) tăng vọt từ đầu năm (chẳng hạn giá than nhập khẩu đã tăng gấp 2 lần, giá than trong nước cũng tăng 63%) làm chi phí sản xuất điện tăng cao. 

Tuy nhiên, vẫn có những điều khiến dư luận cảm thấy không bình thường. Bởi, năm 2021 - thời điểm rất khó khăn do đại dịch lan rộng khắp thế giới, giá nhiên liệu cũng đã tăng rất mạnh (như giá than nhập khẩu có thời điểm tăng 300%), nhưng EVN vẫn báo lãi tới 18.000 tỷ đồng. Tại sao vừa báo lãi kỷ lục năm ngoái nhưng chỉ nửa năm nay lại báo lỗ kỷ lục như vậy?

Dư luận cho rằng, việc đưa ra thông tin khó khăn tài chính, báo lỗ trong các tháng qua có thể là cái cớ và động thái để ngành điện xin tăng giá điện thời gian tới. Bởi, cùng với thông tin báo lỗ của EVN, mới đây Bộ Công thương cũng đưa ra dự thảo quyết định cho phép EVN được tăng giá điện sinh hoạt khi các chi phí đầu vào biến động, làm giá bán lẻ bình quân tăng từ 1% trở lên.

Theo con số EVN đưa ra, chi phí thực tế cho giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 đã tăng lên mức 1.915,59 đồng/kWh, nhưng giá bán lẻ điện bình quân hiện chỉ 1.864,44 đồng/kWh (áp dụng từ năm 2019 đến nay). Tức mức thực tế cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng. Trong khi, theo quy định hiện hành, các chi phí đầu vào phải tăng từ 3% trở lên mới được tăng giá điện. Như thế, nếu dự thảo này được thông qua, EVN sẽ “rất dễ” trong việc tăng giá điện.

Theo các chuyên gia, Bộ Công thương nên cân nhắc lại đề xuất này, bởi tỷ lệ 3% đã được áp dụng từ nhiều năm nay. Đồng thời, EVN cần minh bạch các chi phí, lời lãi trong sản xuất, mua bán điện. Thời gian gần đây, nguồn điện khá dồi dào, thậm chí dư thừa khi nhiều dự án điện mặt trời, điện gió bị bóp đầu ra, không thể chạy hết công suất. Trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu (trong đó có xăng dầu) tăng cao, gây lạm phát thì cho phép tăng giá điện vào thời điểm này sẽ càng gây khó khăn cho người tiêu dùng. 

Trường hợp cơ quan quản lý muốn thả lỏng điều kiện tăng giá điện thì cứ để giá điện được vận hành theo cơ chế thị trường. Tức khi giá đầu vào tăng cao, ngành điện có quyền tăng giá bán lẻ nhưng khi giá đầu vào giảm thì phải ngay lập tức giảm. Thậm chí có thể xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện theo mùa (có tăng có giảm) như nhiều nước đang áp dụng hoặc như cơ chế điều hành đang áp dụng với xăng dầu. Còn lâu nay, giá điện chỉ có tăng không giảm nhưng EVN vẫn kêu lỗ chỉ càng khiến dư luận bức xúc.

Kinh doanh có lúc lỗ, lúc lãi và mục tiêu là phải có lãi. Nhưng, với thị phần của EVN hiện nay (trên 46%), nếu cứ viện cớ lỗ để tăng giá thì khó chấp nhận. Vì vậy, về lâu dài cần sớm thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó, có thể nhân rộng mô hình nhà đầu tư bán thẳng điện cho nhà máy tiêu thụ mà không thông qua EVN; sửa luật để tư nhân có thể được đầu tư vào phân khúc truyền tải điện… Khi đó, việc đưa giá điện về sát thực tế, cạnh tranh hơn hoàn toàn khả thi.

Các tin khác