Liệu lạm phát ở Mỹ đã tới đỉnh?

(ĐTTCO) - Bộ Thương mại Mỹ trong một báo cáo vừa mới công bố đã đưa ra nhận định rằng, lạm phát của nước này đã ở vùng đỉnh. Nếu đúng như vậy, điều lo ngại tiếp theo là lạm phát sẽ giảm chậm hay nhanh, và liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ có đủ mạnh để giúp vượt qua một cuộc suy thoái?

Liệu lạm phát ở Mỹ đã tới đỉnh?
Căn cứ để xác định lạm phát đang ở vùng đỉnh?
Lạm phát theo chỉ số tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5 vừa qua ở mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua, khi nhảy lên 8,6%. Tuy vậy trước đó, Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, thông qua việc tăng lãi suất cũng như giảm bảng cân đối tài sản của mình.
Chỉ số CPI của người dân Mỹ tăng 0,2% trong tháng 5, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm. Không những vậy, khi số liệu được cập nhật điều chỉnh, chỉ số CPI tháng 4 chỉ tăng 0,6% thay vì 0,9%.
Tiêu dùng của người dân giảm trong bối cảnh lãi suất tăng, một số mặt hàng quan trọng đối với người dân Mỹ như ô tô cá nhân vẫn giữ giá cao, sẽ dẫn đến tồn kho của nhiều hàng hóa tiêu dùng khác tăng. Khi đó, dưới áp lực hàng tồn kho, các doanh nghiệp sẽ phải giảm giá, và có thể thấy lạm phát khó có lý do để tiếp tục tăng.
Liệu lạm phát ở Mỹ đã tới đỉnh? ảnh 1 % thay đổi PCE so với năm trước.
Với xu hướng tiêu dùng giảm, giá cả bắt đầu hạ nhiệt, Fed càng có lý do để hài lòng với chính sách kiểm soát lạm phát của mình. Và do đó, Fed có thể tiếp tục mục tiêu nâng lãi suất đến cuối năm lên mức 3%, hoặc hơn thế nữa, để từ đó dần đạt được lạm phát mục tiêu trong trung, dài hạn là 2%.
Bên cạnh tổng cầu giảm, thu nhập thực tế của người lao động cũng bị giảm, do tốc độ tăng lương không theo kịp tốc độ của lạm phát. Chẳng hạn, trong tháng 5 vừa qua, lạm phát tăng 8,6% nhưng tiền lương tăng trung bình 5,2%. Khi thu nhập thực tế giảm, áp lực tăng giá cũng sẽ bị giới hạn đáng kể.
Thêm một yếu tố nữa để ủng hộ cho nhận định lạm phát đang ở mức cao nhất, là giá hàng hóa nguyên liệu đã có sự chững lại và giảm trong thời gian qua. Từ đầu tháng 6, nhiều loại nguyên liệu đầu vào của công nghiệp và sản xuất đã giảm giá hoặc mức tăng đã giảm lại.
Giá dầu thô trong vòng 1 tháng qua đã giảm 5%, giá than đá giảm 10%, giá gas tự nhiên giảm 30%, giá đồng và thép giảm khoảng 20%, và dầu cọ giảm gần 30%.
Cuối cùng, sự kết hợp giữa tổng cầu giảm và các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng được nới lỏng, khi Trung Quốc gỡ bỏ dần các quy định hà khắc trong phong tỏa, sẽ là yếu tố quan trọng đến việc giảm áp lực tăng giá, từ đó có thể tin được rằng lạm phát đã đến vùng đỉnh của nó.
PCE hay là CPI?
Lạm phát ở Mỹ được đo lường bằng 2 chỉ số là CPI (Consumer Price Index) và PCE (Personal Consumption Expenditures). Nếu như công chúng và các phương tiện thông tin truyền thông để ý nhiều đến CPI, Fed lại quan tâm hơn đến PCE, và dựa vào PCE để đảm bảo thực hiện được mục tiêu lạm phát 2% của mình.
Trong tháng 5 vừa qua, trong khi CPI tăng 8,6% thì PCE tăng 6,3% và PCE lõi tăng 4,7%. Đáng nói, trước đó PCE lõi của tháng 4 tăng 4,9%. Như vậy chỉ số lạm phát được tính theo PCE đã có xu hướng chững lại và đi xuống.
Liệu lạm phát ở Mỹ đã tới đỉnh? ảnh 2 % thay đổi của CPI so với năm trước.
Sự khác nhau giữa chỉ số PCE và CPI ở chỗ CPI lấy số liệu từ người tiêu dùng, trong khi PCE lấy số liệu từ các doanh nghiệp. Không chỉ phạm vi quan sát (scope) khác nhau, tỷ trọng của các hàng hóa dịch vụ được đưa vào công thức tính cũng khác nhau.
Tuy nhiên, PCE sẽ phản ảnh sát với thực tế hơn yếu tố lạm phát thực. Lấy thí dụ, chỉ số giá cả tăng 10% nhưng nếu doanh nghiệp thực hiện khuyến mại giảm giá 5%, lạm phát thực đối với người tiêu dùng chỉ 5%.
Với nhiều khả năng các nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng dù có chậm lại cùng với tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh, kinh tế Mỹ và toàn cầu nói chung vẫn chưa đến cạnh bờ vực của một cuộc suy thoái.
Tuy vậy, mỗi nền kinh tế khác nhau sẽ có nguyên nhân cốt lõi của lạm phát khác nhau: xuất phát từ tổng cầu tăng nhanh, xuất phát từ chi phí đẩy, hoặc kết hợp nhiều yếu tố.
Với những tín hiệu tích cực ban đầu từ việc thực hiện chính sách tiền tệ của mình, hy vọng Fed có thêm một số yếu tố may mắn từ bên ngoài để giảm nhiệt được lạm phát, giúp nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu có một cú hạ cánh mềm.
 Sự kết hợp giữa tổng cầu giảm và các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng được nới lỏng, khi Trung Quốc gỡ bỏ dần các quy định hà khắc trong phong tỏa, sẽ là yếu tố quan trọng đến việc giảm áp lực tăng giá, từ đó có thể tin được rằng lạm phát đã đến vùng đỉnh của nó.

Các tin khác