Lạm phát châu Âu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam

(ĐTTCO)-Do lạm phát tại châu Âu tăng cao, người tiêu dùng châu Âu sẽ phải chi trả nhiều hơn cho mỗi món hàng được lựa chọn, xu hướng cắt giảm tiêu dùng là điều tất yếu xảy ra.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Những biến động gay gắt chính trị cùng cuộc chiến năng lượng ở châu Âu đã tạo nên làn sóng lạm phát mạnh mẽ tại khu vực này.

Không dừng lại ở đó, làn sóng này tạo nên hiệu ứng domino lan rộng toàn cầu; trong đó có Việt Nam. Dù từ trong thị trường nội địa, lạm phát được kiểm soát, nhưng các hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu gặp phải sự tác động đa chiều.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chia sẻ khi lạm phát tại châu Âu tăng cao, giá các mặt hàng biến động nhiều; trong đó có các sản phẩm lương thực, thực phẩm.

Theo báo cáo của Cơ quan thống kê dữ liệu eurostat của Liên minh châu Âu công bố ngày 1/7, lạm phát châu Âu đã xác định từ 8,5% đến 8,6%. Chính vì vậy, người tiêu dùng châu Âu sẽ phải chi trả nhiều hơn cho mỗi món hàng được lựa chọn, xu hướng cắt giảm tiêu dùng là điều tất yếu xảy ra.

Tuy nhiên, đối với mặt hàng thực phẩm như nông sản, thủy sản, dù muốn cắt giảm cũng sẽ rất khó. Chính vì vậy, các sản phẩm thủy sản vào thị trường châu Âu vẫn có rất nhiều cơ hội tiêu thụ từ nay cho đến cuối năm 2022. Trong khi đó, các sản phẩm thực phẩm giá thấp, có khả năng cạnh tranh với thủy sản Việt Nam chưa có thông tin đầy đủ.

Nhưng ông Trương Đình Hòe cho rằng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần cân nhắc kỹ trong việc tăng đơn hàng tại thị trường này, bởi thu hồi đồng euro và quy đổi sẽ mất đi giá trị, từ đó ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm từ nay cho đến cuối năm 2022.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong 20 năm đồng euro mất giá so với đồng USD. Riêng tại Mỹ, đây cũng là lần đầu tiên trong 40 năm nước Mỹ đối diện với lạm phát đỉnh điểm, có mặt hàng tăng giá 18% đến 19%.

Tuy nhiên, biến động của đồng euro một mặt gây khó khăn cho việc quy đổi đồng euro sang đồng Việt Nam, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, khi xảy ra lạm phát, điều này có nghĩa người tiêu dùng chi trả nhiều euro hơn cho một đơn vị hàng hóa. Khi quy đổi cũng sẽ trở nên tương xứng với giá thành sản xuất và các chi phí cộng lại.

Theo VASEP, thủy sản tại châu Âu đang tăng giá do xung đột giữa Nga và Ukraine cùng cấm vận thương mại gần đây gây ra tình trạng gián đoạn, thậm chí đứt gãy nhiều tuyến thương mại quan trọng của châu Âu.

Cá minh thái Alaska của Nga sang Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Giá cá ngừ tại thị trường châu Âu cũng tăng vọt do giá xăng dầu tăng mạnh đã làm tăng chi phí hoạt động của tàu khai thác và vận chuyển cá ngừ. Giá tôm, cá hồi đang tiếp tục tăng kể từ đầu năm 2022 nhờ thị trường phục hồi trong khi nguồn cung hạn hẹp.

VASEP nhận định việc thiếu hụt nguồn cung các loại thủy sản ở châu Âu đang tạo “cơ hội vàng” để sản phẩm cá tra Việt Nam tăng thị phần ở 2 thị trường này. Nếu trước đây, giá cá tra bình quân xuất khẩu đi châu Âu chỉ đạt 2,7 USD/kg, thì trong 6 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg. Giá cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ còn tăng mạnh hơn, đã lên tới mức 4,5 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay, trong khi trước đây cá tra xuất khẩu vào Mỹ thường chỉ đạt từ 2,9-3,1 USD/kg.

Lam phat chau Au gay tac dong da chieu den xuat khau thuy san Viet Nam hinh anh 2
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Đồng Tháp. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, chia sẻ kể từ khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt đầu có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định thượng tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam trở nên rộng đường vào châu Âu. Tuy nhiên, có những mặt hàng được tiêu dùng mang tính ổn định như ngành điều thì vẫn được người tiêu dùng châu Âu lựa chọn.

Theo ông Huyên, nếu như trong năm 2021, các khách hàng châu Âu đặt hàng nhưng chưa nhận được hàng do các quốc gia ứng phó dịch bệnh COVID-19 thì sang năm nay các đơn hàng được giao, người tiêu dùng được cung ứng sản phẩm, kéo theo đó, số lượng đơn hàng trong năm 2022 có phần chững lại cũng là điều bình thường.

Mặc dù lạm phát châu Âu tăng cao, nhưng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vẫn không thể dừng lại. Do đó, người tiêu dùng châu Âu vẫn sẽ dành chi phí cho thực phẩm. Điều này cho thấy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm không nên bi quan trước đợt sóng lạm phát cao của châu Âu và Mỹ hiện nay.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, từ diễn biến tiền tệ thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có động thái tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, khiến đồng USD tăng vọt, vượt qua đồng euro, làm cho 1 euro chỉ quy đổi được 0,99 USD, 19 quốc gia tại châu Âu sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã chịu tác động thiệt hại lớn về kinh tế. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Liên minh châu Âu sẽ phải có động thái điều chỉnh tiền tệ trong cộng đồng châu Âu để đưa nền kinh tế châu Âu trở về ổn định.

Các tin khác