Lãi suất VNĐ khó đứng yên

(ĐTTCO) - Đồng USD mạnh lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào ngày 4-5. Việc này tuy được dự báo trước nên không làm tỷ giá USD/VNĐ tăng quá lớn, nhưng sức ép lên tỷ giá vẫn hiện hữu và sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Vẫn giữ được vị thế VNĐ 
Ngày 4-5, Fed công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, lên mức 0,75-1%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 5-2020. Đồng thời, Fed cũng cho biết có khả năng tiếp tục xu hướng tăng lãi suất 0,5% tại cuộc họp FOMC tháng 6 và tháng 7. Điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của lợi suất Kho bạc Mỹ gần đây.
Ngay khi chờ đợi kết quả cuộc họp tháng 5, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 3% tính trong vòng 3 năm qua. Những ngày qua, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm có thời điểm giao dịch ở mức cao nhất 3,2%. Điều này đã hỗ trợ rất nhiều cho việc đồng USD nâng giá trị khi so sánh với các loại tiền tệ khác. Ghi nhận tại ngày 12-5, chỉ số Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104.003. 
Đối với Việt Nam, khi Fed tăng lãi suất, đồng USD mạnh lên,  sẽ tác động đến tỷ giá USD/VNĐ, nhưng nay vị thế của VNĐ đã tương đối khác so với giai đoạn năm 2018. Chẳng hạn vào ngày 16-3, Fed đã có đợt tăng lãi suất nhưng tỷ giá VNĐ/USD tại thời điểm cuối tháng 4 so với cuối năm 2021 chỉ tăng 0,57%, và cuối tháng 3 tăng 0,62%.
Mặc dù bị mất giá tương đối so với USD, song mức độ mất giá của VNĐ trong giai đoạn này được đánh giá ở mức thấp so với đồng tiền các nước châu Á khác. Nguyên nhân nhờ nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, nguồn vốn FDI giải ngân vẫn lạc quan, cán cân thương mại duy trì thặng dư.
Tiếp nối xu hướng đó, VNĐ hầu như đi ngang trong tuần đầu tiên của tháng 5 sau khi Fed tăng lãi suất, trái ngược với xu hướng giảm của các đồng tiền trong khu vực.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận định việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết đồng tiền khác, trong đó có VNĐ, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VNĐ. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VNĐ dự báo tăng không quá lớn. Nguyên nhân do đồng USD đến hết ngày 5-5 đã tăng gần 7% so với cuối năm 2021. Đồng thời, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao (trên 110 tỷ USD), góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá.
Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 4 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD, cả năm dự báo vẫn thặng dư (khoảng 4-8 tỷ USD) và NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường. 

Nhưng khó giữ yên lãi suất
Diễn biến hiện tại nhìn chung khá êm ả, tuy nhiên cũng không thể nói Việt Nam sẽ không chịu tác động trước sự kiện nói trên, nhất là khi ta đang nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023. Đầu tiên, dù các báo cáo đưa ra gần đây đều đánh giá tác động không quá lớn, nhưng đều có sự điều chỉnh dự báo tỷ giá năm 2022 tăng hơn so với kỳ tăng lãi suất hồi tháng 3 của Fed. Cụ thể, dự báo tỷ giá sẽ lên khoảng 1-1,2% trong năm nay so với mức dự báo tăng 0,5-1% trước đó. 
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, đồng USD mạnh sẽ tác động tỷ giá của VNĐ đối với USD, có lợi cho xuất khẩu nhưng bất lợi cho nhập khẩu, vì hàng nhập khẩu sẽ đắt hơn khi tỷ giá tăng. Giá trị USD tăng cũng làm tăng nợ công nước ngoài nếu tính ra VNĐ. 
Liên quan đến chính sách tiền tệ, các chuyên gia kinh tế nhận định NHNN Việt Nam cũng như NHTW các nước mới nổi ở châu Á chưa chịu áp lực tăng lãi suất ngay sau khi Fed nâng lãi suất, do lạm phát còn đang ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa tăng vọt nên có thể có chính sách thích ứng từ từ.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ bị  áp lực bởi lạm phát tăng lên cộng với chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh và đứt gãy chuỗi cung ứng. Với diễn biến đó, dù lạm phát trong các tháng qua không đến từ yếu tố tiền tệ, nhưng NHNN cũng phải ưu tiên kiểm soát lạm phát, không thể mạnh tay duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào cho hệ thống NH.
Trong khi đó, tín dụng lại tăng mạnh. Theo số liệu của NHNN, từ đầu năm đến 25-4, tăng trưởng tín dụng đạt 6,75%, nhưng huy động vốn tăng 3,35%. Tại TPHCM, tín dụng của các NH trên địa bàn tăng 7% trong 4 tháng đầu năm, nhưng huy động vốn chỉ tăng 2,74%. Tốc độ tăng trưởng huy động không theo kịp tốc độ cho vay gây áp lực lên thanh khoản hệ thống. Trên thị trường liên NH, lãi suất trong 3 ngày giao dịch đầu tiên của tháng 5 ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần lần lượt ở mức 1,7%, 2,11% và 2,28%/năm. 
Hiện tại, tỷ giá tại NHTM ổn định, nhưng tỷ giá trên thị trường tự do liên tục nổi sóng, lên mức 23.720-23.820 đồng/USD (mua vào - bán ra). Theo đó, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức lên đến 1.000 đồng, dẫn đến lo ngại tỷ giá tại các NHTM sẽ bị tác động. Trường hợp tỷ giá tại các NHTM chịu tác động, NHNN có thể phải tiếp tục thực hiện nghiệp vụ bán USD để ổn định thị trường, sẽ bồi thêm tác động tới thanh khoản tiền đồng trong hệ thống vì VNĐ sẽ bị hút về. 
NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhưng trước xu hướng tăng lãi suất của các NHTW, NHNN sẽ không thể cắt giảm thêm lãi suất điều hành mà chỉ có thể không nâng lên trong vòng 3-6 tháng tới để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Như vậy, để cải thiện thanh khoản, các NH bắt buộc phải tăng lãi suất.
Trên mặt bằng chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3-0,5% trong 4 tháng đầu năm tại các NHTMCP. Mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên NH. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng và diễn biến lạm phát trong các quý tới, cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tăng của lãi suất huy động.
Dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, Công ty Chứng khoán VCB (VCBS) dự báo lãi suất huy động còn có thể tiếp tục tăng. 
 Dù NHNN định hướng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng lãi suất cho vay khó tránh khỏi những áp lực nhất định.

Các tin khác