Kiến nghị cho các hãng hàng không vay 4.000 - 6.000 tỉ đồng, lãi suất 0%

(ĐTTCO)-Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho các hãng hàng không vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỉ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines.
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không gặp khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không gặp khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị có những giải pháp để hỗ trợ các hãng hàng không.

Theo hiệp hội này, từ khi bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80-90%; dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng; các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt. Báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam đều cho thấy nhu cầu cần được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn là cấp bách và quan trọng nhất.

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận và có văn bản kiến nghị Chính phủ và Quốc hội, các bộ ngành liên quan cho các hãng hàng không khác vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỉ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỉ đồng, vay tối đa 3 năm).

Đồng thời, cho các hãng hàng không được vay gói 25.000 - 30.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất (Nhà nước cấp bù lãi suất 4-5%) cho các hãng hàng không. Mục đích là nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch.

Hiệp hội cũng kiến nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu trong biểu thuế, tức là về mức 1.000 đồng/lít; trong năm 2022 áp dụng khung giá với mức tối thiểu bằng 50% mức tối thiểu, mức tối đa bằng 50% mức tối đa về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa để góp phần kích cầu du lịch.

Lý do cần ưu tiên hỗ trợ hãng hàng không được hiệp hội giải thích là vì ngành hàng không có tính lan tỏa rộng, là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Hàng không phát triển sẽ duy trì sức lan tỏa kinh tế tới các ngành khác; kết nối các chuỗi cung cấp, chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị; và góp phần tích cực trong việc phục hồi, phát triển kinh tế nước ta sau dịch…

Trước đó, tháng 10-2021, báo cáo Thủ tướng về các kiến nghị tương tự của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho biết với các kiến nghị của các hãng hàng không thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã có các thông tư, quyết định để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi, phí… với các hãng.

Còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho vay gói tái cấp vốn với các hãng hàng không có lãi suất 0%, thời hạn tối đa 3 năm không thuộc thẩm quyền của cơ quan này. Việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ Vietnam Airlines gói tái cấp vốn này là theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Với kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng không được vay gói hỗ trợ 25.000 tỉ đồng ngân sách cấp bù lãi suất 4%, Ngân hàng Nhà nước cho rằng thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Các tin khác