Khát vọng trung tâm tài chính là có cơ sở

(ĐTTCO)-TPHCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại và trung tâm tài chính (TTTC) quốc gia. Khát vọng của TP không chỉ là duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước, mà còn thu hẹp và tiến tới bắt kịp các TP thành công trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung. Trong thời đại toàn cầu hóa toàn diện về thương mại, đầu tư, tài chính và công nghệ, để đạt được khát vọng này TP phải bắt nhịp với xu thế của thời đại, biến mình trở thành TTTC của khu vực và từng bước tiến lên phạm vi toàn cầu.
Lãnh đạo TPHCM và đại diện Chính phủ cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM. Ảnh HOÀNG HÙNG
Lãnh đạo TPHCM và đại diện Chính phủ cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM. Ảnh HOÀNG HÙNG
Sự cần thiết 
Trong tầm nhìn chiến lược phát triển của lãnh đạo TP , việc trở thành TTTC quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang bị chững lại so với các đô thị khác trong nước và đang tụt hậu với các đô thị thành công trong khu vực.
Thế nhưng, giữa bối cảnh và điều kiện hiện tại của TPHCM và tầm nhìn chiến lược này còn rất nhiều khoảng cách. Nhìn ra bên ngoài, TPHCM vẫn còn tụt hậu tương đối xa so với các đô thị trong khu vực như Seoul, Thượng Hải, Kuala Lumpur, hoặc ngay cả Bangkok. Nhìn vào bên trong, khoảng cách về quy mô kinh tế giữa Hà Nội và TPHCM ngày càng thu hẹp.
Nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Bình Dương hay Quảng Ninh đang vươn lên mạnh mẽ, thậm chí đóng vai trò tạo cảm hứng cho các địa phương khác, và dần trở thành các đô thị động lực của đất nước. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp cho GDP cả nước gần như không đổi, cho thấy tốc độ tăng trưởng năng suất của TPHCM không cao hơn mặt bằng chung của toàn nền kinh tế. 
Không những thế, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TPHCM giảm mạnh, từ mức 26% giai đoạn 2007-2010 xuống chỉ còn 18% giai đoạn 2017-2020. Điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải, ách tắc và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.
Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP như một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư, và do vậy tác động tiêu cực tới triển vọng phát triển TP trở thành TTTC khu vực và quốc tế.
Bối cảnh này đặt ra yêu cầu đối với TPHCM trong việc lựa chọn chiến lược phát triển tạo sự đột phá nhằm nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, mức sống và chất lượng sống của người dân, củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng vị thế và tầm quan trọng của TP ở Việt Nam và trong khu vực.
Sự phát triển mạnh mẽ của TPHCM sẽ củng cố động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên trường quốc tế.
Nhìn ra toàn cầu, trong khi nước Anh vướng bận với Brexit, kinh tế các nước châu Âu chưa thực sự phục hồi, nước Mỹ bất định bởi những chính sách thất thường của chính phủ đương nhiệm, Trung Quốc đang đối diện với nhiều rủi ro thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, các sản phẩm tài chính thế hệ mới đa dạng và khó nắm bắt, thị trường tài chính quốc tế đang trải qua thời kỳ chuyển biến cạnh tranh mạnh mẽ để củng cố và/hoặc bứt phá vị thế của mình.
Nhìn lại khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế đang phục hồi, đồng thời sự hợp tác phát triển chặt chẽ hơn của cộng đồng chung ASEAN. Bên cạnh đó, sự hợp tác giao thương rộng mở của khu vực Thái Bình Dương với hiệp định CPTPP, sự chủ động hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu... là những yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển của TPHCM như một TTTC khu vực và quốc tế.
Khát vọng trung tâm tài chính là có cơ sở ảnh 1 Một góc TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đã có trong định hướng phát triển của Trung ương và Chính phủ
Nghị quyết 16-NQ-TW (2012) ghi nhận “TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tầu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”. 
Nghị quyết đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020: “Xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Quyết định 2631/QĐ-TTg ngày 31-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025” - xác định mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành TTTC mang tầm khu vực Đông Nam Á trong đó tài chính - tín dụng - ngân hàng là những nhóm ngành chủ đạo trong 9 nhóm ngành dịch vụ mà TP định hướng tập trung phát triển.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt mục tiêu “Phát triển TPHCM sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.
Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020 - xác định sự phát triển của thị trường tài chính là 1 trong 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Có thể thấy cả Đảng và Chính phủ đều thống nhất quan điểm thừa nhận vị thế vốn có và định hướng phát triển TPHCM như một đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ hàng đầu trong nước.
Nhận định này dựa trên thực tế khách quan về sự tăng trưởng, phát triển và cơ hội tiềm tàng của TPHCM trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vị thế của TPHCM càng trở nên quan trọng và được củng cố khi đặt trong mối liên kết vùng TPHCM (bao gồm 7 tỉnh lân cận: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang). 
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính lũy kế tổng vốn đầu tư FDI đăng ký các dự án còn hiệu lực đến ngày 20-3-2019, Vùng TPHCM chiếm trên 45%, trong khi Vùng Hà Nội (Hà Nội + 9 tỉnh lân cận bao gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang) chiếm tỷ trọng chưa đến 25%.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, toàn vùng Đông Nam bộ đóng góp trên 45% GDP, trên 42% tổng thu ngân sách, 57% sản lượng công nghiệp, 46% sản lượng dịch vụ, và trên 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thuận lợi và thách thức
Trong suốt ba thập niên kể từ đổi mới, mặc dù còn nhiều hạn chế, TPHCM luôn duy trì được vị trí tiên phong về phát triển kinh tế. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9,36% dân số và 0,63% diện tích, nhưng trong năm 2018, TP đã tạo ra khoảng 24% GDP, 26,62% số thu ngân sách, thu hút 22% nguồn vốn FDI của cả nước.
Xét về hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổng vốn huy động trên địa bàn TPHCM chiếm 27,2% tổng vốn huy động cả nước vào cuối năm 2018. Tổng dư nợ cho vay ở TPHCM cũng chiếm tới 28,1% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trên thị trường vốn, tổng giá trị vốn hóa tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) chiếm 93,5% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 57,4% GDP cả nước. 
Vị thế và tầm quan trọng của TPHCM trong nền kinh tế Việt Nam, đặt ra nhu cầu cấp thiết đối với TP và Trung ương trong việc lựa chọn chiến lược phát triển tạo sự đột phá cho TP, để TP tiếp tục là động lực tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, TPHCM trước hết cần đóng vai trò TTTC cung cấp sản phẩm dịch vụ hỗ trợ sự phát triển kinh tế cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm TPHCM và cả nước, tiến tới trở thành TTTC khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa.
Tuy nhiên, trong bất kỳ lĩnh vực nào thì vốn con người cũng đóng vai trò quan trọng. Đối với TTTC, nguồn nhân sự kỹ năng, chất lượng cao đặc biệt thiết yếu. Bên cạnh số lượng và chất lượng của nhân sự, tính linh hoạt của thị trường lao động cũng là một điểm cần lưu ý. Đây cũng là yếu điểm của TTTC Paris so với London hay New York. Ngoài ra, năng lực tiếng Anh cũng mang lại lợi điểm cho sự hình thành của một số TTTC quốc tế.
Để có thể cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao, sự phát triển của hệ thống giáo dục là điều không thể thiếu. Đồng thời, chất lượng môi trường sống cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút và lưu giữ vốn con người cho các TTTC.
Để thu hút được các tổ chức, công ty, dịch vụ tài chính, hiển nhiên môi trường kinh doanh phải có tính cạnh tranh cao. Trước tiên phải kể đến tính ổn định chính trị của nơi muốn hình thành TTTC. Không thể hình thành TTTC ở những nơi chiến tranh, xung đột chính trị xảy ra thường xuyên, bởi có thể dễ dàng nhận thấy điều này ảnh hưởng rất lớn tới rủi ro kinh doanh và cả chất lượng sống. Tuy nhiên, khi có nền chính trị ổn định nhưng thiếu thượng tôn pháp luật, môi trường thể chế và điều tiết không thuận lợi thì rủi ro kinh doanh cũng vẫn rất lớn.
Bên cạnh những yếu tố cần thiết trên, môi trường kinh tế vĩ mô và các chính sách thuế, phí cạnh tranh là những điểm quan trọng để có thể thu hút các tổ chức, công ty tài chính, các dịch vụ hỗ trợ cũng như nhân sự của ngành. Các tổ chức cũng như các nhà đầu tư tài chính đặc biệt quan tâm tới sự tối giảm chi phí, cả về thời gian và tiền bạc. Hệ thống tòa án hiệu quả ở các nước theo truyền thống thông luật (common law) là một ưu thế lớn với rất nhiều TTTC quốc tế.
Các TTTC thường được nhận diện bởi các tòa nhà chọc trời, mật độ người làm việc trong khu vực CBD cao. Điều này đòi hỏi không chỉ phát triển về mặt xây dựng cao ốc văn phòng nơi làm việc, khách sạn, nhà ở cho các đối tượng lao động ngắn hạn, dài hạn ở TTTC, mà còn phải lưu tâm phát triển giao thông đô thị, hạn chế tối đa ùn tắc không chỉ trong khu vực làm việc mà cả kết nối với nơi tập trung cư dân. Hệ thống kết nối liên vùng, sân bay kết nối quốc tế... cũng là những yếu tố liên quan trực tiếp về khía cạnh cơ sở hạ tầng giao thông.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng cứng, TTTC đòi hỏi sự phát triển vượt bậc của cơ sở hạ tầng mềm, công nghệ thông tin, an toàn mạng… Các giải pháp công nghệ hỗ trợ dịch vụ tài chính, đường truyền internet tốc độ cao, băng thông rộng, mức độ ổn định cao... đều là những yếu tố quan trọng đối với các TTTC. Tháng 8-2013, sự cố kỹ thuật làm gián đoạn giao dịch 3 giờ trên thị trường Nasdaq đã gây ảnh hưởng rất lớn cả về uy tín lẫn tài chính với sàn giao dịch này. 
Khát vọng trung tâm tài chính là có cơ sở ảnh 2 Một góc TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Vị thế so sánh của TPHCM và quốc tế
Trên bình diện quốc tế, khi so sánh với các đô thị khác trong vùng, 2 tiêu chí quan trọng là sức hút thương mại (commercial attraction) và quy mô kinh tế (economic size), thì Hà Nội và TPHCM đều đang đứng cuối bảng trong số 12 TP trong khu vực - nhóm được xem là đối thủ cạnh tranh, đồng thời là mục tiêu hướng tới của TP. Tuy nhiên, xét giữa TPHCM và Hà Nội thì cả 2 tiêu chí TPHCM đều vượt trội với thứ hạng.
Tương tự như vậy, Báo cáo nhan đề “Các TP toàn cầu” (Global Cities) của A.T. Kerney năm 2018, cũng cho thấy TPHCM đứng thứ 80 - thấp nhất trong số các TP cạnh tranh trong khu vực. Không những thế, với những vấn đề cố hữu ngày càng trở nên nghiêm trọng, A.T. Kerney cho rằng xếp hạng của TPHCM sẽ giảm từ mức 80 hiện nay xuống 83 trong tương lai. Tuy nhiên, báo cáo này cũng mở ra hy vọng cho TPHCM khi triển vọng của rất nhiều TP trong khu vực được dự báo giảm đi đáng kể như Jakarta, Mumbai, Thượng Hải, Bangkok, Hồng Kông.
Xét trên bình diện quốc gia, Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (2018) cho thấy Việt Nam có lợi thế về quy mô thị trường (đứng thứ 29/140), hệ thống tài chính đứng ở vị trí thứ 59/140, hứa hẹn triển vọng nhưng chưa thật phát triển bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là thị trường sản phẩm còn yếu (thứ 102), môi trường kinh doanh kém năng động (thứ 101) với các thể chế yếu kém (thứ 94), thị trường lao động kém (thứ 90), với kỹ năng lao động thấp (thứ 97), khả năng đổi mới sáng tạo hạn chế (thứ 82), khả năng áp dụng công nghệ ICT thấp (thứ 95). 
Tuy nhiên, trong bối cảnh triển vọng thị trường có nhiều biến động, với những lợi thế tự nhiên sẵn có, nếu Việt Nam quyết tâm đổi mới, thay đổi thể chế thì năng lực cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế có thể có nhiều bước tiến vượt bậc.
Thí dụ, mới đây Abivin, một startup Việt Nam, đã vượt qua nhiều doanh nghiệp đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới, giành giải cao nhất tại cuộc thi Startup World Cup 2019. Đây là cuộc thi về khởi nghiệp hàng đầu thế giới, quy tụ các doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp thế giới, bao gồm cả các nước phát triển và có danh tiếng trong lĩnh vực công nghệ như Nhật, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc...
Điều này cho thấy điểm tích cực của Việt Nam về đội ngũ công nghệ thông tin tiềm năng, chất lượng cao. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có tiếng vang quốc tế vừa tạo sức hút để các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital, VC) chảy vào, vừa tạo thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính trong nước. 

Đã có hình hài hệ thống tài chính đủ chuẩn
Hệ thống tài chính Việt Nam nhìn chung vẫn dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đến cuối năm 2018, tổng tài sản của các định chế tài chính Việt Nam ước đạt 203% GDP, trong đó tỷ trọng tài sản của các tổ chức tín dụng là 95,5%. Các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chiếm 3,4%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chiếm 1,1%.
Với cấu trúc thị trường như vậy, vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn thông qua hệ thống tín dụng ngân hàng, trong khi vốn từ thị trường cho nền kinh tế theo giá trị phát hành thực tế trong năm 2018 vào khoảng 14%.
Với những diễn biến tích cực của thị trường từ cuối 2017, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam đạt khoảng 75% GDP cuối năm 2018, trong khi quy mô thị trường trái phiếu chính phủ khoảng 27% GDP. Nếu so với các nước trong khu vực theo Dữ liệu của WDI (2017), quy mô tương đối của thị trường cổ phiếu Việt Nam nhỏ hơn hầu hết các nước có thị trường tài chính phát triển. Tuy nhiên nếu sử dụng con số 75% GDP, thì Việt Nam ở mức trung bình của vùng châu Âu và Trung Á. 
Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển của thị trường cổ phiếu ở Việt Nam khá tốt với xu hướng thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trong nước cũng như có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và triển vọng mở ra trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Theo Báo cáo thường niên 2018 của HOSE, tính đến 31-12-2018, HOSE có tổng cộng 426 mã chứng khoán niêm yết, trong đó có 373 mã cổ phiếu, 48 trái phiếu công ty và chính quyền địa phương, 2 chứng chỉ quỹ đóng, 1 chứng chỉ quỹ đầu tư bất động sản (REIT) và 2 chứng chỉ quỹ ETF (thực chất là quỹ mở niêm yết). Vốn hóa thị trường tại HOSE đạt 2,87 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết cả nước, tương đương gần 52% GDP năm 2018. 
Một yếu tố tích cực khác là tháng 9-2018, tổ chức FTSE Russel đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách để xem xét nâng hạng từ Thị trường cận biên lên thành Thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market).
Như vậy ngoài sản phẩm truyền thống là cổ phiếu, thị trường chứng khoán TPHCM có thêm các sản phẩm như trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính quyền địa phương, ETF, bắt đầu có giao dịch chứng quyền có đảm bảo từ đầu 2018 và giao dịch phái sinh từ 2017. Tuy nhiên, quy mô thị trường còn rất nhỏ.
Thí dụ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cuối 2018 chỉ đạt khoảng 7% GDP, cao hơn Indonesia (2,9% GDP) và Philippines (6,5% GDP) nhưng thấp hơn nhiều mức bình quân các nước trong khu vực (21% GDP).
Tóm lại, tuy đã có hình hài tương đối đầy đủ của một hệ thống tài chính tiêu chuẩn, nhưng TPHCM cho đến nay vẫn chưa được xem là một TTTC quốc tế (toàn cầu hay khu vực). Trong khi đó, nhiều nền kinh tế trong khu vực đều có các TP lớn của mình được xác định là TTTC quốc tế. Theo Chỉ số TTTC Toàn cầu (The Global Financial Centres Index 25) công bố vào tháng 3-2019, trong số 102 TTTC hàng đầu trên thế giới được xếp hạng, khu vực Đông và Đông Nam Á có 16 trung tâm.
Ở cấp độ TTTC quốc tế, khu vực Đông Á và Đông Nam Á có Kuala Lumpur và Seoul là 2 TP nằm trong danh sách nhóm đã định danh (established international), Busan, Quảng Châu và Đài Bắc ở trong nhóm chuyên sâu (international specialists), Đại Liên, Hàng Châu và Jakarta nằm trong nhóm thị trường tiềm năng (international contenders).
Ở cấp độ khu vực địa phương, Đông Á và Đông Nam Á có Osaka được đánh giá là TTTC đã định danh (established player). Cũng ở cấp độ khu vực địa phương, Manila và Thiên Tân (tính cả châu Á còn có còn có Mumbai) là các TTTC được đánh giá đang phát triển nhanh (evolving centres).
Theo dõi bảng xếp hạng của GFCI trong hơn một thập kỷ vừa qua cho thấy sự xuất hiện và dịch chuyển vị thế đáng kể của các TTTC trên thế giới, đặc biệt là trường hợp của Bắc Kinh và Thượng Hải theo chiều hướng đi lên và Đài Bắc, Seoul, Mumbai, Manila theo chiều hướng đi xuống.
Điều này gợi ý TPHCM có thể kỳ vọng xuất hiện trên bản đồ IFC như một TTTC phát triển bắt kịp các chuẩn mực quốc tế và tiến tới cải thiện vị thế trên trường quốc tế.
------------------
Trích “Đề án phát triển TPHCM thành TTTC quốc tế” của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV)

Các tin khác