Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi

(ĐTTCO)-Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội lên tới 350 nghìn tỷ đồng; hệ thống doanh nghiệp và hạ tầng kinh tế nếu được phục hồi sẽ tiếp thêm sức sống mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). (Ảnh: TTXVN)
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). (Ảnh: TTXVN)

Năm 2021 là một năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam nhưng đây cũng là năm khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo Việt Nam trong chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội, giúp cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân giữ vững lòng tin và niềm lạc quan về triển vọng phục hồi tích cực của đất nước trong năm mới 2022.

Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn với quy mô 350 nghìn tỷ đồng.

Quốc hội đã cấp bách thông qua Nghị quyết đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của nhân dân; vì vậy cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải nhanh chóng triển khai Nghị quyết của Quốc hội để sớm phục hồi nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, chiều 21/1, báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp và những kỳ vọng về chương trình phát triển bền vững năm 2022.”

Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vừa được Quốc hội thông qua với quy mô gói hỗ trợ lên tới 350 nghìn tỷ đồng.

Để có nguồn lực thực hiện, Quốc hội đã cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong hai năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP một năm, tối đa 240.000 tỷ đồng, cùng với đó là một số cơ chế đặc thù.

Đây là gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được thực thi trong hai năm nhưng tác động là cho trung và dài hạn. Nếu phục hồi được hệ thống doanh nghiệp và toàn bộ hạ tầng kinh tế sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững, tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế.

Ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá các chương trình phục hồi kinh tế chắc chắn có tác động rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và tiến trình phục hồi kinh tế của nước ta sau đỉnh dịch COVID-19.

Theo ông Thành, nếu không có chương trình này thì kinh tế Việt Nam vẫn có thể phục hồi sau đại dịch nhưng chỉ tăng trưởng khoảng 4,5-5%. Còn nếu có các chương trình, các gói hỗ trợ thì tăng trưởng kinh tế của năm nay hoặc năm sau mỗi năm có thể tăng thêm 1-1,5%.

Ông Thành cho rằng một nền kinh tế đòi hỏi tăng trưởng nhanh như Việt Nam là vấn đề về việc làm. Chương trình này sẽ cải thiện điều đó. Chúng ta đặt ra mục tiêu, khát vọng năm 2030, tầm nhìn 2045 là nước có thu nhập trung bình cao. Dưới những câu chuyện lớn lao là câu chuyện vi mô về vấn đề việc làm, kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, những ý tưởng ban đầu đặt ra cho chương trình này là bên cạnh vượt khó, bắt nhịp với đà phục hồi kinh tế thế giới thì phải góp phần đặt ra những nền tảng để Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững trong những năm tiếp theo.

Tác động quan trọng hơn nữa là những cơ chế đặc thù ví dụ như chỉ định thầu, TPP, đầu tư công, đầu vào cho phát triển hạ tầng, phân cấp phân quyền trong làm đường cao tốc, trách nhiệm của địa phương và Bộ Giao thông vận tải... Ông Thành cho rằng mặc dù việc thực hiện chương trình này có thời hạn tuy nhiên đó sẽ là bài học kinh nghiệm rất tốt cho Việt Nam trong việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Ho tro doanh nghiep phat trien, tiep suc cho nen kinh te phuc hoi hinh anh 2
Công nhân làm việc trong xưởng may hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân đánh giá rất cao sự kết hợp hiệu quả, kịp thời và hài hòa giữa Quốc hội và Chính phủ thời gian qua. "Với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng tôi, tâm lý thấy vô cùng phấn khởi. Bởi khi có chính sách hỗ trợ, các cấp điều hành sẽ dễ dàng đưa chính sách đi vào cuộc sống sớm hơn, mạnh mẽ hơn," ông Thân chia sẻ.

"Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng về chương trình này. Hy vọng ngay trong những ngày tháng đầu tiên của năm mới 2022, hành động của Chính phủ vốn nhanh, thì các thông tư, nghị định cũng được ban hành kịp thời," ông Nguyễn Văn Thân nêu rõ.

Để triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển, tránh tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh cần phải đúng, không chỉ đối tượng mà còn đúng thời điểm.

Theo ông Thành, vấn đề hấp thụ được nguồn lực để thực hiện được chương trình này có rất nhiều điều phải quan tâm: Thứ nhất, phải cụ thể hóa quy trình, thủ tục mặc dù khung, một số cơ chế đặc thù Quốc hội đã thông qua. Ví dụ như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ 2% thì đối tượng nào? Thứ hai, bản thân việc phối hợp chính sách tài khóa-tiền tệ là rất quan trọng. Thứ ba là vai trò của người đứng đầu; thứ tư là giám sát, công tác này phải thường xuyên và cuối cùng là thông tin và truyền thông.

Ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh từ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần có kế hoạch, biện pháp để triển khai cụ thể, nhanh chóng. Phải thực hiện, cụ thể hoá Nghị quyết một cách khẩn trương, quyết liệt.

Để các gói hỗ trợ phát huy hiệu quả một cách tốt nhất thì cần thay đổi tư duy “sợ việc, ngại làm, sợ trách nhiệm” của một số cán bộ, lãnh đạo..., Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải hành động quyết liệt hơn, khẩn trương hơn, hiệu quả hơn.

Các tin khác