Hệ thống tài chính toàn cầu đang thay đổi (phần 2)

(ĐTTCO)-Hệ thống tài chính toàn cầu đã, đang và sẽ chịu tác động không nhỏ bởi diễn biến phức tạp khó lường của dịch Covid-19, kéo theo nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu đang hiện hữu. Mặc dù nguy cơ bong bóng tài chính và chứng khoán toàn cầu khó xảy ra, song không thể loại trừ nguy cơ sụt giảm, đảo chiều mạnh trước khi thực sự hồi phục bền vững. 

Thực tế, các dấu hiệu rủi ro chính đối với hệ thống tài chính toàn cầu mặc dù đã được nhận diện và cảnh báo song vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, bùng phát, thậm chí kéo dài 2-3 năm tới (giai đoạn 2021-2023, đáng lo ngại là dạng nguy cơ “Tê giác xám”). Và Việt Nam cũng không ngoại lệ. 

Thách thức hệ thống tài chính Việt Nam

Nhìn từ hệ thống tài chính toàn cầu
Thứ nhất là dấu hiệu rủi ro bất ổn nợ. Đầu tiên “bom nợ” vẫn là nguy cơ lớn nhất, kể cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp.
Năm 2021 mặc dù áp lực nợ công và thâm hụt tài khóa không lớn như năm 2020 song vẫn còn ở mức cao, đặc biệt tại các nước phát triển, khiến gánh nặng nợ toàn cầu tiếp tục tăng lên tới 365-370% GDP; tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc dự báo sẽ tăng 10-30% giai đoạn 2021-2022.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) dù đã ổn định hơn từ cuối năm 2020, song vẫn có nguy cơ sụt giảm năm 2021-2022. Theo dự báo IMF (tháng 4-2021), nếu tiến trình cung ứng vaccine xấu hơn so với kịch bản cơ sở, dòng vốn FII sẽ giảm khoảng 25% so với năm 2020 (ở mức -110 tỷ USD toàn cầu).
Với “bom nợ” này, khi lãi suất tăng lên, thanh khoản thị trường giảm, trách nhiệm trả nợ tăng theo, sẽ là gánh nặng và rủi ro tài chính khó lường, nhất là các nước đang phát triển và mới nổi vốn dĩ dễ bị tổn thương và khả năng tiếp cận vaccine khó khăn hơn.
Kế đến thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bất động sản (BĐS) vẫn tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm do sự phục hồi chưa bền vững của nền kinh tế thực.
Kéo theo đó là nguy cơ và những thách thức mới với hệ thống ngân hàng toàn cầu, dù khả năng chống chịu rủi ro của hệ thống ngân hàng ngày càng tốt hơn (rủi ro nợ xấu, ngân hàng ngầm – shadow banking ngày càng lớn và tinh vi, sự phát triển của các giao dịch xuyên biên giới, an ninh mạng và tội phạm tài chính…). 
Thứ hai là nguy cơ “phục hồi chưa chắc chắn và không đồng đều” của nền kinh tế toàn cầu khiến rủi ro tài chính gia tăng. Minh chứng là cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do dịch Covid-19 đã khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sụt giảm -3,3% so với năm 2019 - mức thấp nhất kể từ năm 1930; và đà phục hồi dự báo ở mức tăng trưởng 6% năm 2021 và 4,4% năm 2022 (IMF, tháng 4-2021).
Thế nhưng, quá trình phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc phát triển, cung cấp, phân phối và tiêm chủng vaccine trên phạm vi toàn cầu. Theo CitiResearch (tháng 2-2021), vaccine sẽ giúp GDP toàn cầu tăng trưởng thêm 4,1 điểm % giai đoạn 2021-2022 thông qua việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy nhu cầu đầu tư, thương mại, tiêu dùng.
Hệ thống tài chính toàn cầu đang thay đổi (phần 2) ảnh 1
Song việc phân phối vaccine đang đối diện với nhiều khó khăn, đáng lo ngại nhất là “tình trạng bất bình đẳng, không đồng đều, yếu tố tâm lý”. Đây sẽ là yếu tố tiêu cực khiến đà phục hồi kinh tế bị chậm lại, kéo dài và mức độ phục hồi “không chắc chắn”, từ đó có thể làm tăng rủi ro tài chính. 
Ngoài ra, biến động địa chính trị còn phức tạp khiến giá vàng, giá dầu biến động mạnh, có tác động đến thị trường tài chính toàn cầu cũng là một thách thức lớn; áp lực lạm phát tăng, lãi suất tăng và xu hướng giảm dần các gói nới lỏng định lượng; xu hướng bảo hộ thương mại; cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn leo thang và khó đoán; sự biến động mạnh và khó đoán hơn của giá cả hàng hóa thế giới…đều khiến rủi ro bất ổn tài chính gia tăng.
Thứ ba là nguy cơ do thể chế không theo kịp sự phát triển của thị trường tài chính, giải pháp ứng phó dịch bệnh và cơ chế phối hợp kém hiệu quả. Bởi lẽ bối cảnh năm 2020 và sau này cũng đặt ra nhiều thách thức khi mà thể chế chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và tài chính-tiền tệ số, đồng thời sự xuất hiện của các bất ổn mới chưa từng có (sự mất dần kết nối giữa thị trường tài chính và nền kinh tế thực; rủi ro nợ của khu vực chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình và tổ chức tài chính phi ngân hàng…).
Ngoài ra các gói hỗ trợ và nới lỏng các điều kiện tài chính toàn cầu (đặc biệt từ quý II-2020) được kỳ vọng sẽ giúp hồi phục nền kinh tế, song cũng có thể có hệ lụy tiêu cực nếu không hiệu quả như rủi ro bong bóng tài sản và lạm phát, rủi ro nợ xấu tăng (do hạ chuẩn cho vay hoặc đảo nợ và sức khỏe tài chính của bên vay yếu đi)…
Thêm vào đó, sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu, ưu tiên chính sách và phối hợp kém hiệu quả có thể khiến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu rơi vào vòng xoáy rủi ro mới trong thời gian tới.
Thứ tư là tội phạm tài chính ngày càng gia tăng. Theo Công ty phần mềm an ninh mạng (McAfee) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tội phạm mạng là nguyên nhân khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 1,2% GDP (hơn 1.000 tỷ USD năm 2020), tăng 50% so với năm 2018 và nhiều thiệt hại vô hình khác.
Đáng chú ý, xu hướng tội phạm tài chính gia tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo Công ty tư vấn EMR (2020), thị trường cung cấp giải pháp quản lý, kiểm soát tội phạm tài chính toàn cầu có giá trị khoảng 1.100 tỷ USD, và dự báo tăng khoảng 5,7%/năm giai đoạn 2021-2025.
Bốn lý do chính mà Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) đưa ra: (i) dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen sống và hành vi đầu tư, tiêu dùng (giữ tiền mặt nhiều hơn, đầu tư tài sản an toàn hơn, tranh thủ lướt sóng đầu tư tiền ảo, làm việc từ xa phụ thuộc hơn vào các thiết bị công nghệ…);
(ii) vô tình phạm tội do bị lợi dụng bởi tâm lý lo sợ khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và trục lợi từ mong muốn được an toàn;
(iii) nền kinh tế, doanh nghiệp và việc làm khó khăn cũng là 1 nguyên nhân khiến các vụ lừa đảo, cướp ngân hàng tăng;
(iv) giao dịch trực tuyến (thương mại điện tử, tài chính số, vay mượn trực tuyến, ví điện tử…) tăng nhanh cũng khiến rửa tiền, tội phạm mạng, lừa đảo, hacker, lấy cắp thông tin, dữ liệu tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng…).
Để ứng phó với rủi ro này, các quốc gia đã và đang đầu tư rất lớn cho an ninh mạng, theo McKinsey & Co., đầu tư cho an ninh mạng sẽ tăng khoảng 25-30%/năm trong năm 2020-2021.    
Hệ thống tài chính toàn cầu đang thay đổi (phần 2) ảnh 2
Đến thách thức hệ thống tài chính Việt Nam
Sau hơn 34 năm đổi mới và phát triển, hệ thống tài chính Việt Nam đã phát triển vượt bậc về cả chất và lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Quy mô thị trường tài chính Việt Nam (cả 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) tương đương 324% GDP năm 2020.
Cùng với đó, hệ thống các định chế tài chính, hàng hóa, lượng doanh nghiệp niêm yết… của Việt Nam phát triển khá nhanh, nhưng hệ thống tổ chức tín dụng vẫn chi phối (chiếm khoảng 62,6% tổng tài sản hệ thống tài chính, tiếp đến là vốn hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường bảo hiểm).
Tuy nhiên, hệ thống tài chính Việt Nam về cơ bản cũng đang bắt nhịp theo 5 xu hướng chủ đạo: xu hướng chuyển đổi số; thay đổi chính sách tiền tệ - tài khóa; tái cấu trúc, lành mạnh hóa và chuẩn hóa; phát triển tài chính xanh, ngân hàng xanh; và hội nhập tài chính-ngân hàng.
Riêng xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số Việt Nam có thể thuộc nhóm 3 - nhóm thận trọng xem xét bởi lo ngại những tác động tiêu cực, rủi ro do CBDC mang lại đối với sự ổn định tài chính, cấu trúc ngân hàng, sự gia nhập của các tổ chức phi ngân hàng trong hệ thống tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ.
Do vậy rủi ro và thách thức đối với hệ thống tài chính Việt Nam đang đặt ra: Thứ nhất là nguy cơ rủi ro tài chính. Bởi với khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế dương và thuộc nhóm cao nhất thế giới năm 2020, sức mạnh tài chính khá tốt và vị thế quốc tế không ngừng được tăng lên, mức độ rủi ro và sức chịu đựng của thị trường tài chính Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình-khá.
Tuy nhiên, cần lưu ý rủi ro luôn đan xen, lan truyền; các khu vực tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.
Đáng chú ý là rủi ro TTCK Việt Nam là tương đối cao do quy mô còn nhỏ, hàng hóa còn ít, tính minh bạch chưa cao, nhà đầu tư cá nhân là chủ yếu, nên mức độ biến động ở mức cao.
Ngoài ra, khu vực ngân hàng Việt Nam luôn chịu áp lực tăng vốn (do nền vốn còn mỏng trong khi tín dụng, đầu tư tăng khá cao - khoảng 14%/năm trong 10 năm qua) và nguy cơ nợ xấu có thể tăng (lên mức 2,5-3% cuối năm 2021) cùng với trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro tăng thêm trong 3 năm (2021-2023) theo Thông tư 03 ban hành ngày 2-4-2021.
Thứ hai là thách thức từ nội tại nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù đã đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong bối cảnh suy thoái toàn cầu (tăng trưởng 2,91% năm 2020 và dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025; là một trong số ít quốc gia giữ vững và gần đây được nâng hạng tín nhiệm với triển vọng “Tích cực” bởi Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s), song nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với 5 thách thức nội tại lớn, đó là chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh chưa cao, tái cơ cấu còn chậm và chưa đi vào chiều sâu; Sức ép cạnh tranh, rủi ro pháp lý, rủi ro lan truyền… trong quá trình hội nhập; Kết quả thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng) còn chưa đạt kỳ vọng; Vấn đề già hóa dân số ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực; Vấn đề biến đổi khí hậu khi Việt Nam là một trong 6 quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gia tăng.  
Thứ ba là những bước tiến về thể chế góp phần nâng cao sức chịu đựng của nền kinh tế và hệ thống tài chính nhưng còn chậm so với yêu cầu. Hệ thống thể chế đối với thị trường tài chính đã và đang ngày càng hoàn thiện, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của nền kinh tế và bản thân hệ thống tài chính.
Nổi bật là hệ thống luật chuyên ngành chi phối lĩnh vực tài chính-ngân hàng đang được chuẩn hóa, hoàn thiện theo thông lệ quốc tế; hình thành được mạng lưới an toàn hệ thống tài chính-tiền tệ (financial safety net)...
Tuy nhiên, vấn đề thể chế, nhất là nhằm phát triển kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới (cho vay ngang hàng, Fintech, tiền kỹ thuật số, xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin – dữ liệu…) còn chậm ban hành so với yêu cầu thực tiễn; năng lực quản lý rủi ro hệ thống tài chính; tính minh bạch, chuyên nghiệp của môi trường đầu tư vẫn là thách thức khá lớn trong bối cảnh kinh tế số, tài chính – tiền tệ số đang phát triển nhanh.
Thứ tư là rủi ro tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam đang là vấn đề khá thách thức. Theo Công ty an ninh mạng Viettel (tháng 8-2020), 90% trong số 3 triệu vụ cảnh báo tấn công mạng là nhắm đến hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam, chủ yếu xoay quanh 4 nguyên nhân mà Công ty CRS (Mỹ) nêu phần trên.
Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong phòng ngừa và trấn áp tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng và đầu tư nhiều giải pháp an toàn thông tin như tường lửa thế hệ mới, phần mềm ngăn chặn mã độc, xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói), chữ ký số.
Tuy nhiên, hoạt động phòng chống tội phạm tài chính - ngân hàng còn gặp nhiều thách thức do hạn chế về thể chế, năng lực tổ chức quản lý; còn nhiều lỗ hổng bảo mật chưa được khắc phục kịp thời; số vụ tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng dự báo còn tăng. 
Thứ năm là thách thức phát triển tài chính xanh, ngân hàng xanh. Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, xu thế phát triển xanh trở thành tất yếu trong nền kinh tế tài chính Việt Nam.
Hệ thống tài chính toàn cầu đang thay đổi (phần 2) ảnh 3
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính xanh đã được quan tâm xây dựng, đặc biệt là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 (Quyết định 1552/QĐ-NHNN ngày 6-8-2015; Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7-8-2018), tài chính xanh đã đạt được những kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, tài chính xanh Việt Nam chưa thực sự trở  thành một xu hướng đầu tư, phát triển và vẫn đang đối diện với nhiều thách thức như hệ thống pháp luật về tài chính xanh còn sơ khai; các ngân hàng chưa có bộ phận riêng chuyên trách về tín dụng xanh; vốn tín dụng xanh đòi hỏi khá lớn trong khi hiệu quả tài chính chưa cao; chưa phát triển các công cụ nợ xanh; ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân về bảo vệ môi trường và phát triển tài chính xanh, tiêu chuẩn ESG còn hạn chế… Theo RobecoSAM - công ty tư vấn chuyên về đầu tư bền vững, Việt Nam là một trong 10 nước có chỉ số ESG thấp nhất.  

Một số giải pháp chiến lược đối với Việt Nam
Để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, vừa phòng ngừa rủi ro, hướng tới phát triển bền vững, chúng tôi đề xuất 6 giải pháp chiến lược. 
Thứ nhất, hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các chiến lược và thể chế pháp luật trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng: (i) Sớm xem xét sửa đổi Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi; thực hiện Luật Chứng khoán 2019 (hiệu lực 1-1-2021) và hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm (cho phép mô hình Tập đoàn tài chính); (ii) Thực hiện thành công các đề án như Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025 (Quyết định 986); Chiến lược tài chính toàn diện đến năm 2030; xây dựng và thực thi Đề án cơ cấu lại các TCTD và thị trường chứng khoán, bảo hiểm giai đoạn tới; xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển tài chính xanh, ngân hàng xanh và thống nhất triển khai từ trung ương đến địa phương…
Hệ thống tài chính toàn cầu đang thay đổi (phần 2) ảnh 4
Thứ hai, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, tài chính - tiền tệ số và tài chính xanh (bao gồm cơ chế quản lý thử nghiệm - Sandbox), nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của các công ty Fintech, các mô hình kinh doanh mới; (ii) Xây dựng Trung tâm Fintech (có thể lựa chọn TPHCM bởi đây là nơi đặt trụ sở của 60% công ty Fintech và các CLB Fintech) để hỗ trợ NHNN, Ban chỉ đạo Fintech, các TCTD trong quá trình vận hành cơ chế quản lý thử nghiệm; (iii) Nghiên cứu thành lập Nhóm chuyên trách nghiên cứu về xu hướng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành trên thế giới và cách tiếp cận của Việt Nam; (iv) Xây dựng lộ trình phát triển hệ thống tài chính xanh của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với 4 trụ cột chính: trung gian tài chính xanh, công cụ huy động vốn xanh, doanh nghiệp đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh.
Thứ ba, chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính-tiền tệ: (i) NHNN và các cơ quan quản lý, giám sát (Ủy ban Chứng khoán, Bảo hiểm tiền gửi…) cần độc lập và được trao quyền nhiều hơn; (ii) Chú trọng xây dựng mô hình quản lý-giám sát rủi ro hệ thống, mô hình ổn định tài chính-tiền tệ và cơ chế xử lý khủng hoảng; (iii) Hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; thực thi chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm trên thị trường; (iv) Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa) nhằm đạt hiệu quả trong chính sách lãi suất, huy động vốn trung, dài hạn; thúc đẩy tiến trình nâng hạng của TTCK Việt Nam; (v) Tách bạch tín dụng chính sách với tín dụng thương mại để gia tăng tính tự chủ trong hoạt động của các đầu tư tài chính; (vi) Xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ xanh hóa hệ thống tài chính… 
Thứ tư, cơ quan quản lý cần chủ động xây dựng và nhất quán thực thi Chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng (là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số đầu tiên theo Quyết định 749 ngày 3-6-2020 của Thủ tướng), trong đó xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng nguồn nhân lực số và hạ tầng CNTT hiện đại là then chốt.
Thứ năm, xây dựng và thực thi Đề án nâng hạng TTCK Việt Nam, trong đó, tính minh bạch, chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm - dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm hỗ trợ quản lý rủi ro, sản phẩm tài chính số và tài chính xanh là rất quan trọng.
Thứ sáu, chú trọng phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng các dịch vụ tài chính số và phát triển tài chính xanh, như là một trụ cột trong Chiến lược tài chính toàn diện đến năm 2030.

Các tin khác