Hệ lụy kinh tế do phòng chống dịch cực đoan

(ĐTTCO) – Trong khi các quốc gia lấy lại nhịp phục tăng trưởng kinh tế sau một thời gian đối phó với dịch Covid-19 thì từ quý II-2021, kinh tế Việt Nam chững lại do dịch bùng phát cùng các biện pháp phòng chống dịch khắt khe kéo dài.



Kinh tế Việt Nam lỡ nhịp phục hồi
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại “Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam” (VEP2021) – diễn dàn đầu tiên trong chuỗi diễn đàn kinh tế dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia, và các nhà hoạch định chính sách – do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Trường đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đồng tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra vào ngày 5-11.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nguyên thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Chính phủ đánh giá, quý III-2021, kinh tế Việt Nam tăng trưởng -6,17% đã như một nghịch lý trong bức tranh kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đang lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng dương. Điều này cho thấy, xét ở tầm vĩ mô, kinh tế Việt Nam đã bị lạc nhịp so với thế giới.
Hệ lụy kinh tế do phòng chống dịch cực đoan ảnh 1 Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến
“Nếu như năm 2020 kinh tế Việt Nam được xem như là điểm sáng vì đã khống chế dịch Covid-19 thành công và giữ mức tăng trưởng dương thì đến năm 2021 tình hình dường như đã diễn tiến ngược lại. Chúng ta đã quá tự tin vào cách làm và những thành quả trong phòng chống dịch Covid-19 từ năm 2020 mà quên mất rằng bối cảnh 2021 đã thay đổi và đòi hỏi biện pháp cần phải thay đổi”.
Theo TS Võ Trí Thành, việc chậm trễ trong chính sách bao phủ vaccine phòng chống Covid-19 trong cuối 2020 và đầu 2021, cùng với đó khi dịch bùng phát, Việt Nam đã thực hiện những biện pháp chống dịch “cực đoan” và kéo dài – đặc biệt là tại các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế trọng điểm – đã để lại những hệ lụy cho nền kinh tế.
“Điều này được thể hiện ngay trong bức tranh tăng trưởng kinh tế từ giữa năm đến nay”, TS Thành nói. Về triển vọng tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, theo TS Võ Trí Thành vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến số bất ổn, đòi hỏi Việt Nam cần phải linh hoạt trong chính sách hơn nữa.
Kỳ vọng đà phục hồi từ gói hỗ trợ kinh tế mới
Trong khi đó, TS Trần Toàn Thắng, Trung Tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT) thì chia sẻ bức tranh toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2021 với những thuận lợi, cơ hội và khó khăn và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo TS Thắng, dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác để buộc Việt Nam phải thay đổi về cấu trúc nền kinh tế.
“Covid-19 không còn được coi là sự gián đoạn đơn thuần mà đã và đang làm thay đổi cấu trúc kinh tế cũng như các hành vi đầu tư sản xuất, tiết kiệm, tiêu dùng, tác động tiêu cực đến các động lực kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Trong thời gian tới, cần khẩn trương thực hiện các hỗ trợ đã công bố cũng như nghiên cứu thực hiện gói phục hồi tăng trưởng trong trung hạn, xây dựng chiến lược và kịch bản sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới, đặc biệt cần có sự tiếp cận và tư duy chính sách mới trong giai đoạn tới” - TS Thắng nhận xét.
Hệ lụy kinh tế do phòng chống dịch cực đoan ảnh 2
Theo số liệu từ các báo cáo, quy mô ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam vô cùng lớn. Có tới 90.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc nộp đơn phá sản trong 9 tháng đầu năm 2021. Tăng trưởng GDP cho năm 2021 có thể giảm xuống dưới 2,5%.
Một cuộc khảo sát gần đây của UNDP và Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho thấy 2/3 số hộ gia đình bị giảm thu nhập và hơn một nửa số hộ gia đình phải cắt giảm lương thực thực phẩm. Tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời tăng từ 10% lên 33,4% vào tháng 8-2021.
Câu hỏi chính được thảo luận tại Diễn đàn là làm thế nào để Việt Nam phục hồi nhanh chóng trong ngắn hạn với kế hoạch phục hồi và duy trì tăng trưởng trong dài hạn đồng thời chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh dựa trên năng suất, khả năng cạnh tranh, khả năng chống chịu, sự bình đẳng và hài hòa hợn giữa con người và hành tinh, trong bối cảnh mức độ dễ bị tổn thương, không chắc chắn, tính phức tạp và mơ hồ cao hơn.
Về giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, GS Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp của UNDP cho hay, hầu hết các quốc gia đều tập trung vào các chính sách nhằm tăng cường cung cấp tài chính dài hạn cho đầu tư công và tư nhân. 
GS Jonathan Pincus phân tích: “Duy trì tỷ lệ đầu tư cao sẽ là yếu tố chính giúp quốc gia ứng phó với khủng hoảng, và chính phủ sẽ đóng vai trò quyết định. Ngay cả những quốc gia có thị trường tài chính sâu rộng như Mỹ và Đức, đã thành lập các thể chế công như ngân hàng phát triển và quỹ phúc lợi quốc gia để cung cấp vốn dài hạn cho các nhóm dự án đầu tư và người vay cụ thể thông qua cho vay trực tiếp, bảo lãnh khoản vay và các công cụ khác. 
Những ví dụ như KfW của Đức, BNDES của Brazil và KDB của Hàn Quốc cho thấy cách các thể chế này có thể đóng góp vào chuyển đổi kinh tế, tài chính bao trùm, và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Cần ưu tiên cải cách các ngân hàng phát triển của Việt Nam, như Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội, khi đất nước phục hồi sau Covid-19 và xây dựng chiến lược đẩy nhanh tăng trưởng trong những năm tiếp theo của thập kỷ ”. 
Theo các chuyên gia, hiện nay đà phục hồi kinh tế của Việt Nam sau làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang được kỳ vọng vào gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn mới mà Chính phủ sắp thông qua. Tuy nhiên, ở chiều kích khác, Chính phủ cũng cần thận trọng và có những đánh giá tác động và giải pháp quản trị rủi ro từ gói kích thích mới này trong những kịch bản cụ thể.
 Mục tiêu chính của VEP là kết nối các quan chức chính phủ, các tổ chức học thuật, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia vào các cuộc thảo luận toàn diện về các vấn đề kinh tế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia để giúp xây dựng sự đồng thuận quốc gia hỗ trợ quá trình phát triển không để ai bị bỏ lại phía sau. VEP2021 tập trung vào chủ đề: “Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững” nhằm hỗ trợ nỗ lực đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 của Việt Nam trong ngắn hạn và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững trong dài hạn. 

Các tin khác