Hàng Việt giảm sức cạnh tranh vì thuế carbon

(ĐTTCO) - Ngày 11-3-2021, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đánh thuế tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon. 
Hàng Việt giảm sức cạnh tranh vì thuế carbon
Ngày 14-7 cùng năm, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày đề xuất lập pháp về CBAM. Theo đề xuất, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải carbon có trong hàng hóa nhập khẩu mà không phải trả khoản điều chỉnh phí nào trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2023 đến hết năm 2025. Điều này nhằm tạo điều kiện và thời gian cho hệ thống được áp dụng vào năm 2026. 
Thực ra cơ chế này của EU ban đầu sẽ áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa gồm xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón và điện. Đây là những ngành, lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của cơ chế năm 2025, EC sẽ đánh giá hiệu quả CBAM và có thể mở rộng phạm vi hoạt động sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn. 
Để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải mua giấy phép ô nhiễm từ Hệ thống thương mại khí thải của EU (ETS), khi căn cứ vào lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất. Các DN sản xuất, xuất khẩu có thể mua chứng nhận CBAM từ cơ quan có thẩm quyền được chỉ định ở nước sở tại thuộc thành viên EU. Mức giá của chứng nhận này được căn cứ vào giá trung bình theo tuần của giá phát thải EU ETS. Hiện nay, giá bán chứng nhận CBAM đang là 80EUR/tấn carbon. 
Với CBAM, một số quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi cơ chế này thông qua xuất khẩu. Việt Nam dù không nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất các mặt hàng trong một số lĩnh vực bị xem xét của EU, nhưng EU đang là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Do vậy, trong tương lai, các DN sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… khi xuất khẩu sang thị trường EU sẽ gặp khó khăn.
Hiện nay, các mặt hàng xuất nhập khẩu qua lại giữa Việt Nam và châu Âu hay Mỹ phần lớn là thiết bị điện tử lắp ráp, phụ tùng máy móc, dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sắt thép, hàng thủy sản, xơ sợi… Việc đánh thuế carbon các sản phẩm và hàng hóa này chưa đặt ra nhưng sẽ thực hiện trong vài năm tới, khi số lượng quốc gia áp dụng thuế carbon nhiều hơn và công cụ kiểm chứng carbon hoàn chỉnh hơn.
Như vậy, điều này sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh hàng hóa từ Việt Nam với các nước khác, đòi hỏi các DN phải có những chuẩn bị và thay đổi. Mặc dù đây là việc khó khăn nhưng cần có những chính sách phù hợp từ Chính phủ, như cần giảm mạnh đầu tư công trình nhiệt điện, khuyến khích năng lượng tái tạo, song hành với sản xuất sạch hơn. Đơn cử, nếu vẫn như dự thảo Quy hoạch Điện VIII giai đoạn 2021-2030, với mức tăng nhiệt điện than tới gần 17 GW, cộng thêm tổng công suất điện than hiện có vào khoảng 20 GW, các hàng hóa sản xuất có sử dụng nguồn điện than sẽ gặp nhiều rào cản và rủi ro thua thiệt khi bán ra nước ngoài.
Để chuẩn bị cho vấn đề này, ngày 7-1-2022, Văn phòng Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/ND-CP về “Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn” nhằm giảm khoảng 564 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Nghị định này đòi hỏi các DN xuất khẩu chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất.
Từ đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ chịu mức thuế biên giới carbon thấp hơn, hoặc không bị áp dụng thuế biên giới carbon, khi các tiêu chuẩn về xả thải carbon trong quá trình sản xuất tuân theo tiêu chuẩn của EU.
Một số DN lớn như Samsung, Nike, Vinamilk, dường như đã nắm được vấn đề và có những bước chủ động, như trực tiếp mua điện mặt trời, hoặc tự lắp các tấm quang năng. Tháng 4-2021, Samsung đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Samsung Việt Nam tham gia chương trình thí điểm cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp) từ các dự án điện tái tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, với các DN khác, đây lại là bài toán không dễ dàng, nhất là khi nguồn lực tài chính hạn hẹp. 
Theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, để có thể giải bài toán này, đòi hỏi phải có chiến lược rõ ràng về tài chính xanh, trong đó có những gói tài chính cho vay dành cho DN trong việc chuyển đổi cơ cấu, công nghệ sang hướng hiện đại và giảm thải carbon.

Các tin khác