Hàng quán ở TPHCM vẫn chưa được phục vụ tại chỗ

(ĐTTCO) - Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho biết UBND TP và các sở, ngành đang xem xét, cân nhắc thận trọng, nên vẫn chưa có quyết định chính thức cho phép hàng quán được phục vụ tại chỗ. Trước mắt vẫn bán mang đi theo quy định.
Hàng quán tại TPHCM vẫn chưa "gút" chuyện phục vụ tại chỗ. Ảnh: Dân trí
Hàng quán tại TPHCM vẫn chưa "gút" chuyện phục vụ tại chỗ. Ảnh: Dân trí

Cân nhắc thận trọng việc mở lại hàng quán phục vụ tại chỗ  

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, trả lời câu hỏi về việc cho phép hàng quán được mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết UBND TP và các sở, ngành đang xem xét, cân nhắc thận trọng việc mở lại như thế nào, nên vẫn chưa có quyết định chính thức.

Trước đó, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã cho biết trên tinh thần thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, TPHCM sẽ công bố cấp độ dịch theo từng địa bàn. Sau khi công bố cấp độ dịch, các địa phương sẽ căn cứ vào đó để mở lại các hoạt động. Việc mở lại các dịch vụ này phải theo các bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực đã quy định.

Ngày 24-10, UBND TPHCM đã công bố cấp độ dịch ở 22 quận, huyện. Theo công bố, có 9 địa phương đạt cấp 1 (bình thường mới), 12 địa phương cấp 2 (nguy cơ trung bình) và duy nhất quận Bình Tân còn ở cấp 3 (nguy cơ cao).

Thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương căn cứ mức độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.

Cũng trong ngày 24-10, Ban An toàn thực phẩm TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TP, đề xuất ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Bộ tiêu chí với 6 quy định, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ áp dụng nếu mở bán. Cụ thể là cơ sở phục vụ ăn uống tại chỗ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR tại đại chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.

Cơ sở phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm đúng theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người… Phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế. Phải bố trí khu vực giao, nhận sản phẩm; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay...

Người lao động, người đến cơ sở phải tuân thủ nguyên tắc 5K, quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch (khai báo y tế, tiêm ngừa vắc xin,thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính với Covid-19…)

Tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số lượng người bán, mua thực phẩm cùng một thời điểm theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.

Đáng chú ý, bộ tiêu chí quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín, không bán rượu, bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong phòng chống dịch Covid-19.

4 kịch bản điều trị F0 trong điều kiện bình thường mới 

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết hiện TPHCM đang ở cấp độ dịch trung bình, tức dịch đang ở cấp độ 2. Ngành Y tế TPHCM đã xây dựng 4 kịch bản thu dung, điều trị ứng phó theo từng cấp độ dịch tương ứng với số lượng ca mắc mới/100.000 dân/tuần.

Hàng quán ở TPHCM vẫn chưa được phục vụ tại chỗ ảnh 1 Nếu căn cứ vào số ca mắc mới, TPHCM đang ở cấp độ 3, nhưng tỷ lệ phủ vaccine của TP hiện đã đạt 99% số dân trên 18 tuổi nên dịch tại TP đang ở cấp 2- cấp độ trung bình.
Theo đó, kịch bản thứ nhất, nếu dịch kiểm soát tốt, số ca mắc mới tương ứng cấp độ 1 thì F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà. Trường hợp cần nhập viện sẽ điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 16; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới; Bệnh viện Nhi đồng; Bệnh viện Từ Dũ. Đây là tình huống tốt nhất để sống chung với Covid-19.

Tình huống 2 tương ứng cấp độ dịch 2,  F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cũng được cách ly tại nhà. Trường hợp nhập viện sẽ vào Bệnh viện Dã chiến số 13, 16. Ngoài ra, các bệnh viện thu dung Covid-19 cấp quận, huyện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 2 bệnh viện chuyên khoa nhi, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương sẽ tiếp tục điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tình huống 3 tương ứng số ca mắc mới ở cấp độ 3. Các F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động quản lý 50-100 F0, tương đương cần 135 trạm y tế lưu động.

Với bệnh nhân cần nhập viện, cả 3 Bệnh viện Dã chiến số 13, 14 và 16 tiếp nhận bệnh nhân. Cùng với đó, 3 bệnh viện hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy, 115 và Bệnh Nhiệt đới, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương) tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ở tình huống xấu nhất - cấp độ dịch số 4, F0 nhẹ cách ly tại nhà. Ngoài trạm y tế lưu động thì địa phương căn cứ số F0 để lập tổ Covid-19 cộng đồng. Trường hợp cần nhập viện sẽ huy động toàn bộ bệnh viện, trung tâm hồi sức tham gia điều trị.

Quận, huyện nào chưa có cơ sở điều trị thì phải lập bệnh viện dã chiến 300-500 giường. F0 nặng và nguy kịch sẽ được chăm sóc tại bệnh viện dã chiến.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế, cấp độ 4 là quay trở lại thời kỳ cách đây hơn 1 tháng, khi TP hoạt động hết công suất để điều trị bệnh nhân Covid-19. Nếu xảy ra tình trong tình huống này, TPHCM phải chuẩn bị 16.000-19.000 giường điều trị Covid-19, 2.000 giường ICU.

Các tin khác