Hàng không sẽ sớm "rã đông" khi mở lại nhiều đường bay nội địa

(ĐTTCO)-Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, các đường bay nội địa có thể bắt đầu đón đối tượng khách du lịch sau thời gian dài “đóng băng”.
Thị trường hàng không Việt sẽ sớm phục hồi nếu tình hình kiểm soát dịch ngày càng được cải thiện. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Thị trường hàng không Việt sẽ sớm phục hồi nếu tình hình kiểm soát dịch ngày càng được cải thiện. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với việc thí điểm mở lại nhiều đường bay nội địa sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động và tỷ lệ khách đi ngày càng tăng, đại diện các hãng hàng không đánh giá thị trường hàng không Việt Nam sẽ sớm phục hồi và là cơ sở, nguồn lực quan trọng để tiến tới khôi phục mạng bay quốc tế.

Trong giai đoạn thí điểm từ 10-20/10, theo quyết định phân bổ chuyến bay của Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo Airways được khôi phục 13 đường bay nội địa. Nhiều chuyến bay nội địa từ Thành phố Hồ Chí Minh về các địa phương như Huế, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Hà Nội-Đà Nẵng là các chặng bay đắt khách nhất dù thời gian mở bán chưa lâu. Thậm chí, đường bay thẳng Hà Nội-Điện Biên mà Bamboo Airways chính thức khai trương ngày 14/10 cũng hoàn toàn kín chỗ chỉ sau vài tiếng bán vé.

Với Vietnam Airlines, hãng đã khai thác tổng cộng 17 đường bay nội địa được mở lại trong giai đoạn từ ngày 10-20/10 dựa trên kế hoạch được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Theo thống kê, trung bình từ ngày 10/10 đến nay, tỷ lệ lấp đầy ghế của Vietnam Airlines trên toàn mạng bay nội địa là gần 60%. Trong số đó, đường bay giữa Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ lấp đầy ghế rất cao, dao động trên 90-100%.

Đánh giá về thị trường, với nhu cầu của hành khách lớn cùng sự thuận lợi của chiến dịch tiêm chủng vaccine hiệu quả, tình hình kiểm soát dịch dần tốt lên ở các địa phương, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng việc Chính phủ đã ban hành quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi nền kinh tế nói chung và hàng không có nhiều tiềm năng phục hồi.

“Các đường bay nội địa được mở lại chính là cầu nối thương mại quan trọng nhằm phục hồi kinh tế-xã hội các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, đường bay trục như Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là đường bay có nhu cầu lớn nhất, với tỷ lệ lớn người dân ở hai thành phố đã được tiêm chủng,” lãnh đạo Vietnam Airlines nói.

Chung quan điểm này, phía Bamboo Airways cho biết nhiều đường bay mở lại chính là tín hiệu cho thấy nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách là rất lớn sau một giai đoạn bị đè nén do các đường bay tạm dừng hoạt động thương mại theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

“Nhìn vào bức tranh tình hình dịch bệnh trong hai năm trở lại đây tại Việt Nam có thể thấy thị trường hàng không ghi nhận tốc độ hồi phục hết sức nhanh chóng sau dịch,” lãnh đạo Bamboo Airways đánh giá.

Đối với riêng Bamboo Airways, ngay sau đợt tạm ngừng khai thác/giảm tần suất bay do ảnh hưởng, hãng đã ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Do đó, đây là cơ sở để tin tưởng vào triển vọng phục hồi toàn mạng bay nội địa của Việt Nam.

“Mặt khác, thị trường nội địa đóng góp phần lớn doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam nên việc mở cửa lại thị trường nội địa sẽ là cơ sở và nguồn lực quan trọng để các hãng hàng không tiến tới khôi phục mạng bay quốc tế,” lãnh đạo Bamboo Airways nói.

Hang khong se som phuc hoi khi mo lai nhieu duong bay noi dia hinh anh 1
Nhu cầu đi lại của hành khách bằng máy bay ngày càng tăng trong giai đoạn thí điểm từ 10-20/10. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo đánh giá của lãnh đạo Vietnam Airlines, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, các đường bay nội địa có thể bắt đầu đón đối tượng khách du lịch sau thời gian dài “đóng băng” để phòng chống dịch.

Lộ trình mở lại đường bay đã được các cơ quan chức năng tính toán kỹ, triển khai từng bước trên cơ sở vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện cho hàng không khôi phục sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng việc triển khai giãn cách ghế dự kiến chỉ áp dụng trong giai đoạn đầu mở lại đường bay nhằm đảm bảo an toàn dịch tễ.

“Dựa trên đánh giá kết quả giai đoạn thí điểm, cùng với các điều kiện như chiến dịch tiêm chủng vaccine được phủ rộng, tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát thì hoạt động hàng không chắc chắn cũng sẽ sớm phục hồi trong trạng thái bình thường mới, không còn quy định giãn cách ghế,” lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định./.

Đến chiều 13/10, Bộ Giao thông Vận tải ban hành quyết định tăng thêm từ 19 lên thành 21 chuyến bay khứ hồi, nâng tổng số chuyến bay khai thác là 42 chuyến/ngày trong giai đoạn thí điểm từ 10-20/10.

Các tin khác