Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Sẽ cấp đủ, kịp thời

(ĐTTCO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ với Tuổi Trẻ cụ thể về gói hỗ trợ đang được trông đợi hiện nay.
Các cửa hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng. Ảnh: NGỌC HIỂN
Các cửa hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng. Ảnh: NGỌC HIỂN

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mong muốn sớm nhận được gói hộ trợ 26.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa công bố. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều cho rằng gói hỗ trợ về an sinh này chủ yếu hướng đến người lao động và kỳ vọng sẽ tiếp tục có các gói hỗ trợ khác "nặng ký" hơn.

Sẽ cấp đủ, kịp thời...

Liên quan đến nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngân sách cấp đầy đủ, kịp thời. Số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng gồm tiền từ ngân sách và từ một số quỹ của Nhà nước.

Về việc chi hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, với yêu cầu của Chính phủ, nguồn tiền chi sẽ theo khả năng ngân sách của mỗi địa phương.

Cụ thể, các địa phương gồm Hà Nội, TPHCM, Bình Dương - có tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 60%, thì phải chủ động hoàn toàn nguồn tiền hỗ trợ. Còn với những địa phương có tỷ lệ điều tiết giữ lại, ngân sách sẽ hỗ trợ 80% mức thực chi đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách (ngoài các tỉnh thuộc miền núi, Tây Nguyên)...

Về số tiền "tươi" ngân sách nhà nước thực chi ước tính chỉ vài nghìn tỷ đồng, còn lại 7.500 tỷ đồng là cho vay tái cấp vốn lãi suất 0%/năm và nguồn từ các quỹ hưu trí và tử tuất, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Sẵn sàng tái cấp vốn ngay 7.500 tỷ đồng

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông tư hướng dẫn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam triển khai để vốn vay ưu đãi kịp thời đến với doanh nghiệp để cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất.

Tại Nghị quyết 68, Chính phủ yêu cầu cho vay hỗ trợ lãi suất 0%/năm đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu để phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 1-5-2021 đến hết 31-3-2022.

Điều kiện để được vay vốn là doanh nghiệp không có nợ xấu tại thời điểm vay. Thời hạn vay tối đa là 12 tháng. Mức vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số nhân công có hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng...

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư triển khai gói cho vay ưu đãi này. Vì vậy, việc triển khai cho vay hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng Covid-19 trong năm nay theo chỉ đạo của Chính phủ mà nghị quyết 68 nêu, theo ông Tú, cũng sẽ thực hiện kịp thời và thuận tiện.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn trước và đầy đủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Như gói tín dụng ưu đãi cho Vietnam Airlines vay, nguồn vốn được tái cấp vốn sau khi các ngân hàng thương mại giải ngân cho doanh nghiệp. Còn đối với gói vay ưu đãi 0%/năm này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn trước khi Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân.

Doanh nghiệp mong chờ gói mới

Phải đóng các cửa hàng kinh doanh quần áo vì dịch song bà C. vẫn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng/tháng để đóng tiền thuê mặt bằng và trả lương nhân viên. Chiếu theo nghị quyết 68, bà C. sẽ được hỗ trợ ở mức 3 triệu đồng do phải ngừng kinh doanh để chống dịch.

Theo bà C., mức hỗ trợ này mang tính động viên là chính, không có tác động lớn đến mức độ khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, đó là không có nguồn thu.

Còn ông Lê Minh Tâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Trung Sơn - cho biết 800 lao động của doanh nghiệp phải tạm ngưng công việc do bùng dịch dẫn đến phải đóng cửa nhà máy, nhiều lao động là F0, F1 phải đi cách ly. Do đó, ông Tâm cho hay doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ để giúp đỡ công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn, trong đó quan trọng nhất là người lao động được nhận nhanh gói hỗ trợ.

Đồng thời, ông Tâm cũng kỳ vọng doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp bởi bản thân doanh nghiệp này đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ hệ lụy của dịch bệnh.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cho biết gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng này đã đơn giản hóa thủ tục, do rút kinh nghiệm những tồn tại của gói 62.000 tỷ năm ngoái. Trước đó, Chính phủ cũng đã có gói hỗ trợ về tài khóa thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế (Nghị định 52) đã giúp doanh nghiệp chậm trả thuế, hỗ trợ về tính thanh khoản.

Song gói quan trọng nhất mà doanh nghiệp kỳ vọng đó là gói hỗ trợ về lãi suất để tăng cường vốn, tăng dòng tiền, "bơm" thêm vốn cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo ông Dũng, lãi suất vay vốn hiện nay đã có cải thiện, song doanh nghiệp vẫn phản ánh lãi suất còn cao khi so sánh lãi suất doanh nghiệp được vay và lãi suất ngân hàng huy động.

"Cái quan trọng nhất doanh nghiệp mong muốn lúc này là khoanh nợ cũ, cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đừng để phát sinh lãi. Dịch bệnh bùng phát bất ngờ nên dòng tiền để trả nợ cũ tại thời điểm này chưa đảm bảo, nếu hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách khoanh nợ sẽ tác động rất lớn cho hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trụ lại được trên thị trường", ông Dũng nói.

Nghiên cứu thêm các giải pháp khác

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tới đây một số bộ sẽ nghiên cứu xây dựng các giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

"Các giải pháp trong Nghị quyết 68 là tập trung hỗ trợ các đối tượng là người lao động nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Còn các chính sách được nghiên cứu để đưa ra tới đây là các giải pháp chung, tổng thể hơn, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, kích thích, khuyến khích duy trì ổn định và phát triển kinh tế", ông Tạ Anh Tuấn nói.

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ông Tuấn thông tin Bộ Tài chính tiếp tục giảm mức thu của 30 loại phí, lệ phí gồm lĩnh vực chứng khoán, phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải... đến hết năm nay. Ước tính ngân sách giảm thu khoảng 2.000 tỷ đồng. 

Không nên cào bằng

 PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng các doanh nghiệp, người lao động ở TPHCM chịu giãn cách xã hội với thời gian dài hơn, các chi phí và mức sống ở TPHCM cũng cao hơn các vùng khác nên việc duy trì một mức hỗ trợ cho các địa phương trên cả nước là chưa hợp lý.

Cần có tính toán để người dân các đô thị có chi phí đắt đỏ như TPHCM được nhận mức hỗ trợ cao hơn, tương ứng với mức sống của đô thị.

Các tin khác