Gỡ khó trái phiếu doanh nghiệp: Giải pháp “153+” hoặc “65-“

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia kinh tế cho rằng tìm một giải pháp chung để có thể xử lý trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã và sẽ phát hành hiện nay là bất khả thi. 
Gỡ khó trái phiếu doanh nghiệp: Giải pháp “153+” hoặc “65-“
Thay vào đó, cần có sự phân loại TPDN từng nhóm cụ thể và áp dụng các biện pháp đặc thù trên cơ sở “nới” điều kiện phát hành theo Nghị định cũ 153/2020/NĐ-CP (NĐ153) và bổ sung thêm một số điều kiện (153+), hoặc áp dụng theo NĐ65/2022/NĐ-CP nhưng bớt một số điều kiện siết (65-). 
PHÓNG VIÊN: - Hiện tượng tháo chạy khỏi thị trường TP vẫn chưa dừng lại, đẩy nhiều DN vào tình trạng đứt gãy dòng tiền. Ông đánh giá thế nào về việc này?
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: - Từ trước khi ký ban hành NĐ65 cũng đã từng có ý kiến đề xuất tạm dừng lại việc thực hiện nghị định này. Ít nhất chưa thể hoặc chưa nên ban hành thực hiện ngay vào thời điểm này được. Bởi quy định chặt chẽ như thế sẽ siết chặt thị trường, DN sẽ không phát hành TP được, và như vậy họ sẽ không có nguồn vốn để tái đầu tư kinh doanh sản xuất. 
Còn hiện nay, việc ứng xử như thế nào với TPDN theo quy định của NĐ65 đang là vấn đề nóng gây nhiều tranh cãi. Đơn cử, trường hợp (nếu) không áp dụng theo quy định của NĐ65, liệu phương án phát hành TPDN mới để đảo nợ khi đã đến hạn nên ứng xử như thế nào? Tôi cho rằng nên áp dụng những quy định cũ của NĐ153, nhưng là “153+”, tức vẫn cho phát hành TPDN riêng lẻ, nhưng sẽ thêm một số điều kiện đi kèm, song không siết quá chặt. Hoặc nếu áp dụng theo NĐ65 sẽ bớt một số điều kiện có tính chất siết chặt nhưng tạm gọi là “65-”, tức giảm nhẹ các điều kiện cho DN phát hành. 
Đây là vấn đề cần đánh giá lại, bởi nó cũng phát sinh nhiều hệ lụy khác. Như liệu các nguồn tài chính để DN có tình hình tài chính không ổn và buộc họ phải dựa vào phát hành TPDN để đảo nợ, sẽ tác động như thế nào đến thị trường? Hay về thời hạn phát hành TPDN có cần thay đổi, như hiện nay từ 1-3 năm, có nên cho dài hơn, cũng cần xác định lại.
- Ông có thể nói rõ hơn về việc phân loại cụ thể nhóm TPDN để xử lý?
Không có giải pháp chung cho tất cả TPDN, bởi bản chất của thị trường TPDN là mỗi loại TP và mỗi đợt phát hành TP ra thị trường đều có những rủi ro khác nhau, nên đưa ra giải pháp chung là không đúng với bản chất của nó.
- Tôi cho rằng cách tiếp cận TPDN hiện nay đang bị sai. Để xử lý vấn đề vướng mắc hiện nay về TPDN cần phân loại TPDN thành từng nhóm cụ thể, không thể để gom “một cục” hàng trăm ngàn tỷ đồng rồi kêu ca là khó khăn, đòi tìm giải pháp tháo gỡ. Đó là điều bất khả thi. Qua theo dõi, tôi cho rằng hiện đang có sự lẫn lộn trong chuyện nhận diện và đề xuất giải pháp tháo gỡ TPDN.
Quan điểm phổ biến là họ gom tất cả TPDN, bao gồm cả tốt lẫn xấu, đến kỳ đáo hạn và chưa đáo hạn thành một loại và đòi hỏi phải có giải pháp chung, đó là điều vô lý. Sẽ không có ai xử lý theo cách này, bởi cách tiếp cận vấn đề ban đầu đã không đúng. Do đó, phải dựa trên sự phân loại các TPDN hiện hành. Sau khi đã phân tách rồi, từ đó mới đề xuất đến phương án xử lý cụ thể.
Thứ nhất, đối với nhóm TPDN chưa đến kỳ đáo hạn cần chia ra làm 2 loại. Loại thứ nhất là TP an toàn và không vấn đề gì, không cần xử lý. Loại thứ hai là TP có vấn đề nảy sinh, tiềm ẩn rủi ro, bắt buộc phải xử lý vì chưa đến kỳ đáo hạn. Đối với những TPDN chưa đến kỳ đáo hạn cũng cần tách ra làm 2 loại, đó là loại đến kỳ đáo hạn mới phải thanh toán, và loại các nhà phát hành muốn thanh toán trước hạn như hiện nay đã diễn ra. Loại TP này hãy để họ mua lại bởi không ảnh hưởng đến thị trường hiện tại.
Thứ hai, đó là nhóm TP đã đến kỳ đáo hạn, có thể sẽ vào cuối quý IV năm nay hoặc quý I năm sau. Trên cơ sở thời gian đáo hạn, chia ra thành 3 loại cụ thể. Đối với loại 1, là TPDN nhà phát hành có khả năng thanh toán được, không cần cơ quan chức năng can thiệp, nhà phát hành và nhà đầu tư có thể dàn xếp, giải quyết với nhau theo đúng hợp đồng đã cam kết trước đó.
Đối với loại thứ 2, là loại TPDN nhà phát hành gặp khó khăn về tài chính để thanh toán, mới phải tìm phương án để xử lý, có thể kiến nghị các giải pháp đi kèm như có nên cho họ đảo nợ, ngân hàng cấp thêm tín dụng hay kéo dài kỳ hạn TP hay không. Loại thứ 3 là các TPDN không có khả năng để thanh toán, cần cơ quan chức năng vào cuộc để có phương án xử lý.
- Nói như vậy thị trường TPDN hiện nay đang có vấn đề?
- Đúng, thị trường TPDN hiện nay đang có vấn đề. Nhóm TPDN hiện nay rất cần chú ý đến thực tế lại không hẳn là nhóm đã đến kỳ đáo hạn, nhưng bị các nhà đầu tư đòi lại tiền. Ở đây, cách tiếp cận như thế nào là vấn đề cần bàn đến. Theo tôi, đối với nhóm này cần có 2 hướng xử lý.
Một là, đối với những TPDN nhà phát hành trả được ngay cho nhà đầu tư trước hạn nên trả. Đổi lại, nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại của mình khi không thực hiện đúng hợp đồng, đó là lãi suất sẽ không được như ban đầu, không thể “ăn cả hai”. Hai là, với trường hợp này nhà phát hành nếu vẫn duy trì theo đúng cam kết hợp đồng, nhà đầu tư không có quyền đòi thanh toán trước hạn. 
Tôi muốn nhấn mạnh, thị trường TPDN đang tồn tại hiện tượng rất lạ, đó là dù chưa đến kỳ đáo hạn nhưng nhà đầu tư vẫn đòi thanh toán, đòi lại tiền. Ở đây không hẳn là vấn đề ảnh hưởng tâm lý thị trường, mà đằng sau đó rất có thể còn có những nhóm đối tượng đang thao túng, lợi dụng sự khan hiếm dòng vốn để trục lợi, điều này mới là nguyên nhân gây ra sự bất ổn.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác