Giữ chân người lao động bằng… nhà ở

(ĐTTCO) - Sự việc hàng chục ngàn người lao động (NLĐ) bỏ về quê cho thấy nhà ở cho NLĐ có thu nhập thấp đang nóng bỏng hơn bao giờ hết. Bởi NLĐ từ các tỉnh có được chỗ an cư họ sẽ gắn bó với TPHCM hơn, đồng thời hạn chế khu nhà trọ ẩm thấp, chật chội, dịch bệnh cũng sẽ ít lây lan hơn. Vì thế, lãnh đạo TP đang quyết liệt xây dựng những khu nhà ở tốt hơn để giữ chân NLĐ, xa hơn là các dự án bài bản hướng đến họ. 

Một dự án căn hộ của Công ty Lê Thành cho NLĐ thuê 49 năm. Ảnh: TR.GIANG
Một dự án căn hộ của Công ty Lê Thành cho NLĐ thuê 49 năm. Ảnh: TR.GIANG
Gấp rút rà soát đất xây nhà phục vụ công nhân
Cuối tháng 9, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP đã có báo cáo gửi Văn phòng Thành ủy cùng các sở ngành, liên quan đến việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình, về việc rà soát các khu đất theo đề xuất của quận 7 để xây nhà tạm cho công nhân, với mục đích đáp ứng phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Các khu đất nói trên nằm rải rác trên nhiều tuyến đường ở quận 7, có diện tích  cả trăm ngàn m2. 8 khu đất do các đơn vị nhà nước quản lý chưa đưa vào sử dụng có thể xây dựng nhà tạm cho công nhân ở, như  khu đất tại đường Bùi Văn Ba hơn 20.000m2 đang là đất trống, nhà cấp 4 do Công ty TNHH Công ích Quận 7 quản lý…
Như vậy sau khi rà soát, khu đất nào đáp ứng yêu cầu, đảm bảo pháp lý sẽ được xây dựng các khu nhà tạm cho công nhân. 
Ông Lê Hòa Bình cho biết, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của việc chỉnh trang đô thị, thực hiện quy hoạch trong thời gian tới là phải chú ý giành đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, NLĐ có thu nhập thấp.
Thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ NLĐ hiện phải ở trong các khu nhà trọ ẩm thấp, chật chội nên họ cảm thấy không gắn bó với vùng đất này. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua có rất nhiều ổ dịch từ các khu nhà tạm bợ này. 
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong 5 năm qua TPHCM chỉ có khoảng 20 dự án nhà ở xã hội (NoXH) được đưa vào sử dụng với trên 15.000 căn nhà. Con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu NoXH của người dân TP.
Quan sát một vài dự án được triển khai NoXH bán và cho thuê của một số doanh nghiệp trên địa bàn TP thời gian qua luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Đây là một trong những bất hợp lý của thị trường BĐS thời gian qua.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong tổng số nhà ở dự án giai đoạn 2016-2020, căn hộ cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) có 47.837 căn, chiếm tỷ lệ 33,6%; căn hộ trung cấp (giá 25-40 triệu đồng/m2) có 65.920 căn, chiếm tỷ lệ 46,4% trong tổng số nhà ở dự án; căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chỉ 28.295 căn, chiếm tỷ lệ 19,9%, rất thấp. Đáng lưu ý, năm 2020 căn hộ bình dân đã tụt dốc mạnh, chỉ chiếm 1% tổng số sản phẩm nhà ở. 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng cơ cấu sản phẩm nhà ở là biểu hiện rõ nét của tình trạng lệch pha cung-cầu, thị trường BĐS phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững, do rất thiếu loại nhà ở vừa túi tiền và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp.
Đa dạng hóa nguồn lực xã hội
Vướng mắc hiện nay là cơ chế chính sách chưa thực sự thu hút nhà đầu tư tham gia lĩnh vực NoXH. Vì thế, khơi thông thủ tục đang là vấn đề cấp thiết nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 trên 170.000 căn NoXH được đưa vào sử dụng.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết theo Chương trình phát triển nhà ở của TP đã được phê duyệt, nguồn vốn để phát triển NoXH hầu hết là vốn xã hội hóa, vốn tự có của doanh nghiệp hoặc vốn vay của các tổ chức tín dụng chiếm 95%. 5% còn lại sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư NoXH thuộc sở hữu nhà nước, nhằm giải quyết cho những đối tượng đặc biệt khó khăn.
Như vậy, để đáp ứng NoXH, TP cần huy động nguồn lực từ xã hội rất lớn. Chủ trương sắp tới của TP là khuyến khích phát triển nhà ở thương mại (NoTM) giá thấp và nhà  cho thuê, NoXH để đáp ứng nhu cầu rất lớn của xã hội, đặc biệt là NLĐ có thu nhập thấp, nhập cư được thuê, nhằm hạn chế việc xây dựng nhà không phép, sai phép ở ngoại thành. 
Theo ông Khiết, TP thí điểm các dự án NoTM giá thấp, nhà cho thuê được nộp tiền sử dụng đất hàng năm nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp. Ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi, xem xét bổ sung đối tượng các dự án NoXH được vay vốn kích cầu của TP.
Đồng thời TP tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các loại hình đầu tư NoXH cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; ưu tiên vốn ngân sách để đầu tư các dự án NoXH thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê. Rà soát quỹ đất 20% tại các dự án NoTM trên 10ha thúc đẩy xây dựng NoXH để tạo lập quỹ nhà xã hội cho TP.
Trong trường hợp chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai sẽ thu hồi, giao cho chủ đầu tư có năng lực để triển khai, tránh lãng phí. Ngoài ra, sử dụng ngân sách thu được từ các dự án thương mại chủ đầu tư nộp giá trị tương đương 20% quỹ đất NoXH tại dự án để đầu tư phát triển dự án NoXH thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê. 
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, TPHCM dự kiến phát triển mới khoảng 24.000 căn. Hiện TP có 19 dự án trong danh mục NoXH dự kiến hoàn thành từ năm 2021 trở về sau. Ngoài ra, TP đang có 65 dự án NoTM, trong đó đã xác định quỹ đất 20% (trên 197ha) để thực hiện NoXH với hơn 146.000 căn.
Như vậy, đến năm 2025 dự kiến có trên 170.000 căn NoXH được đưa vào sử dụng. Với sự quyết tâm của lãnh đạo TP cùng với những mục tiêu đã đề ra, hy vọng trong thời gian sớm nhất TP sẽ có những dự án khang trang phục vụ NLĐ từ các tỉnh, để giữ chân họ gắn bó lâu dài với TP.

Các tin khác