Giữ chân FDI bằng logistics

(ĐTTCO) - Logistics được xem là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, cho đến nay dù đã được chú ý song lĩnh vực logistics tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Từ thế mạnh, logistics đang trở thành điểm nghẽn của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI hiện nay.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Quy hoạch đã thiếu logistics
Thực tế cho thấy, chuỗi cung ứng nhằm phát triển bền vững trong suốt hàng chục năm qua, Việt Nam dường như quá thiên về khuyến khích thu hút đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng theo quy mô và số lượng, trong khi phân phối, lưu thông và tiêu dùng - khâu logistics cho sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa - lại chưa được quan tâm đúng mức.
Điều này làm chi phí cao, thị trường gần 100 triệu dân rất nhiều phân khúc còn bị bỏ ngỏ. Sự mất cân xứng giữa sản xuất và logistics diễn ra ngay từ khâu hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ở các ngành và địa phương.
Trong xây dựng và mở rộng các tuyến quốc lộ, đường cao tốc và các hành lang kinh tế, chúng ta hiện vẫn chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng hạ tầng kết nối (hạ tầng logistics) để kết hợp các phương thức vận tải, nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác các hành lang kinh tế, công trình và  phát triển logistics.
Tại các tỉnh, thành phố lớn, việc xây dựng hàng loạt khu chung cư, khu đô thị phát triển mạnh thời gian qua, nhưng lại không hề tính đến khâu hậu cần (logistics) về hạ tầng giao thông, thoát nước, hệ thống trường học và khu vui chơi giải trí cho cư dân.
Điều này đã dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ngập nước… ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương, thành phố.
Giữ chân FDI bằng logistics ảnh 1
Việt Nam với nhiều lợi thế về phương tiện vận tải như đường biển, đường sắt, đường bộ, đường hàng không và cả phương tiện vận tải điện tử, trong khi lại thiếu đầu tư xây dựng hệ thống đường gom, đường kết nối đồng bộ, thiếu quan tâm phát triển đường sắt quốc gia, đường sắt kết nối các cảng biển quốc tế, đường thủy, đặc biệt là xây dựng các trung tâm logistics để phát triển vận tải đa phương thức, xây dựng các khu công nghiệp (KCN) logistics hậu cần cho sản xuất.
Hiện nay cả nước có tới 370 KCN với gần 100.000ha nhưng không KCN logistics nào có quy mô trên các vùng kinh tế, hành lang kinh tế. Hệ lụy là làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chất lượng tăng trưởng do tăng các loại chi phí…

Thiếu bộ tiêu chí tính chi phí logistics
Câu chuyện chi phí logistics luôn nóng lên từng ngày đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.
Tuy nhiên, khi nói đến chi phí logistics và biện pháp giảm phí, chúng ta thường không tách bạch rõ ràng là chi phí logistics của DN logistics (LSP) hay của DN sản xuất kinh doanh, hoặc của toàn nền kinh tế quốc dân. 
Trước đây trong ngành kinh tế cung ứng, kinh doanh thương mại ở nước ta và các nước từng gọi là chi phí lưu thông - gắn liền với các khoản chi phí về vận tải, dịch vụ bảo quản, giao nhận, quản lý hành chính, hao hụt (hao hụt tự nhiên, định mức, trên định mức)… Nay gọi là chi phí logistics.
Chi phí logistics của LSP thực chất là hoa hồng (chiết khấu) DN này được hưởng từ cung ứng dịch vụ nhằm bù đắp các chi phí đã bỏ ra, đồng thời đảm bảo một phần lợi nhuận cần thiết để tái mở rộng kinh doanh logistics. Chiết khấu này thường được tính bằng % hay số tiền nhất định được hưởng trên một khối lượng công việc dịch vụ cung ứng. 
Đối với tổng chi phí logistics trong nền kinh tế quốc dân, thường được tính bằng cách tổng cộng chi phí logistics của tất cả DN trong nền kinh tế (địa phương, thành phố, vùng…), từ đó so với GDP để biết tỷ lệ phí.
Thế nhưng, hiện nay từng DN logistics hay DN sản xuất tự tính theo cách của mình, còn nền kinh tế quốc dân lại dựa vào nghiên cứu tư vấn điển hình theo 12 chuỗi. Điều này dẫn đến khó phản ánh đúng thực tế chi phí logistics Việt Nam và các khoản chi phí logistics của DN bỏ ra, để từ đó có các chính sách, giải pháp giảm chi phí logistics phù hợp. 

Đầu tư logictisc chưa hấp dẫn DN FDI
Trong 2 báo cáo mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về dịch vụ giao hàng trọn gói và ngành logistics tại Việt Nam, đã chỉ ra những khó khăn khi thu hút dòng vốn ngoại vào lĩnh vực logistics do các rào cản pháp lý.
Theo OECD, logistics nói chung được pháp luật coi là “lĩnh vực kinh doanh có điều kiện”, do đó đầu tư FDI phải đáp ứng các điều kiện nhất định với những hạn chế. Các nhà đầu tư nước ngoài phải được chấp thuận khi thực hiện hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), cũng như đáp ứng một số yêu cầu về kiểm tra nhu cầu kinh tế.
Ngoài ra, nhà đầu tư không được phép nắm giữ hơn 49% cổ phần trong một công ty đại chúng. Để gỡ bỏ các rào cản thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực logistics, OECD khuyến nghị Việt Nam bỏ logistics ra khỏi danh sách các ngành kinh doanh có điều kiện.
Thể chế pháp luật logistics tại Việt Nam tuy đã có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống, rào cản cho phát triển thương mại, sản xuất kinh doanh của DN.
Do đó, nhiệm vụ trước mắt đối với Chính phủ là cần hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics, nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường.
Bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến logistics trong Luật Thương mại, Luật Đầu tư để tạo nhận thức đầy đủ về bản chất, vai trò và vị trí của logistics. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý logistics, nhất là chính sách phí, lệ phí, tháo gỡ các rào cản đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường. 
Đối với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics (bao gồm các KCN, trung tâm và cụm logistics) đồng bộ, hiện đại, tiến tới xây dựng thị trường bất động logistics, Việt Nam cần sớm sửa đổi các điều khoản quy định trong Luật Đầu tư để thu hút đầu tư FDI cho logistics, ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại hiện có.
Đẩy nhanh đầu tư xây dựng các trung tâm logistics hạng 1 theo tiêu chuẩn quốc tế tại các điểm giao cắt vận tải thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, nhằm kết nối các phương thức vận tải, thực hiện liên kết kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương và DN...
Cuối cùng, để xây dựng được các trung tâm logistics theo tiêu chuẩn quốc tế, Chính phủ và các địa phương, thành phố cần có chính sách khuyến khích DN logistics trong và ngoài nước đầu tư, tập trung kinh doanh vào trong các KCN logistics. Tái cơ cấu thị trường logistics tại các địa phương và thành phố có lợi thế phát triển các dịch vụ logistics theo hướng logistics xanh, văn minh, hiện đại.
Đây cũng là biện pháp quan trọng giúp DN logistics giảm từng khoản chi phí liên quan đến chi phí vận tải, dịch vụ bảo quản, giao nhận, quản lý hành chính, hao hụt và các chi phí khác. 

Các tin khác