Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu: Vẫn khó tác động giảm giá xăng trong nước

(ĐTTCO) – Theo chuyên gia, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 10% chỉ có tác dụng giúp đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu cho các doanh nghiệp trong nước, còn về bản chất vẫn khó kéo giá xăng dầu trong nước giảm xuống.
Cụ thể, trao đổi với ĐTTC, PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận xét: Việc điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì giảm từ 20% xuống 10% về cơ bản chỉ có ý nghĩa mở rộng thêm thị trường nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp trong nước có cơ hội đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu so với trước.
Về vấn đề giảm thuế nhập khẩu có làm giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước hay không, PGS. TS Phạm Thế Anh cho biết: “Tác động của chính sách này lên giá bán lẻ xăng dầu trong nước là rất ít, do đó đây khó có thể xem là nhân tố giúp giảm giá xăng dầu trong thời gian tới. Việc giảm thuế nhập khẩu này cũng sẽ không mang nhiều ý nghĩa đối với việc giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước khi mà giá xăng dầu nhập khẩu từ các thị trường về cơ bản là như nhau".
Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu: Vẫn khó tác động giảm giá xăng trong nước ảnh 1 Việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 10% chỉ có tác dụng giúp đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu chứ chưa giúp giá xăng dầu trong nước giảm xuống.
Trên thực tế, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) vốn dĩ được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ với Việt Nam, trong đó có xăng dầu. Trước khi điều chỉnh, mức thuế MFN với xăng động cơ, không pha chì là 20% và hiện nay (sau điều chỉnh) giảm xuống 10%. 
Tuy nhiên, mức giảm này cũng không quá chênh lệch mà chỉ tiệm cận với mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA).
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, đối với các quốc gia đã ký kết các FTA với Việt Nam (như khối ASEAN, Hàn Quốc), mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu rất thấp, cụ thể là 8% với xăng và dầu được hoàn toàn miễn thuế nhập khẩu (mức thuế 0%).
Do đó, lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường này. Đơn cử như Hàn Quốc, Singapore vẫn là những thị trường nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất của Việt Nam, trong đó Hàn Quốc chiếm tới 40% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm.
Bởi vậy, việc giảm một nửa thuế MFN với xăng dầu sẽ chỉ có ý nghĩa biểu tượng, đúng hơn là giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn thị trường nhập khẩu xăng dầu hơn là giúp giảm giá xăng bán lẻ thực chất ở thị trường trong nước.

Các tin khác