Giá hàng hóa ‘leo thang’ đẩy CPI 7 tháng tăng 3,59%

(ĐTTCO) - Báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy, so với tháng trước, CPI tháng 7-2022 tăng 0,4%. 
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, riêng nhóm giao thông giá giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm.
Cụ thể, nhóm thực phẩm tăng giá 1,6%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,37%; nhóm lương thực tăng 0,31%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 1,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,39%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,49%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,79%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,43%.
Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông giảm giá 2,85% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước khiến giá xăng giảm 8,68% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 4,03%.
Giá hàng hóa ‘leo thang’ đẩy CPI 7 tháng tăng 3,59% ảnh 1 Giá hàng hóa ‘leo thang’ đẩy CPI tháng 7 tăng thêm 0,4%
Mặc dù vậy, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,16% so với tháng trước do đang là mùa cao điểm du lịch. Giá xe máy, xe đạp, xe ô tô mới tăng lần lượt là 0,98%, 0,47% và 0,36% do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng chủ yếu từ Trung Quốc.
Cũng trong tháng 7, chỉ số giá vàng giảm 2,39% do tác động của giá thế giới. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,62% sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương khác. So với cùng kỳ năm 2021, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,77% so với; bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 0,08%.
So sánh với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7-2022 tăng 3,14%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. So với tháng 12-2021, CPI tháng 7 tăng 3,59%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,07%.
Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021.

Các tin khác