Giá dầu toàn cầu khó đoán định

(ĐTTCO) - Sau khi tăng trở lại trên 120 USD/thùng vào giữa tháng 6, giá dầu đã giảm xuống dưới 100 USD/thùng trong tháng qua và đang tiếp tục giảm. Tuy nhiên, các yếu tố cung cầu và xung đột đã làm gia tăng sự không chắc chắn trong các dự báo giá dầu. Cả Mỹ và châu Âu đều lo ngại về một cuộc suy thoái gia tăng, điều này có thể làm ảnh hưởng đến nhu cầu vàng đen.


Trạm tiếp nhận của đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga.
Trạm tiếp nhận của đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga.
Việc các ngân hàng trung ương (NHTW) thế giới liên tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát gia tăng, cùng với sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc, cũng làm tăng triển vọng giảm nhu cầu đối với dầu mỏ.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt mở rộng đối với xuất khẩu dầu của Nga đã dẫn đến sự không chắc chắn về nguồn cung từ nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Mỹ đang vật lộn để giảm giá nhiên liệu cao trong nước, nên có thể thực hiện các bước ảnh hưởng đến thị trường dầu toàn cầu, chẳng hạn đề xuất hạn chế xuất khẩu dầu của Mỹ. Với nhiều yếu tố này sẽ kéo giá dầu đi theo các hướng khác nhau, liệu giá dầu sẽ tạm dừng hay tiếp tục đà tăng trong thời gian còn lại của năm 2022? 

Át chủ bài: Nga
Sau khi giao dịch ở mức 77-79 USD/thùng vào những tuần cuối cùng của tháng 12-2021 và đầu năm 2022, dầu Brent đã tăng vọt lên 100USD vào giữa tháng 2 sau khi Nga tấn công Ukraine. Vào ngày 7-3 nó tăng lên 139,13USD để đáp lại lệnh cấm của Mỹ đối với xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga. Nhưng mức cao này không kéo dài lâu. Dầu Brent giảm xuống dưới 100USD vào giữa tháng 3 trong bối cảnh lo lắng về nhu cầu sau khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, áp đặt lệnh khóa Covid-19 mới.
Giá dần tăng trở lại trên 100USD do lo ngại về nguồn cung sau khi nhiều nước hợp sức với Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga; và triển vọng phục hồi nhu cầu từ Trung Quốc khi nước này nới lỏng các hạn chế đối với Covid-19. Dầu Brent đạt 125 USD/thùng vào ngày 14-6, khi nguồn cung thắt chặt làm tăng lo ngại về kinh tế toàn cầu sẽ tăng chậm.
Theo một bài báo gần đây của nhà phân tích hàng hóa ING Warren Patterson, sản lượng dầu thô của Nga vẫn ở mức “cứng đầu”, tăng tốt hơn dự kiến. Ông cũng lưu ý rằng giá có thể vẫn tiếp tục tăng do lo ngại về nguồn cung, cả từ OPEC và Nga.
Tuy nhiên, giá dầu Brent đã giảm trong những tuần gần đây, giảm tới 6USD vào ngày 31-8, vì lo ngại suy thoái đã quay trở lại, làm lu mờ việc nguồn cung bị thắt chặt.
Trong nỗ lực hạn chế áp lực tăng đối với giá dầu toàn cầu, các nước G7 gần đây đã đồng ý áp giá trần đối với các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ của Nga. 
Theo ghi nhận của Financial Times, "việc áp giá là để cho phép dầu Nga tiếp cận các thị trường không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu - đặc biệt là các nước thu nhập thấp và trung bình - hạn chế áp lực tăng giá dầu toàn cầu, trong khi hạn chế khả năng của Moscow trong việc tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine". Song Moscow đã đáp trả bằng cách tuyên bố sẽ ngừng bán hàng cho các quốc gia áp đặt trần giá. 
Giá dầu toàn cầu khó đoán định ảnh 1 Ảnh minh họa.
Nhưng sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Theo Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại ANZ, Trung Quốc dự định bám sát chiến lược zero-Covid, với các nhà máy lọc dầu độc lập ở Trung Quốc có kế hoạch tăng cường bảo trì vào tháng 9 trong bối cảnh nhu cầu yếu hơn. Hay bất ổn chính trị gần đây ở Iraq và Libya cũng có thể khiến việc khai thác thêm 5 triệu thùng/ngày gặp rủi ro.
Tính đến ngày 8-9, Brent được giao dịch ở mức 88 USD/thùng, giảm gần 30% so với mức cao nhất ngày 14-6. Tuy nhiên, nếu xét trên một khoảng thời gian rộng hơn, hàng hóa này đã tăng gần 13% từ mức 78,24USD trong phiên đầu năm vào ngày 3-1.

Dầu WTI sẽ kìm giá?
Mặc dù có hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn dầu Brent, nhưng dầu thô West Texas Intermediate (WTI) thường rẻ hơn. Một lợi thế nữa cho WTI là do dầu Brent được sản xuất từ các mỏ dầu ở Biển Bắc, về lâu dài sẽ bị hạn chế do sự suy giảm tự nhiên, thì Bắc Mỹ đã tăng sản lượng khai thác từ đá phiến và cát dầu (một loại WTI). Và hiện giá dầu WTI do Mỹ sản xuất đã bắt kịp với giá dầu Brent trong năm nay do nhu cầu dầu thô của Mỹ tăng cũng như người mua đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho dầu của Nga. 
Vào đầu tháng 1, WTI được giao dịch ở mức 76 USD/thùng so với 79 USD/thùng của Brent. Vào ngày 7-3, WTI đã vượt qua mức 130 USD/thùng, xếp sau Brent sau khi Mỹ thông báo lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, bao gồm cả dầu mỏ và xăng dầu.
Tương tự dầu Brent, giá dầu WTI dần giảm xuống dưới 100USD vào giữa tháng 3 do lo ngại việc khóa Covid-19 mới sẽ làm giảm nhu cầu từ Trung Quốc. Xu hướng giảm giá diễn ra trong thời gian ngắn do nguồn cung toàn cầu eo hẹp vẫn ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. Nhưng WTI đã phục hồi lên trên 100USD và tiến lên 123,68USD vào ngày 14-6 trước khi điều chỉnh.
Ngoài các yếu tố quốc tế, giá dầu WTI đã bị ảnh hưởng bởi đề xuất của chính quyền Biden, về việc hạn chế xuất khẩu dầu thô và sản phẩm của Mỹ để kiềm chế giá nhiên liệu trong nước đang tăng vọt. Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy dự báo sản lượng của Mỹ sẽ đạt 13 triệu thùng/ngày vào mùa hè này.
Artem Abramov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đá phiến tại Rystad Energy, lưu ý: “Công suất lọc dầu nội địa ở Mỹ vẫn giảm so với mức trước Covid, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi sự can thiệp của chính phủ để hỗ trợ nguồn cung dầu thô, có nghĩa Mỹ có thể hỗ trợ các thị trường toàn cầu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng thách thức nhất trong 30 năm”. Đến ngày 8-9, WTI được giao dịch ở mức 82,45 USD/thùng, mất hơn 33% so với mức giá ngày 14-6. Tuy nhiên, nó đã tăng gần 13% từ đầu năm đến nay, từ mức 75,43USD.

Và dự báo của các nhà phân tích
Trong phân tích công bố ngày 30-6, các chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ Research, Daniel Hynes và Soni Kumari, cho rằng dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại khi các NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ, thị trường dầu vẫn cần một sự sụt giảm đáng kể về nhu cầu để bù đắp cho sự gián đoạn về phía nguồn cung.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), đã có 4 cuộc suy thoái toàn cầu trong 7 thập kỷ qua: vào các năm 1975, 1982, 1991 và 2009. Dựa trên dữ liệu của ANZ Research, nhu cầu dầu đã giảm từ 0-3% trong 3/4 cuộc suy thoái đó, ngoại trừ năm 1982, khi nhu cầu giảm gần 8%.
“Các sự kiện hiện tại đưa ra một thách thức mới đối với thị trường dầu mỏ. Đó là cú sốc nguồn cung cao hơn đáng kể so với trước đây. Các cuộc chiến tranh vùng Vịnh và Iran-Iraq chỉ ảnh hưởng lần lượt tới 5% và 2% nguồn cung toàn cầu. Trong khi Nga sản xuất khoảng 10% nguồn cung thế giới vào năm 2021, và là một phần của liên minh OPEC+ từng giúp ổn định thị trường trong 2 năm qua” - Hynes và Kumari viết. 
Kết hợp với nhu cầu mạnh mẽ, các nhà phân tích ước tính thế giới có thể thâm hụt khoảng 2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022. 2 chiến lược gia nói thêm: “Nếu chúng ta giả sử suy thoái kinh tế toàn cầu đẩy nhu cầu dầu toàn cầu xuống thấp hơn 3%, thị trường vẫn sẽ không bị dư cung”.
Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Mỹ (BofA) cho biết trong một lưu ý vào ngày 17-6, rằng những thách thức về nguồn cung có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới, nếu EU thực hiện đầy đủ kế hoạch hạn chế nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga ở mức nhỏ giọt. Trong dự báo giá dầu cho năm 2022, BofA ước tính giá có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng, nếu các lệnh trừng phạt của EU làm Nga giảm sản xuất từ 1 triệu thùng/ngày đến dưới 9 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, BofA dự báo thị trường dầu mỏ toàn cầu thắt chặt có thể cân bằng trong nửa cuối năm nay và năm 2023. 
Về phía cầu, BofA cảnh báo giá dầu cao và đồng USD mạnh lên có thể khiến nhu cầu giảm ở các nước nhập khẩu dầu lớn như Ấn Độ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Đức. BofA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 0,9 triệu thùng/ngày lên 99,6 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay, thấp hơn mức trung bình trước đại dịch năm 2019 là 100,5 triệu thùng/ngày. 
Trong dự báo giá dầu thô Brent cho năm 2022, BofA kỳ vọng giá sẽ trung bình là 104,48 USD/thùng trong năm 2022 và 100 USD/thùng vào năm 2023. ANZ Research dự báo giá dầu thô Brent đạt mức trung bình 113,80USD vào năm 2022 và 104,50USD vào năm 2023. Trong khi đó, Fitch Solutions đã nâng dự báo giá dầu thô Brent lên 105USD vào năm 2022 và 85USD vào năm 2023. Trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn được công bố vào ngày 7-9, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent giao ngay  trung bình là 98 USD/thùng trong quý IV-2022  và 97USD/thùng vào năm 2023. Nhà cung cấp dữ liệu kinh tế TradingEconomics dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 96,86 USD/thùng vào cuối quý này và 107,89 USD/thùng trong thời gian 12 tháng. 
Với WTI, BofA dự báo giá sẽ đạt mức trung bình 100 USD/thùng trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 95 USD/thùng vào năm 2023. ANZ Research dự kiến WTI sẽ giao dịch ở mức trung bình 110,80USD trong năm nay và giảm xuống 103,40USD năm 2013. Fitch Solutions dự đoán WTI sẽ đạt trung bình 100 USD/thùng trong năm nay, và xuống 81 USD/thùng vào năm 2023. EIA dự báo WTI đạt mức trung bình 98,07 USD/thùng năm nay và còn 90,91 USD năm 2023. Trading Economics dự kiến WTI sẽ giao dịch ở mức 90,69 USD/thùng vào cuối quý này, và tăng lên 101,78USD trong thời gian 12 tháng. 

Các tin khác