Fed “mới hay cũ”: Vẫn vừa giữ chân ga, vừa giữ chân thắng

(ĐTTCO) - Ngày 22-11 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã bổ nhiệm ông Powell làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương (Fed) lần thứ hai liên tiếp cho nhiệm kỳ bắt đầu từ tháng 2-2022. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Qua sự lựa chọn này, giới quan sát có thể thấy được ưu tiên lúc này của nền kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới là việc làm và phục hồi kinh tế. Tuy lạm phát chưa là một ưu tiên nhưng đây cũng chính là vấn đề gây đau đầu nhất cho Fed, và đặc biệt là cá nhân ông Powell.
Lựa chọn vì sự ổn định
Trước khi ông Powell được chính thức bổ nhiệm, nhiều người vẫn nghĩ Tổng thống Biden sẽ ưu ái hơn cho người của “phe’’ mình, tức bà Lael Brainard. Là người cùng trong đảng Dân chủ, bà Brainard còn được biết đến nhiều với ủng hộ mạnh mẽ trong vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những ưu tiên của ông Biden.
Nhưng ông Biden đã tiếp tục tín nhiệm người của đảng Cộng hòa cho vị trí quan trọng này. Thay vì lựa chọn một nhân tố mới, ủng hộ một hướng đi khác của Fed, ông Biden đã thẳng thắn cho rằng ở thời điểm này, nền kinh tế Mỹ đang đứng trước một tiềm năng và đồng thời một sự không chắc chắn rất lớn, và ưu tiên lúc này là sự ổn định cũng như sự độc lập ở cơ quan đầu não kinh tế quan trọng hàng đầu này.
Bởi vì nếu Brainard dẫn dắt Fed, lộ trình tăng lãi suất sẽ chậm lại và chu kỳ thắt chặt sẽ ngắn hơn. Đây là điều các quỹ đầu tư lớn, đặc biệt là các quỹ nắm một lượng lớn trái phiếu cần phải có phương án dự phòng. Chẳng hạn, trong trường hợp này sẽ nắm giữ các trái phiếu có kỳ hạn ngắn lâu hơn.
Trước khi Covid-19 trở thành kẻ hủy diệt, Fed đã và đang sử dụng các công cụ trong tay của mình để thúc đẩy nền kinh tế sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2018-2019. Chưa kịp thực hiện phương án tăng dần lãi suất, thì Fed đã phải vội vàng đưa lãi suất về tiệm cận 0% và thực hiện hàng loạt chương trình cho vay khẩn cấp, bơm hàng ngàn tỷ USD ra thị trường, nhằm vực dậy nền kinh tế đã bị chững lại trong suốt một thời gian dài và hồi phục nhanh sau Covid-19.
Trong số các chính sách, không thể không nhắc đến ưu tiên hàng đầu của ông Powell là việc làm, cụ thể là khôi phục lại những việc làm đã bị mất trước đó.
Theo đánh giá chung, mặc dù có một số kết quả không như mong đợi, nhưng ông Powell đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các chính sách của mình. Mùa hè vừa qua, số lượng việc làm mới tăng là điều khiến cho không chỉ Powell mà rất nhiều người đều hài lòng. Nhưng những đứt gãy về chuỗi cung ứng đã khiến cho giá cả tăng vọt, kèm theo đó là giá năng lượng tăng đã khiến cho lạm phát trở thành vấn đề đau đầu của Fed.
Nhưng với những thông điệp được truyền tải thì Fed, mà cụ thể là ông Powell, trọng tâm của các chính sách sẽ tiếp tục ưu tiên cho hồi phục kinh tế và việc làm, mặc dù mối đe dọa từ lạm phát là hiện hữu. Dĩ nhiên Fed thấy điều này nhưng vẫn trấn an thị trường khi cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời và có tính chất “quá độ’’.
Với quyết định lựa chọn cái tên Powell, ông Biden không chỉ muốn duy trì sự ổn định của Fed, tin tưởng vào các chính sách của Fed, mà hơn thế nữa là một bước đi rất khôn khéo về mặt chính trị. Bởi vì ngay trong nội bộ đảng Dân chủ, một thành viên của Ủy Ban Ngân hàng ở Thượng viện là Jon Tester đến từ bang Montana, cũng ủng hộ Powell tiếp tục nhiệm kỳ hai.
 Fed “mới hay cũ”: Vẫn vừa giữ chân ga, vừa giữ chân thắng ảnh 1
Thị trường phải luôn sát sao
Với việc ông Powell tiếp tục nhiệm kỳ lần thứ hai, các chính sách của Fed sẽ không có nhiều bất ngờ lớn, nhưng thị trường luôn dè chừng thời điểm cần thiết phải điều chỉnh tăng lãi suất nếu lạm phát không chỉ là quá độ mà trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Bởi vì nếu Fed phản ứng chậm và yếu, lạm phát sẽ tăng vọt và sau đó kéo dài, còn nếu quá sớm và mạnh thì nền kinh tế sẽ bị như tình trạng sốc phản vệ, quay trở lại tình trạng đình đốn và suy thoái.
Dĩ nhiên điều thị trường tài chính quan tâm nhiều nhất là lãi suất, hơn cả việc mua trái phiếu trực tiếp, bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới giá trái phiếu theo nguyên tắc lãi suất tăng giá trái phiếu giảm, mà lãi suất tăng cũng sẽ khiến cho giá của nhiều cổ phiếu phải điều chỉnh thấp trở lại. Chính vì vậy, sự không chắc chắn về chính sách lãi suất sẽ khiến cho thị trường tài chính có nhiều biến động.
Ở góc độ thương mại, ưu tiên phục hồi kinh tế của Fed và chính phủ Mỹ sẽ thuận lợi hơn cho những nước có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ đáng kể như Việt Nam. Trong trường hợp ưu tiên cho phục hồi kinh tế, việc làm và chấp nhận lạm phát, thì đây cũng là một yếu tố thuận lợi cho những nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ khi giá nhập khẩu tăng.
Và rõ ràng nỗi lo về sự không chắc chắn là rất xác đáng, khi mới đây biến thể mới của Covid-19 ở Nam Phi đã dấy lên mối quan ngại lớn của cả thế giới. Thị trường tài chính ngày 26-11 đã có một phiên hoảng loạn với nỗi lo một làn sóng Covid mới sẽ quay trở lại. Tình huống còn có thể sẽ xấu hơn khi số ca nhiễm ở châu Âu tăng nhanh những ngày gần đây và cũng là lúc mùa đông bắt đầu, kết hợp với cúm mùa.
Các chính sách từ Fed không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ mà còn là cả thế giới. Ai cũng thấy Fed và bản thân ông Powell như đang lái một chiếc xe vào một cung đường nguy hiểm: vừa giữ chân ga mà vừa phải giữ chân thắng.
Chỉ mong rằng biến thể mới của Covid không thực sự nguy hiểm và các yếu tố không lường trước được giảm đi đáng kể, khi đó các chính sách của Fed sẽ hiệu quả hơn. Có như vậy, nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung có thể bước vững chãi vào giai đoạn phục hồi sau Covid.
  Ở góc độ thương mại, ưu tiên phục hồi kinh tế, việc làm và chấp nhận lạm phát của Fed, thì đây cũng là một yếu tố thuận lợi cho những nước xuất khẩu vào Mỹ khi giá nhập khẩu tăng, trong đó có Việt Nam.

Các tin khác