Đột phá chính sách thuế hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giãn cách

(ĐTTCO)-Trước tác động của dịch Covid-19, Việt Nam đã có nhiều chính sách về tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, so với các nước, chính sách giãn, giảm thuế này vẫn chưa đủ và cần có giải pháp mạnh hơn, nhất là trong thời điểm TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chuẩn bị kế hoạch phục hồi sau giãn cách.
Đột phá chính sách thuế hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giãn cách
Với mục tiêu tìm các giải pháp về chính sách thuế đủ mạnh và kịp thời để cùng chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, ĐTTC trích đăng nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM giai đoạn Covid-19 lần 4”, do các nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế-Luật (ĐHQG-HCM) thực hiện.
Hỗ trợ từ Nhà nước là then chốt
Dựa vào số liệu thống kê về kinh tế TPHCM trong giai đoạn giãn cách, cho thấy tổn thương vì dịch Covid-19 của dân chúng và DN rất nghiêm trọng. Vì vậy, các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế phải đủ lớn để có thể đem lại hiệu quả và kịp thời để không đánh mất cơ hội mới giúp nền kinh tế phục hồi sớm và nhanh.
Thế nhưng, ngay cả khi chúng ta hoàn tất giải ngân các gói hỗ trợ năm 2020, quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, rất nhỏ để kỳ vọng hỗ trợ này đủ mạnh nhằm đạt hiệu quả tốt cho phục hồi trọn vẹn. 
Vì vậy, dù dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 có sự suy giảm so với dự kiến, tình hình cân đối ngân sách sẽ vô cùng khó khăn, nhưng ngân sách trung ương vẫn phải giữ vai trò then chốt đối với cả hỗ trợ tức thời, ngắn hạn và hỗ mang tính cấu trúc có tính lâu dài. Quy mô gói hỗ trợ năm 2021 tối thiểu 120.000 tỷ đồng và có thể lên đến 250.000 tỷ đồng.
Tốc độ phục hồi kinh tế của TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trên phạm vi cả nước cũng phụ thuộc rất lớn vào tốc độ hỗ trợ, quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Trong chính sách hỗ trợ, bên cạnh ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp gặp tổn thương nghiêm trọng, Chính phủ cần chuẩn bị các chính sách hỗ trợ dài hạn cho hộ gia đình gặp tổn thương đặc biệt nghiêm trọng có người trong độ tuổi đi học.
Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ đến hết tháng 10-2021 cho nhóm người nghèo và thu nhập trung bình thấp ở các tỉnh thành đang giãn cách xã hội; ban hành rõ các tiêu chí để các cấp thực thi thuận lợi xác định đối tượng thụ hưởng là lao động tự do, lao động bị giảm thu nhập, dựa trên nguyên tắc lấy tốc độ và hiệu quả tức thời làm mục tiêu, chấp nhận tỷ lệ rủi ro sai lệch nhất định có thể làm gia tăng đối tượng thụ hưởng.
Đồng thời, Chính phủ cần kiến tạo các chương trình hỗ trợ việc làm, như hỗ trợ tiền trong khi chờ việc, đào tạo kỹ năng, tái đào tạo và hỗ trợ chuyển đổi việc làm từ các ngành bị thu hẹp sang các ngành có khả năng mở rộng.
Cần sớm xây dựng hạ tầng, cơ sở dữ liệu tập trung để triển khai cập nhật và đồng bộ dữ liệu phúc lợi xã hội thành cơ sở dữ liệu duy nhất phục vụ cho nhiều mục tiêu trong tương lai.
Cùng với đó, tập trung hỗ trợ DN tái khởi động và phục hồi. Giãn cách thời gian dài đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa TPHCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn không chỉ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của DN, còn gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian.
Trên cơ sở phân tích đó, các gói hỗ trợ DN tập trung vào các chính sách hỗ trợ mang tính khẩn cấp (ở giai đoạn tái khởi động và hồi phục), như chia sẻ chi phí giúp DN tăng khả năng tái tạo việc làm và các hỗ trợ tài chính nhằm hạn chế đóng cửa/phá sản, bảo lãnh và cho vay, cung cấp dòng vốn chi phí thấp, các hỗ trợ mang tính cấu trúc từ giai đoạn hồi phục đến ổn định phát triển.
Tham gia mạnh hơn của chính sách tài khóa 
Trong bối cảnh cung và cầu thị trường đều bị tổn thương nghiêm trọng, cần thiết phải hy sinh nguồn thu ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ thuế GTGT.
Về chính sách hỗ trợ DN tái khởi động và phục hồi, bên cạnh chính sách tiền tệ cần có sự tham gia mạnh hơn của chính sách tài khóa, cụ thể ở đây là chính sách thuế. Quy mô hỗ trợ đối với khoản giãn nộp thuế không thể tính trên số tiền giãn nộp như đã xác định ở các gói hỗ trợ đã ban hành. Vì thực chất việc giãn nộp thuế là hình thức hỗ trợ lãi vay trong thời hạn giãn nộp.
Nếu ước tính giá trị hỗ trợ dựa trên quy mô giãn nộp và thời gian giãn nộp theo mức lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân 7%/năm, chính sách này chỉ tương đương 4.000 tỷ đồng.
Nhóm nghiên cứu đề xuất miễn tiền chậm thuế phát sinh trong 2021 đối với các khoản phải nộp ngân sách của cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và tổ chức, DN. Phần này ước tính quy mô hỗ trợ 1.000 tỷ đồng. Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất. Ước tính quy mô hỗ trợ tính trên lãi suất và thời gian được gia hạn khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đề xuất tiếp theo là giảm thuế GTGT. Thu từ thuế GTGT có tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách, chiếm bình quân 27,8% giai đoạn 5 năm gần đây, nên việc giảm thuế GTGT gây ảnh hưởng lớn thu ngân sách.
Tuy nhiên, vì thuế GTGT có tác động trên diện rộng đến giá hàng hóa dịch vụ của người tiêu dùng cuối cùng trong bối cảnh cung và cầu thị trường đều bị tổn thương nghiêm trọng, cần thiết phải hy sinh nguồn thu ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ này. Để đảm bảo hiệu quả mục tiêu giảm giá bán hàng hóa dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối cùng, việc giảm thuế GTGT phải được ghi thẳng lên hóa đơn bán hàng. 
Nếu giảm 50% mức thuế GTGT, không phân biệt lĩnh vực và quy mô kinh doanh, quy mô gói hỗ trợ khoảng 166.000 tỷ đồng. Trường hợp giảm 30% thuế GTGT, không phân biệt lĩnh vực và quy mô kinh doanh, quy mô hỗ trợ ước tính 100.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính nên ưu tiên phương án này.
Còn nếu giảm 30% mức thuế GTGT (trừ các nhóm ngành ít bị tổn thương như thông tin liên lạc, điện, nước, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm), ước tính quy mô hỗ trợ 66.200 tỷ đồng.
Đột phá chính sách thuế hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giãn cách ảnh 1 Ảnh minh họa.
Về thuế TNCN, có quan điểm cho rằng vì nguồn lực ngân sách hạn hẹp, nên cần dành nguồn lực này để hỗ trợ cho người dân có thu nhập thấp thay vì giảm thuế TNCN. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng ngưỡng chịu thuế TNCN hiện nay khá thấp, những cá nhân được phân nhóm “thu nhập cao” không còn cao trên thực tế.
Thời gian giãn cách dài, tiết kiệm của nhóm cá nhân bậc 1, 2 đã bị bào mòn mạnh, giảm thuế TNCN sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng từ đó tăng tiêu dùng, kích thích tổng cầu. Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh phải tạm ngưng kinh doanh trong thời gian giãn cách cũng chịu tổn thương tương tự DN, trong khi khả năng chịu đựng tổn thất kém hơn nhiều.
Với quan điểm đó, nhóm nghiên cứu đề xuất giảm 50% nghĩa vụ thuế TNCN phải nộp từ tháng 4-2021 đến tháng 12-2021 (3 quý thay vì chỉ 2 quý như dự thảo của Bộ Tài chính). Ước tính quy mô hỗ trợ 12.000 tỷ đồng.
Đề xuất bổ sung giảm 50% nghĩa vụ thuế TNCN phải nộp tương ứng với thu nhập từ bậc 2 trở xuống trong 7 tháng (từ tháng 6-2021 đến 12-2021), vì dự thảo của Bộ Tài chính công bố tháng 8-2021 chưa có đối tượng này. Ước tính quy mô hỗ trợ 4.500 tỷ đồng. Tổng quy mô hỗ trợ ước tính của giảm thuế TNCN như đề xuất trên 16.500 tỷ đồng.
Cho phép chuyển lỗ về trước để giảm thuế TNDN
Giảm thuế TNCN sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng từ đó tăng tiêu dùng, kích thích tổng cầu.
Sau giãn cách, DN đối mặt với khó khăn về thanh khoản, do đó nên ưu tiên chính sách cho phép chuyển lỗ về trước sẽ tốt hơn chính sách giảm TNDN. Hơn nữa, miễn thuế TNDN chỉ có tác dụng đối với DN có lãi, không đem lại lợi ích nếu DN thua lỗ.
Chuyển lỗ về trước bằng cách hạch toán lỗ kinh doanh ròng (net operating loss) phát sinh trong năm tài chính 2020 vào thu nhập tính thuế được báo cáo trong những năm trước, dẫn đến khoản hoàn thuế (tạo dòng tiền vào). 
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Bộ Tài chính nghiên cứu cho phép DN chủ động chuyển lỗ về 2 năm trước (2019 và 2020) hoặc 3 năm sau, tổng thời hạn chuyển lỗ không quá 5 năm.
Trường hợp không cho phép chuyển lỗ về trước mà chỉ áp dụng giảm thuế TNDN, dựa trên nguyên tắc công bằng và hiệu quả, có thể xem xét phương án giảm 25% thuế TNDN, áp dụng cho tất cả DN không phân biệt lĩnh vực và quy mô kinh doanh. Phương án này đảm bảo tính công bằng, tiết giảm chi phí tổ chức, giảm chi phí kiểm soát, tăng hiệu quả thực thi. Quy mô hỗ trợ theo phương án này khoảng 58.000 tỷ đồng.
Trong trường hợp áp dụng theo phương án như dự thảo của Bộ Tài chính công bố tháng 8-2021, dự kiến giảm 30% thuế TNDN đối với DN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và có lãi, nhóm nghiên cứu đề xuất bổ sung giảm thuế TNDN cho DN có doanh thu trên 200 tỷ đồng và có lãi. Số thuế giảm được xác định theo công thức: số thuế giảm = (200 tỷ đồng/doanh thu thực tế tính bằng tỷ đồng) x 30% x Số thuế phải nộp. Tổng quy mô ước tính của gói này sau điều chỉnh 23.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các DN thỏa tiêu chí được giảm thuế TNDN nhưng có kết quả kinh doanh bị lỗ trong năm 2021 (không được hưởng giảm thuế trong năm 2021), được tính giảm 30% cho phần lợi nhuận có được sau khi bù trừ số lỗ của năm 2021 kết chuyển năm sau, tối đa đến năm 2023.

Các tin khác