Đón đọc ĐTTC bộ mới số 128 phát hành thứ hai ngày 6-12-2021

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 128 phát hành ngày 6-12-2021 với nhiều chuyên mục:
- Chứng khoán tăng đáng mừng nhưng rất lo: Trong tháng 11-2021, khối lượng giao dịch của VN Index tăng đột biến, trung bình mỗi ngày 1 tỷ cổ phiếu (CP), cá biệt có ngày hơn 1,5 tỷ CP. Khối lượng giao dịch tăng, giá CP tăng đã tạo những ngày kỷ lục về giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vượt mốc 2 tỷ USD/ngày, cá biệt có ngày gần 2,5 tỷ USD. Nhưng khi số lượng nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tăng quá nhanh và nhiều doanh nghiệp phi tài chính lấy đầu tư CK làm lợi nhuận kinh doanh, thị trường không thể không bật chế độ cảnh giác cao. (TS. Võ Đình Trí)
- Liệu lạm phát thế giới đã đạt đỉnh?: Vào cuối tháng 11, trong bài viết đưa tin lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu lên tới 4,9%, cao nhất trong 25 năm qua ở khu vực kinh tế 19 thành viên này, Reuters cũng ghi nhận ý kiến đánh giá của nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả những lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), rằng có thể lạm phát đã đạt đỉnh.  (TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh)
- Nói mãi lạm phát, lạm phát và lạm phát, sẽ tạo thành kỳ vọng lạm phát: Vào tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, Anh và khu vực đồng Euro lần lượt tăng 0,9%,  1,1%, và 0,7%. Nếu những thay đổi giá như thế vẫn duy trì trong 1 năm, lạm phát sẽ cực cao, trên 10%/năm, mức cao nhất trong gần 3 thập niên. (GS.TS Trần Ngọc Thơ)
- Lạm phát nhất thời hay dai dẳng đều chưa đáng ngại: Lạm phát đang gia tăng ở nhiều quốc gia từ các nền kinh tế phát triển đến các thị trường mới nổi, nguyên nhân được kích hoạt bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu cải thiện sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và các gói kích thích kinh tế chưa từng có. Nhưng hiện nay có 2 luồng ý kiến, đó là lạm phát nhất thời hay dai dẳng vẫn đang tranh luận. (Trần Thị Hà My, CTCK Rồng Việt - VDSC)
- Phục hồi nền kinh tế: Dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn, lạm phát ở mức chấp nhận: Đại dịch Covid-19 gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, kể cả sinh mạng con người và những tổn thất kinh tế, xã hội hết sức lớn lao và hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia đã sử dụng mạnh mẽ chính sách tài khóa (CSTK) hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân. Đặc biệt, chính sách tiền tệ (CSTT) đã sử dụng nhiều công cụ, giải pháp phi truyền thống để điều hành, cùng phối hợp với CSTK trong nỗ lực giúp các nền kinh tế không rơi vào khủng hoảng, suy thoái. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ. (TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia)
- Nâng cao khả năng hấp thụ nguồn lực hỗ trợ: Trong thời gian 2 năm vừa qua, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) trong việc chống chọi với đại dịch Covid-19 và duy trì hoạt động xã hội, sản xuất DN. Không ít các chính sách được ban hành kịp thời, có tác động lớn, tích cực đến đời sống kinh tế xã hội và được cộng đồng DN, người dân đánh giá cao. Bên cạnh đó, có một số chính sách tốt nhưng lại không được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời; đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận do gặp phải rào cản về thủ tục, về cơ chế thực hiện. (TS. Phan Đức Hiếu,  Thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)
- Nới room tín dụng, ai hưởng lợi?: Tín dụng bật tăng mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhiều NH cũng đã được NHNN nới hạn mức (room) tín dụng lần thứ 3. Động thái này tạo ra kỳ vọng doanh nghiệp (DN) sẽ được bơm vốn nhiều hơn để phục hồi. Nhưng liệu DN có hấp thụ được dòng tiền này? (Yên Lam)
- Ngân hàng Nhà nước nên can thiệp bằng định hướng “nắn dòng”: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) qua kênh tín dụng cần giám sát chặt. Bởi trong quá khứ, tính hiệu quả của chính sách này không cao, trong khi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mọi thứ cần vận hành theo quy luật cung cầu. Hiện lãi suất cho vay đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử ngành NH là do yếu tố thị trường, không phải do Chính phủ có thể quyết được.  (LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO)
- Nới room và kiểm soát room?: Việc NHNN nới room tín dụng cho 11 NHTM để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sẽ là những hệ lụy rất lớn đằng sau như lạm phát, nợ xấu gia tăng nếu không trúng và đúng đối tượng. Vì vậy, việc nới room tín dụng làm sao vẫn trong kiểm soát của NHNN nhưng lại đạt được hiệu quả như mong muốn là một bài toán cần có lời giải. (ThS. Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Việt Hung)
- Giám sát nguy cơ “bắt tay nhau” để đảo nợ: Khi mảng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2021 ở nhiều NH, phải chăng đây là cách NH và DN bắt tay nhau dùng TPDN để đảo nợ? (PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính)
- Đẩy nhanh tiến độ dự án kết nối hạ tầng với metro số 1: Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành gần 86% khối lượng thi công, dự kiến vận hành năm 2022. Vấn đề nhiều người quan tâm là các cơ quan chức năng đã chuẩn bị như thế nào để tạo thuận lợi đi lại cho hành khách sử dụng tuyến metro này, tránh những điều dư luận đang phản ánh về tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). (Bình Minh)
- Lợi thế VNĐ khó trong dài hạn: Ngược chiều với đồng tiền của nhiều quốc gia khác, VNĐ đã tăng giá khoảng 2% so với USD trong 11 tháng năm nay. Xu hướng này liệu có tiếp tục duy trì trong năm 2022? Theo lẽ thường, đồng USD mạnh lên kéo theo sự mất giá của đồng tiền các nước khác, nhất là các nước mới nổi. Song đáng chú ý, VNĐ là một trong số ít các loại tiền tệ trong khu vực đã tăng giá so với USD từ đầu năm đến nay, một câu chuyện hiếm lạ trên thị trường ngoại hối. (Đỗ Linh)
- Đằng sau cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán: Lợi nhuận khủng từ hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh, tiếp tục “châm ngòi” cho cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán (CTCK). Điều đáng nói là ở đợt tăng vốn lần thứ 2 này, các CTCK nhận được sự đồng thuận từ các nhà đầu  tư (NĐT). (Kim Giang)
- Vì sao người dân lao vào kinh doanh đất nền?: Thời gian gần đây tình trạng phân lô bán nền diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đáng nói, tình trạng này đang có chiều hướng xấu, nhiều người mua đất bị mất trắng, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, ngậm vốn, thậm chí phá sản. Tại sao rủi ro như thế người dân vẫn lao vào để hứng chịu hậu quả? Có cách nào giảm bớt độ nóng của phân lô bán nền? Có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng có lý do ít người khoan sâu, đó là một bộ phận dân cư đang cất trữ lượng tiền lớn nhưng không biết phải làm sao bảo tồn giá trị và sinh lời.  (TS. Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên BCH Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam )
- Triển vọng nào cho giá ngô sắp tới ?: Trong nửa sau năm 2020 và nửa đầu năm 2021, giá ngô thế giới trên sàn CBOT đã có một đợt tăng nóng liên tục, từ mức 314,9 cent/giạ (ngày 4-8-2020) lên mức 723,4 cent/giạ (ngày 7-5-2021), tương ứng tăng 130%. (Phạm Tuấn)
- Tân trang nhà mùa Giáng sinh (Nhã Trúc)
- Phim Việt né ra rạp vì phim bom tấn Mỹ: Bộ phim “Rừng thế mạng” của đạo diễn Trần Hữu Tấn đã đăng ký lịch khởi chiếu vào ngày 31-21, mở đầu cho quá trình phục hồi thị trường điện ảnh thời Covid-19. Mặc dù, nhà sản xuất phim Việt nào cũng hào hứng trước không khí bình thường mới, nhưng ngại ra rạp vì phải né phim bom tấn Mỹ tràn ngập thời điểm cuối năm. (Gia Quan)
- Bất động sản Trung Quốc, sóng gió còn phía trước: Nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) khỏi nguy cơ sụp đổ do tác động dây chuyền từ cuộc khủng hoảng Evergrande, các nhà quản lý Trung Quốc đã giảm bớt áp lực đối với các nhà phát triển BĐS, bằng cách nới lỏng kiểm soát tín dụng và cho phép phát hành trái phiếu nhiều hơn trong những tuần gần đây. Nhưng các nhà phân tích tin rằng sóng gió của thị trường này vẫn còn ở phía trước. (Vĩnh Cẩm)
- Scott Davies - Từ thợ nề thành triệu phú mật ong: Lớn lên trong một trang trại cừu ở Powys, xứ Wales, lại là cậu bé nhút nhát và nghỉ học giữa chừng, bắt đầu với những công việc chân tay, nhưng anh chàng người Anh Scott Davies đã khẳng định với mọi người rằng dù là công việc chân tay vẫn có thể “hái” ra tiền, miễn là bạn có đam mê và chăm chỉ. (Nhựt Quỳnh)
- Những ý tưởng kinh doanh kỳ lạ nhưng đáng giá: Có một số doanh nghiệp kinh doanh kỳ quặc ngoài kia. Và dù bạn tin hay không, nhưng các ý tưởng kinh doanh trong bộ sưu tập kỳ lạ này đều có một điểm chung: những công việc kinh doanh thực sự kiếm tiền, chúng có thể hoạt động tốt ngay cả khi nền kinh tế đi xuống. Họ đã kết nối thành công với một nhóm khách hàng chưa được phục vụ, hay còn gọi là thị trường ngách.  (Ánh Vân)
Và nhiều chuyên mục khác…
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác