Doanh nghiệp F&B cần 6-12 tháng để hồi sức sau đại dịch Covid-19

(ĐTTCO) – Khi cơn bão Covid-19 lần thứ 4 “càn quét” qua, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành thực phẩm – đồ uống (F&B) tại Việt Nam đã bị tác động nặng nề. Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 91% doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng.
Có đến 91% doanh nghiệp F&B cho biết bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.
Có đến 91% doanh nghiệp F&B cho biết bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Trong báo cáo xếp hạng “Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2021”, do Vietnam Report công bố hôm nay (20-10), cho thấy hầu hết các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành F&B được khảo sát bị tác động bởi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trong năm nay, trong đó có 43,5% doanh nghiệp bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng.

Trước năm 2020, thị trường F&B Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng.

Tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2021-2025) là 4,98%. Quy mô thị trường dự kiến đạt 678 triệu USD, với lượng người dùng dự kiến sẽ đạt 17,1 triệu vào năm 2025. Nhưng đứng trước đại dịch Covid-19, hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã và đang đối mặt với bài toán sống còn.

Doanh nghiệp F&B cần 6-12 tháng để hồi sức sau đại dịch Covid-19 ảnh 1 Năm 2021 , có đến hơn 90% doanh nghiệp thuộc nhóm F&B tham gia khảo sát cho biết chịu tác động nghiêm trọng bởi làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.
Năm 2020, gần 48% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng không chịu tác động của đại dịch, hoặc mức độ tác động ít, không đáng kể.

Tuy nhiên, sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào tháng 4-2021, và trở nên nghiêm trọng hơn kể từ tháng 7-2021, với tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động ở mức nghiêm trọng đã lên tới hơn 91%. Điều này cho thấy sức chống chọi của doanh nghiệp đã có dấu hiệu đuối dần.

Những khó khăn mà nhóm doanh nghiệp F&B gặp phải nghiêm trọng nhất là vấn đề liên quan đến logistics và phân phối (chiếm 91%), khi một số vùng kinh tế trọng điểm buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đó là đứt gãy nguồn lao động, nguyên vật liệu và cả chuỗi cung ứng...

Một số biện pháp chống dịch duy trì sản xuất như mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hay cơ chế “luồng xanh” chưa phù hợp với tất cả các địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa.  

Đánh giá về thời gian phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp F&B, khoảng 47% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết mất khoảng 6 tháng. Có 33% số doanh nghiệp cho biết mất khoảng 7-12 tháng phục hồi và 13% mất nhiều hơn 12 tháng.

Nhìn chung, triển vọng phục hồi ngành F&B vẫn nằm trong trạng thái thận trọng, và cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ chính các doanh nghiệp.

Ngoài khó khăn chung, có 35% doanh nghiệp F&B đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức khác đến từ nội tại doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh. 
Đó là khó khăn trong đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc; Khả năng nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu chi phí để đáp ứng nhu cầu; Mức giảm quy mô nhân sự/năng suất; Khả năng quản lý hiệu quả các mô hình làm việc từ xa và tại chỗ kết hợp.
Bên cạnh đó, khoảng 17% số doanh nghiệp F&B cho biết đang gặp thách thức về tính thanh khoản.

Các tin khác