Diễn đàn Kinh tế Việt Nam: Năm 2020-2021, thiệt hại do đại dịch tương đương 37 tỷ USD

(ĐTTCO)-Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhận định: Nếu năm 2020-2021 không có đại dịch, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng đến 7%, nhưng trong năm 2021, dự kiến chỉ tăng 2,5%. 
Phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra cuối buổi sáng 5-12
Phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra cuối buổi sáng 5-12
Nếu tính toán thiệt hại trong năm 2020, giá trị thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng, năm 2021 dự kiến thiệt hại 346.000 tỷ đồng. Tổng 2 năm cộng lại, số thiệt hại về mặt giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỷ đồng, nếu tính giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.

Tại cuộc tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 cuối buổi sáng 5-12, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 2 vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ ngay trong năm 2021 phải đề xuất ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói hỗ trợ tài khóa thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

“Với tinh thần vào việc từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội làm việc với các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung cơ sở thực tiễn và khoa học, đưa ra gói hỗ trợ này cho phù hợp”, ông Thanh cho biết.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, gói hỗ trợ cần tập trung cả phía cung và phía cầu, phối hợp hài hòa, hiệu quả các chính sách vĩ mô, đủ lớn và có trọng tâm để tạo ra cú hích và tạo sự thay đối cho nền kinh tế nhưng tránh nguy cơ có thể gây lãng phí. Thời gian thực hiện dự kiến là 2 năm, trong đó năm 2022 là để phục hồi kinh tế và năm 2023 để kích thích phát triển.

Yêu cầu cốt lõi là phải bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng. Có thể trong giai đoạn nhất định thì một số chỉ tiêu có thể thay đổi, song phải cân đối khả năng vay - trả nợ và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, phải công khai minh bạch; đồng thời phải có cơ chế giám sát để phòng, chống tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm.

Theo chương trình dự kiến, trong phiên họp thứ 6, chiều 8-12 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu đủ điều kiện, nội dung này sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường vào cuối năm nay.

Thảo luận về giải pháp phục hồi kinh tế trong khuôn khổ toạ đàm, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, nhận định, nếu năm 2020-2021 không có đại dịch, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng đến 7%, nhưng trong năm 2021 dự kiến chỉ tăng 2,5%. Nếu tính toán thiệt hại trong năm 2020, giá trị thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng, năm 2021 dự kiến thiệt hại 346.000 tỷ đồng. Tổng 2 năm cộng lại, số thiệt hại về mặt giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỷ đồng, nếu tính giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.

Năm 2020-2021, thiệt hại do đại dịch tương đương 37 tỷ USD ảnh 2Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: QUANG PHÚC

Để phục hồi và phát triển kinh tế, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, tiêu dùng là điều kiện tăng thêm, chuyển đổi số là yếu tố thời đại. Đặc biệt, cần chú trọng đầu tư công nghệ số. Khuyến khích tiêu dùng nội địa rất cần thiết nhưng nếu tăng đầu tư quá mức sẽ làm giảm tiết kiệm, qua đó làm giảm đầu tư. Chính vì vậy, việc khai thác thị trường trong nước cần chú trọng sản xuất hàng tiêu dùng thay vì nhập khẩu như hiện nay.

Bên cạnh đó, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng để gieo kỳ vọng, niềm tin cho nhà đầu tư trong nước. Khi xuất khẩu cao, đầu tư tăng, mặc dù kinh tế khó khăn thì niềm tin giới đầu tư và khả năng phục hồi sẽ nhanh chóng…

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, bên cạnh giành thế chủ động bằng đầu tư công, Việt Nam cũng cần chú ý hạ lãi suất ngân hàng, tái lập hệ thống lao động đóng vai trò quyết định; cần có gói kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất bằng hỗ trợ chi phí phòng, chữa bệnh, hỗ trợ chi phí nhà ở, trợ cấp công nhân... cho doanh nghiệp.

 Những khuyến nghị thẳng thắn dành cho Việt Nam

Điểm đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ngày 5-12 là có sự kết nối các điểm cầu trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ phiên tọa đàm cấp cao, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn đã được các chuyên gia kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới gửi đến diễn đàn.

* Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Những khuyến nghị thẳng thắn dành cho Việt Nam ảnh 1Bà Carolyn Turk

Đối với vấn đề phục hồi kinh tế hậu Covid-19, chúng tôi có 4 khuyến nghị dành cho Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế; đẩy mạnh việc đặt hàng và phân phối vaccine Covid-19, đồng thời cũng cần lên kế hoạch phân phối vaccine trong tương lai. Về lâu dài, Việt Nam nên cân nhắc khả năng tái xây dựng hệ thống y tế hậu đại dịch.

Thứ hai, Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là giảm sự “cứng nhắc” trong hệ thống phân bổ ngân sách, cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu. Và, phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về danh mục các khoản đầu tư hiện nay.

Thứ ba, cân nhắc về tính hiệu quả, không chỉ trong các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mà còn phải để tâm đến việc nâng cao tính hiệu quả của hoạt động Chính phủ. Một giải pháp quan trọng là áp dụng các cơ chế số hóa; đồng thời đầu tư cho các doanh nghiệp, để giúp họ ứng dụng được những công nghệ số mới.

Thứ tư, các gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, cá nhân, các hộ gia đình so với khu vực cho tới thời điểm này vẫn còn thấp, cho nên có thể xem xét việc gia tăng hỗ trợ và chúng tôi tin rằng vẫn còn dư địa tài khóa để làm việc này. Tất nhiên, đi cùng với đó là quy trình thực hiện minh bạch và mục tiêu cụ thể, rõ ràng. 

* Ông Patrick Lenain - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD):

Những khuyến nghị thẳng thắn dành cho Việt Nam ảnh 2Ông Patrick Lenain

Việc duy trì chiến lược “zero Covid” không thể kéo dài mãi, vì nó đòi hỏi phải đóng cửa hoàn toàn biên giới, và đưa ra các hạn chế thường xuyên, gây gián đoạn phát triển kinh tế, với những tác động tiêu cực lâu dài. Australia, New Zealand, Singapore cuối cùng đã từ bỏ chính sách “zero Covid” và Việt Nam đã đúng khi làm điều tương tự. Nhờ chính sách học cách sống chung an toàn với dịch bệnh mới này, các hoạt động kinh tế - xã hội hiện đang dần được nối lại. Sản xuất công nghiệp đã phục hồi và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang giảm dần.

Nhưng, đại dịch vẫn hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới. Biến thể mới Omicron là một nguy cơ mới đe đọa triển vọng tăng trưởng kinh tế và sẽ mất nhiều thời gian để các hoạt động như du lịch, lữ hành và khách sạn trở lại bình thường. Vì vậy, tôi đề xuất 3 ưu tiên sau:

Thứ nhất, điều cần thiết là phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất cao, càng sớm càng tốt, bao gồm cả việc triển khai tiêm mũi nhắc lại vaccine Covid-19. Đủ vaccine để tiêm cũng chưa đủ, cần phối hợp tốt để phân phối, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, thuyết phục những người còn lưỡng lự đi tiêm chủng.

Thứ hai, các giải pháp hỗ trợ kinh tế vĩ mô cần phải mạnh mẽ và nhanh chóng. So với các nền kinh tế phát triển, việc triển khai các gói hỗ trợ chính sách của Việt Nam còn ít và chậm, có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng dài hạn.

Thứ ba, chi tiêu công nhiều hơn sẽ đồng nghĩa với việc nợ nhiều hơn, vì vậy việc lựa chọn các chương trình chi tiêu tốt là rất cần thiết. Các lĩnh vực cần chú trọng đầu tư công là biến đổi khí hậu, giáo dục và phát triển kỹ năng.

Với những cải cách chính sách đúng đắn, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được sự thịnh vượng về kinh tế trong tương lai gần.

* Nguyên Phó Thủ tướng Đức Phillip Roesler: 

Những khuyến nghị thẳng thắn dành cho Việt Nam ảnh 3Nguyên Phó Thủ tướng Đức Phillip Roesler

Tôi tin tưởng rằng để phục hồi sau khủng hoảng Covid-19, Việt Nam nên tập trung vào thế mạnh của mình. Đầu tiên và quan trọng nhất là khả năng sản xuất. Thứ hai là phát triển công nghệ. Hiện nay, nhiều sản phẩm chất lượng cao đã được lắp ráp tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên tập trung nâng cao năng lực công nghệ của mình - đây chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Có 2 xu hướng chính mà nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới là phát triển bền vững và số hóa. Về vấn đề phát triển bền vững, Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều ở cả hai lĩnh vực này, bởi Việt Nam có nền nông nghiệp rất vững mạnh; có nhiều start-up và một cộng đồng doanh nghiệp trẻ trung và sáng tạo.

Tôi đặc biệt khuyến nghị Việt Nam nên giữ tinh thần lạc quan. Việt Nam luôn được đón chào trên toàn thế giới.

Các tin khác