Cần chuẩn bị các chiến lược để “chung sống với Covid-19”

(ĐTTCO) - TPHCM là một địa phương đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia. Khi gặp khó khăn trong đại dịch, thành phố đề nghị Trung ương hỗ trợ và đến nay đã được hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá sự khó khăn về tài chính của thành phố đang là rất lớn.
Cần chuẩn bị các chiến lược để “chung sống với Covid-19”

Cần chuẩn bị các chiến lược để “chung sống với Covid-19”

Ngày 23-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42, Nghị quyết 154, Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM, về chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thông tin, Thường trực HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết số 97 ngày 22-9 về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM (đợt 3).

ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị các sở cần chuẩn bị chiến lược, kế hoạch của ngành trong giai đoạn bình thường mới. Trong đó, Sở LĐTB-XH TPHCM cần tham mưu, chuẩn bị chiến lược về an sinh xã hội với các vấn đề về lao động, an sinh, xã hội... trong thời gian tới.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: 'TPHCM nộp ngân sách 330.000 tỷ, xin hỗ trợ 28.000 tỷ nhưng mới được cho 2.000 tỷ đồng' ảnh 1Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thông tin tại buổi giám sát. Ảnh: Việt Dũng.
Đối với ngành y tế, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị ngành y tế cần triển khai nhanh hơn việc hỗ trợ cho người làm tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt, cần chuẩn bị kỹ lưỡng chiến lược về y tế, vì đây là chiến lược trụ cột nhất để TPHCM mở cửa, phục hồi kinh tế.
Trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở KH-ĐT đánh giá, dự báo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM, để có kế hoạch, chiến lược phục hồi phù hợp. Đồng thời, phải rà soát, dự báo tình trạng phá sản của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi.
Sở cũng cần quan tâm đến kết nối cung – cầu, thu hút đầu tư trong bình thường mới.
Cùng mối quan tâm đến chiến lược trong bình thường mới, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị các sở nêu kế hoạch cụ thể về mở cửa trở lại, nỗ lực để từ ngày 1-10 “chung sống với Covid-19”.
Ông Nghĩa đề nghị cần có chính sách xây dựng nhà trọ, có nhà ở xã hội khang trang cho công nhân ở các khu công nghiệp. “Không để công nhân ở lăn lóc, lụp xụp xung quanh các khu công nghiệp”, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Khó khăn lớn nhất là dữ liệu tản mát
Nhận xét về công tác hỗ trợ, ĐB Nguyễn Sỹ Quang thẳng thắn cho rằng việc triển khai hỗ trợ ở một số nơi còn sót, chậm hỗ trợ đối với người dân. Ông đề nghị Sở LĐTB-XH TPHCM cần phối hợp với ngành công an để đối sánh dữ liệu của hỗ trợ với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, nhằm tránh sót lọt khi triển khai hỗ trợ.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: 'TPHCM nộp ngân sách 330.000 tỷ, xin hỗ trợ 28.000 tỷ nhưng mới được cho 2.000 tỷ đồng' ảnh 2ĐB Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Việt Dũng 
Ông Nguyễn Sỹ Quang nêu vấn đề mà cử tri, người dân và doanh nghiệp TPHCM đang quan tâm nhất là sử dụng "Thẻ xanh Covid" sau ngày 30-9 ra sao?
Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay là dữ liệu. Dữ liệu về tiêm vaccine, dữ liệu F0 đã khỏi bệnh, nhất là F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh, dữ liệu về xét nghiệm… đang tản mát. ĐB đề nghị ngành y tế cần cập nhật kịp thời dữ liệu để sau 30-9 hướng tới sử dụng mã QR tích hợp các dữ liệu này, phục vụ cho triển khai "Thẻ xanh Covid".

ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá sự khó khăn về tài chính của thành phố đang là rất lớn. 

“TPHCM là một địa phương đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia (mỗi năm từ 300.000 - 330.000 tỷ đồng – PV). Khi gặp khó khăn trong đại dịch, thành phố đề nghị hỗ trợ 28.000 tỷ đồng thì xem xét tới lui mới cho được 2.000 tỷ đồng”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Ông cho rằng, Đoàn ĐBQH TPHCM nên có bản kiến nghị đại diện tiếng nói của cử tri TPHCM, để kịp thời phản ánh đến với Quốc hội, Chính phủ. Bản kiến nghị có chiều sâu và từ kiến nghị này chất vấn thành viên Chính phủ về y tế, về tài chính. 
Bày tỏ rất đau lòng khi số ca tử vong rất cao, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị các ngành chuyên môn cần có câu trả lời đầy đủ nhất cho cử tri TPHCM về tình trạng này. Đồng thời rút ra bài học để từng bước mở cửa trở lại và chống đỡ các biến cố về các đợt dịch nếu xảy ra trong tương lai.
Ông cũng nêu thực trạng vaccine còn khan hiếm khiến người dân lo lắng. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, một trong các điều kiện để sống trong môi trường có Covid-19 là phải có vaccine đầy đủ.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: 'TPHCM nộp ngân sách 330.000 tỷ, xin hỗ trợ 28.000 tỷ nhưng mới được cho 2.000 tỷ đồng' ảnh 3ĐB Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Việt Dũng
ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các sở, ngành cần dự báo sát hơn số hộ kinh doanh cần hỗ trợ. Cùng với đó, nên có chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp sẵn sàng sản xuất trở lại, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Kéo dài sản xuất “3 tại chỗ” sẽ ảnh hưởng tâm sinh lý người lao động

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM, thông tin Nghị quyết 68 đã giảm 2/3 thời gian, cắt giảm 2/3 thủ tục so với Nghị quyết số 42 năm 2020. Thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, thời gian nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người lao động cũng không đi lại được để hoàn thiện thủ tục.

Đối với Nghị quyết số 09, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 09 được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, góp phần chia sẻ kịp thời khó khăn của người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm đóng cửa nên việc lập danh sách người lao động còn chậm.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết đang xây dựng đề án để hỗ trợ người già neo đơn, trẻ em mồ côi vì Covid-19.
Qua thống kê, đến nay TP có 823 trẻ em (dưới 16 tuổi) mồ côi vì Covid-19. 
 Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Trần Anh Tuấn thông tin các doanh nghiệp trong thời gian qua đã rất nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, để tổ chức phương án sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, một cung đường 2 địa điểm (gọi tắt là sản xuất 3T). Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều đánh giá rằng mô hình sản xuất 3T không thể kéo dài bởi nhiều vấn đề.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: 'TPHCM nộp ngân sách 330.000 tỷ, xin hỗ trợ 28.000 tỷ nhưng mới được cho 2.000 tỷ đồng' ảnh 4ĐB Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Việt Dũng 
Hạ tầng, cơ sở vật chất nhà máy chỉ thiết kế xây dựng để sản xuất, vốn dĩ không có phương án để tổ chức theo mô hình 3T. Do vậy khi phải điều chỉnh sắp xếp để sản xuất theo 3T thì không thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho người lao động sinh hoạt thoải mái như bình thường, chắc chắn có nhiều thiếu thốn.

Nếu kéo dài cách làm này, sức khỏe, tinh thần người lao động sẽ bị ảnh hưởng, do cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, ảnh hưởng tới cuộc sống của từng gia đình và tâm sinh lý người lao động. Mô hình 3T cũng khiến chi phí sản xuất đội lên cao do phải tăng các chi phí cho người lao động, cho công tác phòng chống dịch, cho chi phí xét nghiệm Covid-19.

Sở KH-ĐT TPHCM đề nghị, cần ban hành ngay hướng dẫn quy trình xử lý F0, F1 khi phát hiện trong các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo 3T. Ưu tiên tiêm vaccine nhanh và dứt điểm đối với các doanh nghiệp sản xuất 3T.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp 3T giảm chi phí do tổ chức 3T gây ra, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho công nhân miễn phí.

Về tiêm vaccine cho người lao động, Sở KH-ĐT TPHCM đề nghị Nhà nước cấp cho doanh nghiệp theo nhu cầu cần tiêm, và cho phép các đơn vị tiêm chủng tư nhân có đủ điều kiện tiêm dịch vụ cho doanh nghiệp. Như vậy sẽ nhanh và giảm gánh nặng cho Nhà nước về chi phí tổ chức tiêm.

Về gói hỗ trợ doanh nghiệp, theo Sở KH-ĐT TPHCM, cần phân loại doanh nghiệp thành 3 nhóm, để doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đúng, trúng và hiệu quả: Doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động; doanh nghiệp đang hoạt động. Việc hỗ trợ doanh nghiệp theo nguyên tắc doanh nghiệp đang còn hoạt động sẽ được nhận nhiều giải pháp đồng bộ, để được giải cứu đến cùng.

Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ có kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các sở liên quan đã chủ động trong tham mưu, triển khai thực hiện công tác hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch Covid -19.

Cần chuẩn bị các chiến lược để “chung sống với Covid-19” ảnh 5 Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: Việt Dũng 
Bà Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị các sở tiếp thu các vấn đề mà các ĐBQH nêu ra trong việc triển khai hỗ trợ và mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết liên quan hỗ trợ tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, cần sự hướng dẫn kịp thời của các sở, cũng như nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh. Việc triển khai phải nhanh chóng, kịp thời và luôn phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Các công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, mở cửa trở lại đều phải thực hiện một cách thông suốt từ cấp thành phố tới quận, huyện, TP Thủ Đức và các xã, phường, thị trấn.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị TPHCM cần chuẩn bị nguồn kinh phí để sửa chữa các trường học từng được trưng dụng làm cơ sở y tế, nhằm đảm bảo cơ sở vật chất khi mở cửa trở lại, đón học sinh tới trường.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM nhấn mạnh Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ có văn bản kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ về các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch, hỗ trợ người dân và phục hồi kinh tế.

Đoàn ĐBQH TPHCM cũng có báo cáo riêng về việc triển khai các nghị quyết trong việc hỗ trợ người dân bị tác động của dịch Covid-19 gửi các cơ quan Trung ương và TPHCM, để có sự quan tâm, sớm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.

 

Các tin khác