Chắt chiu cơ hội từ các FTA

(ĐTTCO) - Biến động kinh tế thế giới đang tác động rõ nét đến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022 và dự báo còn kéo dài tới 2023. Nhiều giải pháp đã được bàn tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua giai đoạn khó khăn này, trong đó việc chắt chiu từng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia. 
Nuôi tôm để chế biến xuất khẩu phải đạt chứng chỉ ASC, chính là giấy thông hành để vào EVFTA.
Nuôi tôm để chế biến xuất khẩu phải đạt chứng chỉ ASC, chính là giấy thông hành để vào EVFTA.
Tận dụng FTA còn khiêm tốn
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 15 FTA Việt Nam tham gia có hiệu lực. Tuy nhiên, đến hết năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA mới chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Chưa hết, tại nhiều thị trường có các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP), dù lộ trình cắt giảm thuế mạnh nhưng tỷ lệ thị phần hàng Việt vẫn rất nhỏ.
Thí dụ, thị trường Canada (theo CPTPP), sản phẩm gỗ Việt Nam được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, nhưng chỉ chiếm 1,6% thị phần tại nước này. Tương tự, thủy sản cũng được xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, nhưng đến nay mặt hàng này mới chiếm 6,9% thị phần tại Canada. 
Ông Đặng Thái Thiện, Phó phòng giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM, cho biết tại nhiều lớp tập huấn học viên chỉ quan tâm đến cắt giảm thuế quan chiều nhập khẩu, ít quan tâm xuất khẩu. Bởi nhiều DN cho rằng, họ không có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ và các quy định để hưởng ưu đãi từ các FTA khi xuất khẩu hàng hóa. Điều này thực sự đáng tiếc cho mảng xuất khẩu của các DN. “Cơ hội do các FTA mang lại không phải vĩnh viễn.
Bởi lẽ, chúng ta còn phải cạnh tranh cơ hội với các đối thủ khác trong xuất khẩu khi họ cũng có nhiều FTA chung. Vì thế, việc chắt chiu cơ hội từ các FTA hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như hiện nay” - ông Thiện chia sẻ. 
Thực tế khó khăn do đến từ lo ngại không đáp ứng quy tắc xuất xứ chỉ là một trong những rào cản khiến DN khó hưởng lợi từ các FTA. Theo một khảo sát với nhóm DN chịu tác động từ các FTA, có 40,1% DN cho biết gặp khó khăn do thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng, 40,6% DN gặp khó khăn do năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Hạn chế này có thể nằm ở nhiều yếu tố khác nhau, như nguồn vốn và công nghệ dẫn tới hạn chế về khả năng đáp ứng tiêu chuẩn tại các thị trường khó tính, việc thiếu định vị thương hiệu… 28,2% DN gặp khó khăn do bất cập trong công tác tổ chức thực thi FTA của cơ quan nhà nước. 

Tổng lực khai thác FTA
Để khai thác tốt các FTA, vai trò chủ động của DN là điều quan trọng đầu tiên. Tại hội thảo về tận dụng các FTA thế hệ mới diễn ra hồi cuối tháng 11 tại TPHCM, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, cho biết DN mình đã tận dụng khá tốt EVFTA ở cả 2 chiều xuất và nhập.
Với xuất khẩu, năm 2020 xuất khẩu của công ty vào EU đạt 50 triệu USD, đến năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 63 triệu USD, tăng 26%. EVFTA có hiệu lực, giúp tăng số lượng và giá trị đơn hàng, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng. Ở chiều ngược lại, EVFTA đã giúp DN được hưởng thuế suất ưu đãi khi nhập khẩu máy móc thiết bị cho sản xuất, phát triển các sản phẩm chế biến sâu. 
Để tận dụng tốt các FTA, theo ông Thông các DN phải luôn cập nhật các thông tin mới và hướng dẫn, đào tạo đội ngũ cách tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để. DN phải luôn sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế, đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các FTA.
Ngoài ra, DN cần bám sát thông tin, hướng dẫn từ Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan ban ngành, để chủ động đáp ứng các thay đổi trong thương mại quốc tế. Cùng với những nỗ lực tự thân, DN có thể thuê các đơn vị tư vấn hỗ trợ trong việc làm thế nào để tận dụng tốt nhất các FTA.
TS. Phạm Đình Thưởng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và tận dụng FTA (KTPC), cho biết các DN sẽ được tư vấn để nắm rõ cơ hội từ các FTA, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tiếp cận thị trường bài bản, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo cam kết trong FTA. Tất nhiên nỗ lực của mình DN là chưa đủ, vì không phải DN nào cũng có đủ đội ngũ có trình độ chuyên môn cao am hiểu các quy định để có thể tận dụng triệt để FTA, hay đủ tài chính để tiếp cận gần hơn các đơn vị tư vấn tận dụng FTA. Lúc này vai trò hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, trong đó cụ thể là Bộ Công Thương hết sức quan trọng. 
Được biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA. Triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh/thành thông qua bộ chỉ số FTA Index. Đặc biệt, sẽ đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn các khóa tập huấn, hội thảo ngắn, chuyên đề thiết thực với DN. Thúc đẩy triển khai tiếp cận tín dụng cho DN tận dụng FTA, xác định những ngành hàng chủ lực để đồng hành từng bước nhỏ… Những giải pháp này đang được cộng đồng DN kỳ vọng rất nhiều. 
Cùng với những hành động quyết liệt từ Bộ Công Thương, các bộ ngành khác cũng phải vào cuộc tích cực nhằm hỗ trợ DN từng bước đạt được các tiêu chí để hưởng lợi từ các FTA. Câu chuyện ngành tôm là một thí dụ. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta, cho biết tôm nuôi đạt chứng chỉ ASC chính là giấy thông hành để tận dụng EVFTA. Nhưng để có nhiều trang trại lớn đạt chuẩn ASC, Nhà nước phải xem xét hạn điền và các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm. Nếu chúng ta không nhanh chân sẽ thua đối thủ lớn là Ecuador. 
Hiện Ecuador đã có FTA với châu Âu, họ cũng có khoảng 1 triệu tấn tôm và khoảng 20% sản lượng đã được chứng nhận ASC. Trong khi Việt Nam cũng có sản lượng 1 triệu tấn tôm nhưng mới có khoảng 2.000 tấn đạt chứng nhận ASC. Ecuador cũng đang đầu tư những nhà máy hiện đại phục vụ cho chế biến sâu. Ông Lực lo ngại nếu chúng ta không nhanh, vài năm nữa tôm Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau.  
  Chắt chiu cơ hội và tổng lực khai thác các FTA, nhất là FTA thế hệ mới, là những việc cần làm ngay của DN cũng như các cơ quan nhà nước để đẩy mạnh xuất khẩu.

Các tin khác