Chấp nhận có mở có đóng

(ĐTTCO)-Nhiều chuyên gia cho rằng phải chấp nhận thực tế không thể loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cuộc sống. Do đó, TP.HCM cần mở cửa lại hoạt động kinh tế trên cơ sở chuẩn bị đủ các điều kiện để sống chung với virus một cách an toàn.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn khu vực sản xuất của doanh nghiệp “3 tại chỗ” - Ảnh: VĂN HIỀN
Nhân viên y tế phun khử khuẩn khu vực sản xuất của doanh nghiệp “3 tại chỗ” - Ảnh: VĂN HIỀN

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng TP.HCM đủ điều kiện tái khởi động một số hoạt động, lĩnh vực kinh tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi tỉ lệ dân số tiêm vắc xin đạt một mức nhất định, số ca mắc được khống chế, số ca chuyển nặng không nhiều, ngành y tế không quá tải, số ca tử vong không đáng kể thì có thể mở dần hoạt động kinh tế.

* Cũng có nhiều ý kiến cho rằng số người đang điều trị và số ca tử vong còn cao, chưa nên mở cửa lại?

- Dù chưa kiểm soát hoàn toàn nhưng ngành y tế bắt đầu can thiệp điều trị đúng hướng, số ca tăng nặng và tử vong đang giảm theo chiều hướng tốt.

Đặc biệt, một số hạn chế dẫn đến số ca tử vong cao thời gian qua đã được khắc phục và tỉ lệ dân đủ tuổi được tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 tương đối.

* Nhưng trong dự thảo lộ trình mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra một số nhóm chỉ số để được mở cửa trở lại như số ca mắc mới, nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ...?

- Những chỉ số trong dự thảo cho thấy Bộ Y tế vẫn đặt mục tiêu giảm số ca nhiễm tiệm cận "zero F0". Ở phương diện quốc gia, mục tiêu này không hoàn toàn sai. Nhiều tỉnh thành trong cả nước vẫn thuộc "vùng xanh", "vùng vàng", việc kiểm soát số ca nhiễm mới vẫn cần thiết.

Tuy nhiên, áp tiêu chí đó vào đặc thù TP.HCM lại không hợp lý. Đến nay, TP.HCM hầu như đạt 100% người đủ tuổi, đặc biệt người lớn và người có bệnh nền, đã tiêm mũi 1 và có kế hoạch đến 15-9 đạt 35% dân số tiêm mũi 2.

Giữa số ca nhiễm mới, số ca bệnh nặng và số ca tử vong không còn liên quan nhiều, các biện pháp kiểm soát ca mắc mới được áp dụng lâu nay không còn phù hợp. Hơn nữa, việc tập trung nhân lực y tế cho mục tiêu giảm F0 cũng không còn hiệu quả.

Với TP.HCM, tôi cho rằng cần có một tiêu chí đặc thù để kiểm soát dịch và đưa ra lộ trình mở cửa sắp tới. Bộ Y tế cần đưa ra hướng dẫn trên nguyên tắc chung, theo hướng địa phương nào đạt tỉ lệ tiêm chủng 80 - 90% dân số trở lên được đề xuất các lộ trình, quy trình kiểm soát để mở cửa. Từ đó, TP xây dựng lộ trình cụ thể.

* Để mở cửa nền kinh tế, TP.HCM cần căn cứ vào yếu tố nào để xây dựng lộ trình, thưa ông?

- Trước hết, TP phải đánh giá năng lực hệ thống ngành y tế đã đáp ứng cho việc mở cửa hay chưa. Không để xảy ra việc ngành y tế khẳng định sẽ đủ oxy cho cả nước nhưng trong thực tế lại không đáp ứng đủ.

Và theo khuyến cáo của WHO, chỉ khi nào mỗi tuyến điều trị mới chỉ sử dụng 75% số giường bệnh, có đủ khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân thì mới nên mở cửa.

Ngược lại, nếu quá tải, không còn khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân thì chưa nên mở cửa. Đặc biệt phải giám sát được tình hình bệnh tật, tỉ lệ tăng nặng và tỉ lệ tử vong, giám sát được việc tuân thủ các hành vi dịch tễ theo các bộ tiêu chí, quy chuẩn an toàn cụ thể trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Nếu số ca tăng nặng và số ca tử vong vượt qua ngưỡng cho phép sẽ thiết lập các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ trở lại.

* Khi đánh giá đủ điều kiện để mở cửa, lộ trình đó nên được tính toán như thế nào?

- Nghiên cứu việc "mở cửa" một số nước trên thế giới cho thấy lộ trình mở cửa theo nguyên tắc hoạt động và lĩnh vực nào thiết yếu, ít nguy cơ nhất thì mở trước. TP.HCM cũng đã có dự thảo lộ trình, trong đó đầu tiên sẽ mở cửa một số ngành kinh tế thiết yếu và hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Ở những khu vực này, công nhân hầu hết đã tiêm từ 1 hoặc 2 mũi và có ý thức tuân thủ nguyên tắc lao động hơn nên việc giám sát dịch tễ cũng thuận lợi. Lộ trình sau đó sẽ mở dần những ngành nghề khác có nguy cơ cao hơn vì có sự tiếp xúc cộng đồng.

* Có ý kiến cho rằng nên mở theo hướng phân chia các lĩnh vực, ngành nghề, hoạt động theo mức độ rủi ro và áp các tiêu chí cụ thể...?

- Cái đó hợp lý, tôi đồng ý. Không thể nói anh công nhân ở khu chế xuất cần công việc hay có nhu cầu kiếm tiền hơn người lao động ở ngành nghề khác. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nếu mở ồ ạt kiểu đó sẽ rất khó kiểm soát. Do vậy, trước mắt, theo tôi, vẫn mở theo hướng để các hoạt động lĩnh vực thiết yếu trước.

Sau thời gian 1 - 2 tuần, TP cần có đánh giá lại. Nếu thực sự an toàn, lúc đó có thể đồng loạt mở các hoạt động trên nguyên tắc tổ chức và cá nhân phải đáp ứng tiêu chí an toàn cụ thể. Còn hiện nay, nếu mở ra đồng loạt, sau đó việc lây lan phát rộng ra, bản thân người dân cũng sợ và ảnh hưởng đến lộ trình mở cửa chung.

* TS Lương Hoài Nam:

Phải xây dựng hạ tầng y tế mạnh

Để mở cửa lại hoạt động kinh tế, TP.HCM phải dựa trên 4 trụ cột là "vắc xin + 5K + điều trị + công nghệ". Ngoài việc đẩy nhanh tiêm vắc xin, trong đó sớm tiêm vắc xin cho trẻ em, TP nên làm việc với Bộ Công an thống nhất dữ liệu các app phòng chống dịch thành một app duy nhất nhằm tạo thuận lợi trong việc tổ chức và khai thác cho mục đích chống dịch. Cũng cần sử dụng công nghệ để giảm thiểu giao tiếp, giao dịch giữa người với người, giảm thiểu việc đi lại không cần thiết.

TP.HCM cũng cần bắt tay quy hoạch một kế hoạch phát triển hạ tầng y tế đủ điều kiện phục vụ điều trị COVID-19 ổn định lâu dài, huy động y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19. Khi hạ tầng cơ sở y tế đủ mạnh, TP có thể yên tâm mở hoạt động trong điều kiện có dịch. Virus sẽ không thể biến mất, lúc này lúc khác có thể bùng phát dịch chỗ này hay chỗ kia. Nhưng khi có hạ tầng y tế tốt, cộng với vắc xin đầy đủ, số người tử vong có thể ở mức rất thấp. Nếu hạ tầng y tế không đảm bảo, mở cửa một thời gian lại quá tải và phải đóng cửa thì càng khiến TP bị kiệt quệ thêm.

* TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia TP.HCM):

Chiến lược "phòng thủ" kết hợp "hòa hoãn"

Biến thể Delta với cuộc càn quét, tàn phá hệ miễn dịch buộc chúng ta phải "chuyển trạng thái" từ tấn công - xóa bỏ sang "phòng thủ" kết hợp "hòa hoãn" để sống chung với virus.

Đặc thù của một đô thị lớn như TP.HCM có cơ sở hạ tầng dân cư khá phức tạp, thành phần lao động thời vụ khá đông, dễ biến động theo chuỗi lao động dịch vụ cấp thấp. Do đó, khi áp dụng đánh giá theo các tiêu chuẩn chung nhằm trở lại trạng thái "bình thường mới", rất cần dựa trên những "mảng màu" của thực tế, trong đó ngoài những vấn đề mấu chốt của lĩnh vực y tế thì đặc biệt phải tính đến ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế, ngưỡng chịu đựng về mặt xã hội cũng như khả năng gồng gánh, đáp ứng của ngân sách TP đối với chính sách an sinh xã hội.

Kế đến, đặc thù địa lý của TP với tính kết nối liên vùng - Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang - với một lượng lao động, di dân lưu thông liên tục trong ngày cũng cần được tính đến. Nếu TP.HCM muốn trở lại "bình thường mới", chắc chắn phải đặt trong chuỗi an toàn với các địa phương vệ tinh; hoặc ngược lại, mục tiêu an toàn sức khỏe nhân dân lẫn không đứt gãy mạch giao thương kinh tế vùng - quốc gia mới đảm bảo.

TP.HCM đang trong nỗ lực tiếp tục giảm số ca tử vong, giảm số ca nặng phải nhập viện, điều trị ICU bằng chiến thuật tăng cơ số thuốc và lực lượng y tế thăm khám, điều trị ngay tại nhà, ngay khi bệnh khởi phát; giãn dân khỏi bệnh, âm tính ra khỏi các ổ dịch hiện hữu lẫn nguy cơ cao. Hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vắc xin mũi 1, đang đẩy nhanh tiêm chủng mũi 2. Đồng thời tập trung kiểm soát chặt chẽ việc thực thi giãn cách xã hội và hiệu quả thật sự của các gói an sinh xã hội. Ba mũi nhọn này chính là dữ liệu để lãnh đạo TP thận trọng trong những bước đi trước khi có quyết định sống chung với virus, kể từ sau cột mốc 15-9. Đó cũng là "chỉ số" xác thực để đánh giá theo bộ tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 mà TP đã và đang nỗ lực áp dụng, triển khai. Theo đó, căn cứ vào tỉ lệ tiêm đủ liều vắc xin của người dân, lao động và quy trình tổ chức sinh hoạt - hoạt động - sản xuất được đảm bảo mức độ an toàn sẽ tương ứng với cấp độ nới lỏng giãn cách, tạo lập trạng thái "bình thường mới" cho từng khu vực địa bàn, từng ngành nghề...

Các tin khác